Đạo diễn Quốc Trọng: Không làm phim nữa thì cắt tóc, vá xe

Đạo diễn Quốc Trọng được mệnh danh là “mẹ chồng chúa” trên trường quay vì luôn cầu toàn và khắt khe trong từng khuôn hình. Ảnh: Nhã Khanh.
Đạo diễn Quốc Trọng được mệnh danh là “mẹ chồng chúa” trên trường quay vì luôn cầu toàn và khắt khe trong từng khuôn hình. Ảnh: Nhã Khanh.
TP - Gặp lại “Xuân Tóc đỏ” ngày nào thấy tóc đã chuyển màu muối tiêu, nhưng nụ cười hóm hỉnh, cách nói chuyện có duyên và giọng nói đặc trưng thì vẫn không lẫn vào đâu được. Đặc biệt, niềm tâm huyết với phim ảnh vẫn nồng nàn như thuở mới “yêu”, dù giờ đây, ông không còn là một Xuân Tóc đỏ khờ khạo mà đã trở thành một đạo diễn nổi tiếng với nhiều giải thưởng và hàng trăm bộ phim truyền hình.

40 năm- một “lời nguyền”

Dạo này, có nhắn tin hay gọi điện cho đạo diễn Quốc Trọng thì cũng phải đến tận 11h đêm mới nhận được hồi đáp. Đơn giản, đến lúc đó, đoàn phim của ông mới đóng máy. Chưa kể, nhiều hôm phải “quần nhau” đến 4h sáng, cả đoàn mới được nghỉ, để rồi 2-3 tiếng sau lại tiếp tục.

Quốc Trọng bảo, đó là “chuyện thường ngày ở huyện”, như 40 năm nay vẫn thế. Ai đắm đuối với nghiệp làm phim cũng đều sẽ nếm trải.

Nhắc đến Quốc Trọng, người ta nhớ ngay đến Xuân tóc đỏ. Đó là vai diễn mang lại thành công và tên tuổi cho ông. Dù cát xê tham gia phim chỉ nhõn 600 nghìn (mua được hơn 2 chỉ vàng thời đó) nhưng Quốc Trọng bảo, Xuân tóc đỏ mang đến cho ông nhiều giá trị hơn thế, mà kể có không công thì ông vẫn làm. Chỉ với một vai diễn đó, ông đã ghi dấu ấn với cả làng điện ảnh, đi đâu khán giả cũng nhớ mặt gọi tên “anh Xuân”. Đến nỗi, ra ngõ mua thịt cũng được cô bán thịt chọn cho miếng ngon, hay ra hàng gạo thì được mua gạo chuẩn, không bị… trộn gạo mốc.

Nhưng cũng sẽ hơi oan nếu xem đó là tất cả nghiệp diễn của Quốc Trọng. Năm 1979, Quốc Trọng được mời tham gia vai chính phạm nhân Lê Văn Bờ trong phim “Tội và tình” (đạo diễn Châu Huế). Để nhập tâm nhân vật, ông đã đi thực tế 14 trại giam trên toàn miền Bắc để quan sát hành vi, cách ăn nói, ứng xử của các phạm nhân. Đó là một trong những vai diễn thành công của Quốc Trọng nhưng có lẽ vì thời đó phim ảnh chưa được phổ cập rộng rãi nên người ta ít biết đến. Xuân tóc đỏ là vai thứ 13 trong nghiệp diễn của ông. Lúc bấy giờ, các phương tiện nghe nhìn đã rộng rãi hơn.

Hay như hồi đóng phim “Lời nguyền của dòng sông” (Đạo diễn Khải Hưng), Quốc Trọng cũng rất tâm đắc vai diễn của mình, dù chỉ là một vai ngồi suốt ngày, ủ dột, lờ dờ, không nói năng gì nhưng với ông, đó là một vai khó, đòi hỏi diễn xuất nội tâm.

Trong lớp diễn viên cùng khóa, Quốc Trọng là người có vai quanh năm, từ to đến bé. Bởi ông không bao giờ nề hà vai chính hay phụ. Dù chỉ lướt qua màn hình, ông cũng nhận. Chỉ để thỏa khát khao làm nghề. “Người nghệ sĩ đừng nghĩ ngắn dài hay to nhỏ mà cái vai đó có giúp anh bộc lộ khả năng của anh trong một khoảnh khắc hay không”, đó là điều ông vẫn luôn nói với những đồng nghiệp lớp sau.

Ham hố với nghề diễn nhưng với những bộ phim do mình “cầm trịch”, bất đắc dĩ lắm ông mới nhận một vai nho nhỏ, thường là do diễn viên “bùng” vai. Bởi ông biết, công việc đạo diễn cần phải bao quát tổng thể để kiểm soát nhân vật, “khi đóng phim, tôi sẽ dễ bị cuốn theo cảm xúc nhân vật của mình và sẽ không để ý số phận của các nhân vật khác”.

