Để liên hoan du lịch không phải chợ phiên

Gian hàng của Hoa Ban Cộng - làng nghề thổ cẩm Mai Châu, Hòa Bình. Ảnh: H.H.
Gian hàng của Hoa Ban Cộng - làng nghề thổ cẩm Mai Châu, Hòa Bình. Ảnh: H.H.
TP - Liên hoan Du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội - Việt Nam 2016 vừa diễn ra tại Hoàng Thành Thăng Long (29/9-2/10) được xem là kì tổ chức thành công nhất kể từ 2013. Tuy nhiên, tính chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội phát triển du lịch của làng nghề truyền thống từ các kì liên hoan vẫn là vấn đề chưa có lời giải.

Giảm gian hàng, tăng chất lượng trưng bày

Số lượng gian hàng tại Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội – Việt Nam 2016 giảm nhiều so với hai kì trước, chỉ còn 260. Nếu so với 450 gian hàng của năm 2014, tỉ lệ giảm gần 45%. Điều này đồng nghĩa Ban tổ chức (BTC) đã nỗ lực trong việc lựa chọn đơn vị tham gia, hạn chế tính thương mại thuần túy của các gian hàng, nhất là khu vực ẩm thực. Cũng nhờ thế mà không gian Liên hoan Du lịch Làng nghề Truyền thống năm nay thoáng đãng, văn minh hơn, hợp với địa điểm tổ chức- Hoàng Thành Thăng Long.

Một khác biệt nữa là cách trưng bày đơn điệu, thiếu điểm nhấn và phó mặc cho các đơn vị tham gia về nội dung đã được thay thế bằng cách trưng bày trọng điểm. BTC xác định 7 làng nghề tiêu biểu để tập trung quảng bá, đặc biệt ưu tiên cho hai làng nghề đang khai thác tốt về du lịch là làng lụa Vạn Phúc và làng gốm Bát Tràng. Khu vực tái hiện không gian làng lụa Vạn Phúc và gốm Bát Tràng được đặt ở trung tâm quảng trường Đoan Môn, phô diễn những nét tinh tế và cuốn hút nhất của hai làng nghề hàng trăm năm tuổi này. Trong khi đó, khu vực thao diễn của các nghệ nhân cũng được ưu ái về vị trí, từ chi tiết nhỏ như hệ thống chiếu sáng vào buổi tối và lều bạt tránh nắng vào ban ngày, đảm bảo luôn là nơi thu hút lượng khách tham quan đông đúc nhất.

Về sự tôn vinh có chiều hướng “thiên vị” này, ông Lê Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng cách làm này nhận được sự ủng hộ của số đông. Bởi giữa hàng trăm làng nghề truyền thống của Hà Nội, không thể phát triển dàn trải và ồ ạt mà cần tính đến các lợi thế về dịch vụ như môi trường văn hóa, hạ tầng giao thông, vị trí địa lý, tính thị hiếu theo các thị trường khách quốc tế… “Cần ưu tiên đầu tư với những làng nghề tiềm năng để thúc đẩy sự đột phá. Khi một điểm du lịch làng nghề được đầu tư xứng đáng để khai thác các lợi thế, xây dựng các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, thu hút khách mạnh và bền vững thì những làng nghề khác tự khắc sẽ có động lực và đường hướng để phát triển” – ông Lê Duy Dần chia sẻ.

Làng nghề vẫn chưa biết làm du lịch

Bên cạnh những đổi mới khác biệt ở khu vực trưng bày “lõi”, khu vực gian hàng của các làng nghề truyền thống khác, nhất là làng nghề các tỉnh thành vẫn mang nặng tính “chợ phiên”, cốt bày hàng bán cho khách tham quan, thiếu tính năng quảng bá giới thiệu sản phẩm để thúc đẩy mối liên hệ với khách hàng tiềm năng trong đầu tư thương mại và dịch vụ du lịch. Duy có hai điểm sáng là gian hàng của Trung tâm Thông tin- Xúc tiến du lịch tỉnh Hải Dương và gian hàng nhóm sản xuất Hoa Ban Cộng thuộc làng nghề thổ cẩm Mai Châu – Hòa Bình.

Gian hàng của Trung tâm Thông tin – Xúc tiến du lịch tỉnh Hải Dương tuy không khéo léo trong trưng bày nhưng cung cấp đủ thông tin tổng quan cần thiết cho khách du lịch, từ các địa điểm làng nghề, các cơ sở sản xuất uy tín, bản đồ du lịch tỉnh, các địa chỉ lưu trú và ẩm thực có uy tín, không gian văn hóa quanh khu vực làng nghề…, cả số điện thoại liên hệ cầm tay của ông giám đốc trung tâm. Trong khi đó, gian hàng của Hoa Ban Cộng chia làm ba khu vực nhỏ rõ rệt: khu vực bày sản phẩm thổ cẩm bán cho khách du lịch, khu vực dành cho khách có nhu cầu tìm hiểu, đặt hàng hay khai thác dịch vụ du lịch, khu vực thao diễn dệt thổ cẩm thủ công truyền thống. Hầu hết khách tham quan nước ngoài đều dừng lại rất lâu tại đây, ngắm nghía bàn tay và đôi chân khéo léo của người thợ làng nghề bên khung dệt.

Bà Vi Thị Thuận, đại diện nhóm sản xuất Hoa Ban Cộng cho hay, nội dung trưng bày do đơn vị chủ động lên kế hoạch chứ không có sự tư vấn nào từ BTC. Hoa Ban Cộng vốn đã làm du lịch tại Mai Châu, giới thiệu sản phẩm tại sân bay nhiều năm qua nên không xa lạ với cách tiếp cận du khách sao cho hiệu quả. Trong khi ấy, những đơn vị khác vừa không có kinh nghiệm lại không được định hướng, tư vấn cách làm thì khá lúng túng và bị động. Bà Thuận cho biết: “BTC rất ưu ái, hỗ trợ 100% phí gian hàng và phí đi lại song cái mà các đơn vị tham gia cần hơn nữa là hỗ trợ về truyền thông và quảng bá, cách thức trưng bày, tiếp cận khách hàng”.

Về mặt này, ông Lê Duy Dần cho rằng, khâu quảng bá thông tin đúng là có hạn chế do kinh phí eo hẹp. “BTC rất nỗ lực rồi. Phần còn lại thì các làng nghề cần chủ động và năng động hơn vì lợi ích của chính họ”.

Lữ hành chủ động tương tác với làng nghề

Theo quan sát của ông Lê Duy Dần trong 4 ngày liên hoan, tính chủ động tương tác của phía lữ hành trong việc tìm kiếm những yếu tố mới để xây dựng các tour du lịch làng nghề truyền thông đã tiến triển rõ rệt. Nhiều yếu kém của làng nghề được các đơn vị kinh doanh lữ hành chỉ ra đích đáng ngay tại các gian hàng như: sản phẩm đơn điệu, mẫu mã ít, không cập nhật xu hướng thủ công mỹ nghệ đương đại, giá đắt, thao diễn chế tác chưa hấp dẫn… Phía lữ hành cũng đưa yêu cầu khá cụ thể đối với làng nghề muốn phát triển du lịch, từ việc gia tăng sản xuất những mặt hàng lưu niệm giá cả phải chăng, khai thác ẩm thực truyền thống của địa phương đến đòi hỏi về địa điểm dừng đỗ xe, nhà vệ sinh du lịch đạt chuẩn.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.