Đắt show nghề vỗ tay thuê

Các chương trình luôn cần lượng khán giả để lấp đầy sân khấu quay hình cho đẹp.
Các chương trình luôn cần lượng khán giả để lấp đầy sân khấu quay hình cho đẹp.
TP - Trong buổi ra mắt MV của một chân dài vừa lấn sân ca hát, nhiều người choáng ngợp bởi một dàn fan chen chúc giăng băng rôn, không ngừng vỗ tay, gào thét tên người đẹp: “M.K - We love you”. Ngọc Toàn, chuyên gia tổ chức sự kiện cho nghệ sĩ, nói: “Fan thuê cả đấy”.

Nghề “lấp chỗ trống”, vỗ tay thuê

Với sự phát triển rầm rộ của các game show và chương trình truyền hình thực tế như: Giọng hát Việt, Tình Bolero, Cặp đôi hoàn hảo, Thách thức danh hài, The Remix, Bước nhảy hoàn vũ, những chương trình ca nhạc riêng biệt, các buổi ra mắt MV…, việc cần một lượng khán giả vỗ tay mồi và lấp đầy chỗ trống ở sân khấu trường quay ngày càng bức thiết. Thấy được nhu cầu này, nhiều công ty đứng ra chuyên cung ứng dịch vụ vỗ tay thuê, cho người đi ngồi “lấp chỗ trống”. 

Bích Phương - sinh viên trường ĐH Hồng Bàng (TPHCM) cho biết, đã có thâm niên 1 năm làm “nghề” vỗ tay ở các game show. Phương tiết lộ: “Rất dễ dàng để nhận được các lời mời cho công việc này. Những người tổ chức tuyển dụng liên tục trên facebook và các mạng xã hội”. Theo Phương, việc trúng tuyển cũng dễ dàng, chỉ cần mặt mày sáng sủa, nhanh nhẹn và nhiệt tình khi tham gia là được. “Dù thù lao không nhiều nhưng được gặp thần tượng nên rất thích”- Phương khoe.

Hoàng Nam, chuyên viên tổ chức sự kiện, bật mí: “Không khó để nhận ra những khán giả vỗ tay thuê trong các chương trình ca nhạc, chương trình tìm kiếm danh hài hay thi tài nhảy nhót gần đây. Đa số họ là sinh viên các trường ĐH, ăn mặc chỉn chu, gọn gàng và thường xuyên vỗ tay liên tục, khi ống kính lia tới thường cười rất tươi”. Theo anh Nam, có những chương trình thi ca nhạc, hài kịch… dù thí sinh với chất giọng rè rè, diễn hài không thể cười nổi vẫn được họ vỗ tay nhiệt tình.

Ngọc Oanh, gương mặt từng tham gia ở các chương trình “Ơn giời cậu đây rồi”, “ Hãy nghe tôi hát”, “ Giọng hát Việt” … cho biết cô tham gia làm khán giả được hơn 1 năm. Ban đầu bạn bè rủ rê đi vỗ tay cho vui, nhưng khi kiếm được trung bình 100 nghìn đồng/chương trình/ngày nên gần đây Oanh chạy show liên tục không kém gì nghệ sĩ.

Càng phấn khích càng đắt show

Ngọc Oanh cho biết, trước mỗi chương trình đều được tập qua cách vỗ tay thế nào cho chuẩn. “Bọn em thường phải đến trước khi chương trình bắt đầu quay từ 1 đến 2h để tập vỗ tay. Nếu những chương trình thi nhảy hay hát những bài sôi động thì ngoài vỗ tay phải hò hét, kêu gọi tên của thí sinh thật to. Những chương trình ca nhạc trữ tình, sâu lắng thì phải vỗ tay rào rào thể hiện sự ủng hộ nhưng không hò hét. Còn với những chương trình chọn giá đúng khi người chơi chọn sai phải “ồ, à” đầy nuối tiếc…”.

“Có những người đẹp chỉ tham gia cuộc thi ao làng, nhưng đã thuê hẳn cả đội quân fan chờ đón ở sân bay gào thét mỗi khi họ xuất hiện khiến cho nhiều người ngán ngẩm và càng mất lòng tin vào showbiz Việt”. 