Chính phim truyền hình đã làm nên tên tuổi một đạo diễn Quốc Trọng với nhiều bộ phim gây dấu ấn. Nhưng ông bảo, làm truyền hình cũng khổ lắm. “Đây là thể loại phim mà tiếng Pháp vẫn gọi là “cinema savon”, tức là “phim xà phòng”, phim mà các bà các cô có thể vừa ngồi giặt quần áo vừa xem, không xem được thì nghe. Nên cứ phải dài tập, cứ phải tập trước nói rồi, tập sau nhắc lại. Nhiều khi người ta không hiểu, lại vu cho là bôi phim lấy tiền. Thôi thì làm dâu trăm họ, những lúc đó, anh em trong nghề chỉ biết nhìn nhau cười trừ”-  đạo diễn của “Bí thư tỉnh ủy”, “Gia phả của đất”, “Mùa lá rụng”… bộc bạch.

Chưa kể, từ trước đến nay, dân trong giới vẫn quan niệm đạo diễn thì phải đi làm phim nhựa mới sang. “Giờ còn đỡ chứ ngày xưa, dân truyền hình với điện ảnh ngồi cùng nhau khó lắm, nói ba câu đưa đẩy cho đỡ mất lòng nhau chứ không hề có sự chia sẻ. Mình là dân điện ảnh nhảy sang truyền hình nên hiểu rất rõ trạng thái đó. Thế mà đôi lúc vẫn chạnh lòng”, ông kể.

Giờ thì thời thế đã khác, dân điện ảnh thất bát lại nhảy sang làm phim truyền hình. “Nhưng điều đáng buồn là họ mang theo tâm thế làm truyền hình thì chỉ cần tàm tạm là được”, vị đạo diễn trăn trở, “Nhiều người làm xong, phim không có khách thì đổ lỗi cho khán giả không hiểu, riêng tôi quan niệm khán giả thông minh hơn ta tưởng. Tôi cũng có những tác phẩm không thành công nhưng tôi biết đó là lỗi của mình, bởi tôi là đạo diễn. Tôi có quyền chọn kịch bản, chọn diễn viên, người cộng tác, cách dựng phim… nên phim làm dở là tại tôi”.

Đạo diễn Quốc Trọng: Không làm phim nữa thì cắt tóc, vá xe ảnh 1

Phút thư thái nghiên cứu kịch bản.

Không tiếc công đầu tư

Ít ai biết, chàng trai có biệt danh Trọng “con” ngày nào đã thi vào trường điện ảnh chỉ vì một lời thách thức. Học xong phổ thông, vốn lười học và máu kiếm tiền, Trọng xin đi học nghề thợ gầm ô tô ở xí nghiệp của mẹ. Cũng đã kiếm được những đồng lương đầu tiên từ nghề sửa ô tô. Thế rồi, một buổi chiều nọ, khi cùng đám bạn cao to đẹp trai ngồi “chém gió”, thấy mấy đứa bàn nhau nộp đơn thi làm diễn viên, Trọng cũng góp vui vài câu. Ai ngờ, lũ bạn cười phá “Mày quan tâm làm gì, mèo hen như mày thì người ta loại từ vòng gửi xe”. Thế là tức khí ầm ầm, quyết tâm đi thi. Cuối cùng trong phố có 6 người thi thì mình Trọng đỗ. Đến giờ gặp lại, lũ bạn ngày nào vẫn không hiểu vì sao ngày đó, cái thằng còm nhom 47 kg và xấu trai nhất hội lại được làm diễn viên.

Quốc Trọng diễn hài cũng được, nghiêm túc cũng “ngon”. Vừa làm phim chính luận, lại vừa có thể làm phim hài hước, phim giải trí, thậm chí còn làm cả chương trình cho trẻ con… Quốc Trọng như “con dao pha” tung hoành ngang dọc giữa làng điện ảnh. Tuy nhiên, để ý kỹ sẽ thấy, dù ở thể loại phim nào thì ông cũng luôn hướng tới thân phận của mỗi nhân vật và luôn cố gắng lột tả được văn hóa Việt, từ làng lên phố.

Nghề diễn giúp ông rất nhiều khi làm đạo diễn. Nhất là khi Quốc Trọng làm việc với các diễn viên. “Tôi hiểu họ, hiểu điều họ đang thiếu hoặc đang lúng túng khi họ tiếp cận các nhân vật mà họ đảm nhiệm”. Diễn viên nào đã từng có dịp cộng tác với ông đều có ấn tượng về sự… khó tính của Quốc Trọng. Vào phim, một Quốc Trọng vui vẻ, hài hước, cười nói rôm rả sẽ nhường chỗ cho một đạo diễn luôn lăn xả, mặt mũi đăm chiêu, sẵn sàng nổi đóa khi diễn viên quên thoại hay đến muộn. Có phim, ông đã không ngần ngại thay diễn viên đến 5 lần, dù đó là những nhân vật chính. Có diễn viên tham gia quay rồi, tối về nằm vắt tay lên trán thấy không ổn, ông vẫn thay. Ông không chấp nhận sự cẩu thả khi làm phim. Nếu tự mình tặc lưỡi cho qua là giết mình trước, sau đó đến tác phẩm. Đó là lý do, đồng nghiệp vẫn “gọi yêu” ông với biệt danh “mẹ chồng chúa”.