Một nghệ sĩ ở TPHCM

Đức Minh là trưởng nhóm quy tụ 60 fan chuyên chạy show vỗ tay thuê. Minh tham gia nghề này khi được bạn rủ đi xem Hồ Ngọc Hà làm giám khảo. “Tham gia được gặp nhiều anh chị nghệ sĩ, lại được tiền nên rất vui”- Minh nói. Rồi chàng trai Nghệ An này trở thành bầu show, hễ có ai mời là kéo ngay các bạn cùng trường tham gia.

Bích Phương bảo từ ngày làm khán giả thuê cô cũng dạn dĩ và “chai mặt” hơn rất nhiều. Bởi, không chỉ vỗ tay, nhiều khi cũng phải thi tài diễn xuất trước ống kính với “hỷ, nộ, ái, ố” trong vai trò được giao. Việc ngồi liên tục hàng tiếng đồng hồ, nhất là khi ngồi hàng ghế đầu không được nhúc nhích, về đến nhà là thân xác rã rời. “Có khi chương trình phải quay đến nửa đêm nên rất mệt. Nhưng vẫn thích vì khi tham gia họp fan hay ra mắt một sự kiện của nghệ sĩ, cát- sê luôn cao và còn được chủ nhân mời tiệc miễn phí”- Phương cười.

Đại diện công ty chuyên cung cấp fan chuyên nghiệp cho biết, hiện đơn vị này đã thu hút mạng lưới fan khắp cả nước với hơn 25.000 thành viên, chủ yếu là sinh viên. Các sinh viên được chọn thuê phải qua một đợt sàng lọc, trước hết là gương mặt và ngoại hình phải dễ nhìn để lên hình sáng sủa. Ngoài ra còn phải sôi nổi, phấn khích, vui vẻ, càng hoạt bát bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Thu nhập của khán giả cổ vũ được tính theo giờ và trả luôn sau khi kết thúc show diễn. Trung bình từ 30 đến 60 nghìn đồng/giờ. Nếu kéo dài từ sáng đến chiều thì ít nhất cũng phải 150 nghìn/người. Ngoài ra một số chương trình còn được xe buýt đưa đón miễn phí”, đại diện Cty nói.

Mẫn Nhi, sinh viên năm 2, trường ĐH KHXH & NV TPHCM bộc bạch: “Làm khán giả chuyên nghiệp đa phần quay trong trường quay, được gặp thần tượng, không phơi nắng phơi sương hay lao động chân tay… nhưng chưa hẳn là sướng. Nhiều hôm vỗ tay không đều, đứng đội hình không chuẩn, MC chương trình mắc lỗi, cả nhóm phải đứng lên ngồi xuống mấy chục lần”.

Dùng fan làm công cụ thao túng

Ngọc Toàn, chuyên gia tổ chức sự kiện cho giới showbiz cho hay, hiện nhiều nhà tổ chức chương trình dùng fan chuyên nghiệp như một công cụ để bầu chọn cho “gà nhà”. Có những thí sinh có triển vọng nhưng sẽ bị xuống tinh thần khi biểu diễn chỉ như một vì “sao lẻ loi”. Trong khi đó có người hát bình thường nhưng có lượng “fan” hùng hậu, vỗ tay reo hò, tặng quà tặng hoa, ôm hôn phấn khích dễ khiến khán giả tưởng lầm. Theo Toàn, chính sự lạm dụng những khán giả chuyên nghiệp này đang tạo ra những chương trình nghệ thuật, giải trí giả tạo.

Theo một nghệ sĩ tên tuổi tại TPHCM, câu chuyện sử dụng “fan ảo” “đang lan rộng trong cả showbiz Việt”. “Không chỉ mỗi ca sĩ M.K, nhiều người đẹp hiện nay thuê cả dàn fan theo mỗi bước chân để hô hào, tạo hào quang ảo”- nghệ sĩ này nói.

MỚI - NÓNG