Quốc Trọng không tiếc công đầu tư để nhân vật đạt được đúng yêu cầu như trong kịch bản. Khi làm “Mùa lá rụng”, vì muốn nhà của một nhân vật trong phim lúc nào cũng có bình hoa sen, nhưng Hà Nội thời gian ấy đang lạnh không có loài hoa này, Quốc Trọng đã “ăn chơi” mua hoa từ TPHCM gửi ra. Hay như bộ phim “Ngõ lỗ thủng”, ông từng phải tỉ mẩn đi lùng mua rồi thuê lại từng cái áo, cái bát, cái đũa cho hợp bối cảnh lịch sử thời xưa. Riêng cảnh chợ giời, ông phải đi ba tỉnh chọn khu đất và mượn đồ tái hiện.

Đạo diễn Quốc Trọng vốn là người yêu thích văn học. Thời gian rảnh rỗi, ông thích lang thang tới các tiệm sách cũ, tìm những cuốn sách, tiểu thuyết nhuốm màu thời gian. Có lẽ, chính tâm hồn nhạy cảm của người tôn thờ văn chương đã cho ông cái nhìn thấu đáo, sự chiêm nghiệm về cuộc sống, số phận con người, để khi chuyển tải nó thành hình ảnh trong phim, bao giờ cũng tạo cho người xem sự đồng cảm, chia sẻ.

Cũng chính văn chương đã kéo ông đến gần hơn những tác phẩm văn học xuất sắc, thôi thúc ông chuyển thể thành phim. Nắm trong tay hàng chục bộ phim chuyển thể từ văn học, ông chia sẻ, cái khó của chuyển thể phim là giữ được linh hồn của tác phẩm nhưng vẫn có chất riêng của người làm phim. Và quan trọng nhất là sự đồng cảm giữa nhà văn và đạo diễn.

Ông kể, sau khi bộ phim “Mùa lá rụng” phát sóng, vô tình gặp nhà văn Ma Văn Kháng trong quán nhậu nhưng Quốc Trọng không dám lại ngồi cùng… vì run. “Hôm sau, nghe nhà văn Thùy Linh kể lại ông Kháng nhờ chuyển lời cảm ơn đạo diễn vì sau khi xem phim thì tác phẩm của tôi đã có đời sống khác, mình mới thấy nhẹ nhõm trong lòng”, vị đạo diễn phấn khích nhớ lại. 

Rồi khi làm phim “Gia phả của đất”, Quốc Trọng từng phải lôi nhà văn Hoàng Minh Tường ra quán nhậu để tranh luận, thay đổi kịch bản theo một góc khác. Nhà văn gật gù đồng tình. Và phim đã thành công. Hay như phim “Bí thư Tỉnh ủy”, đạo diễn cũng đã trao đổi với nhà văn Vân Thảo để thay chi tiết người vợ ngồi trước nấm mộ bằng chi tiết dân làng tổ chức làm ma cho ông Kim Ngọc. Thay vì cầm hương đến thắp thì trên tay mỗi người mang theo một cành lúa. Chính việc thay các chi tiết như vậy đã mang lại nét mới mẻ và hấp dẫn cho bộ phim truyền hình.

Ở trên phim, Quốc Trọng có thể là Xuân Tóc Đỏ, lại có thể là một ông tiến sĩ sợ vợ, hay một ông tổ trưởng láu cá. Còn ở ngoài đời, ông tự nhận mình là một gã làm công ăn lương đơn thuần. Những hôm không phải lăn lộn cùng đoàn phim thì ông đi nhậu với các chiến hữu, đọc sách hoặc chăm vườn cây, chim cảnh. Lúc màn đêm buông xuống, chỉ còn mình đối diện với mình, ông viết. Ông viết đều đặn mỗi ngày, như nhật ký. Nhưng tuyệt nhiên không cho ai xem, kể cả bạn bè thân thiết. Có thể từ những trang viết đó, một số ít sẽ được mang vào phim.

Đã có những thời điểm, ngày đi đóng phim, đêm đến ông đi làm thêm đủ nghề, từ thợ tiện đến thợ hàn, bốc vác... nhưng những điều đó, hóa ra lại là một môi trường thực tế rất hữu ích, một cách học việc có tiền, để khi vào bất cứ vị trí nào, dù là diễn viên hay đạo diễn, Quốc Trọng đều nói được và làm được.

Năm sau đến tuổi nghỉ hưu, nhưng với ông cũng chẳng có gì là “sốc”, bởi cuộc sống vẫn thế, vẫn sẽ tiếp tục những chuyến đi làm nghề. Không làm nghề được nữa thì về cắt tóc, sửa xe. Ít người biết, ở đoàn phim, vị đạo diễn khó tính còn là một “thợ cắt tóc” có nghề, chuyên sửa tóc, chỉnh đầu cho các diễn viên nam. Vá xe đạp, xe máy, thậm chí sửa ô tô, ông cũng từng kinh qua rồi. Cứ kiếm tiền chân chính là Quốc Trọng chẳng nề hà.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.