Dễ như mua… tranh

Khách đến với Hội chợ Nghệ thuật Hà Nội phần đông vẫn là người nước ngoài.
Khách đến với Hội chợ Nghệ thuật Hà Nội phần đông vẫn là người nước ngoài.
TP - Hội chợ nghệ thuật Hà Nội lần I vừa kết thúc để lại ấn tượng tốt đẹp dù hiệu quả kinh tế bước đầu có thể chưa cao. Thay vì nằm trong các gallery sang trọng chờ nhà giàu đến mua, nay tranh sẵn sàng ra chợ cho dân chúng tha hồ xem chọn. Ngoài việc làm ấm thị trường mỹ thuật, hội chợ này cũng biến nơi tổ chức - Trung tâm Thương mại Hàng Da - thành một địa chỉ văn hóa mới của Thủ đô.

Hội chợ nghệ thuật có khác, thanh cảnh chứ không hề chen chúc như thường thấy hội chợ thường. Nhưng đã có thể coi là đông vui nếu so với không khí ở các phòng tranh ở Hà Nội. Nghệ sĩ nào nhiều tranh sẽ có riêng một gian, không thì vài ba người chung nhau một. Họ không mất tiền thuê chỗ bày tranh. Để trang trải chi phí ngót một tháng sáng đèn, BTC gồm phòng tranh Cuci và Trung tâm Thương mại Hàng Da lấy lại 20% giá tranh bán được.

Chị Vũ Quỳnh Hoa- đại diện Cuci cho hay đến ngày cuối cùng (28/12) của hội chợ, tổng tiền bán tranh được khoảng 300 triệu- vừa đủ cho BTC trang trải chi phí. Tạm tính giá trung bình khoảng 5 triệu đồng/bức tại hội chợ, như vậy đã có thêm hàng chục gia đình Hà Nội có tranh “xịn” (chứ không phải tranh chép, tranh “xú”) treo trong nhà.

Chắc chắn những hội chợ như thế này sẽ thu hẹp khoảng cách giữa công chúng với nghệ thuật. Nếu hội chợ diễn ra định kỳ, năm một lần theo dự kiến của BTC, chắc chắn sẽ là sự kiện được người yêu nghệ thuật và du khách đến Hà Nội mong đợi. Được biết khoảng thời gian giữa hai hội chợ, chợ Hàng Da vẫn nhận treo tranh của họa sĩ nếu họ có ý định ký gửi.

Dễ như mua… tranh ảnh 1

Hội chợ Nghệ thuật Hà Nội là dịp hiếm có để người thu nhập vừa phải có thể sở hữu những bức tranh như của Đào Minh Tuấn. Ảnh: N.M.Hà.

Không khó để mang một bức từ hội chợ về nhà vì nội dung tranh rất đa dạng. Từ dạng dễ treo (hoa trái, phụ nữ đẹp…) cho tới những bức đầy thách thức- chuyển tải những thông điệp nghệ thuật, xã hội. Một số gian tranh như của Phạm Tuấn Tú hay Trần Hoàng Hải Yến giống như một triển lãm mini ghi dấu ấn cá nhân của nghệ sĩ. Khá nhiều bạn trẻ đến với loạt tranh Quái của Hải Yến để chụp ảnh tự sướng. Có vẻ như nữ họa sĩ đã ít nhiều thành công trong khắc họa diện mạo giới trẻ thời nay.

Khoảng giá của hàng hóa trong hội chợ chênh nhau rất xa. Từ hơn trăm nghìn cho sản phẩm mang tính mỹ nghệ cho tới 3.000USD/bức sơn mài, cũng có không ít tác phẩm để “khoe” là chính, không đề giá bán. Một trong những bức đắt nhất vẽ làng cổ Đường Lâm đầy công phu của họa sĩ Chu Việt Cường vẫn còn đến ngày cuối.

Trong khi hầu hết tranh của các họa sĩ khác giảm giá từ 10-50%, Cường vẫn giữ giá, kể cả khách Tây mặc cả 10% cũng không bán. Đào Minh Tuấn quyết định giảm 20% những bức tranh anh từng tâm huyết. Tuấn nói: “Có thời điểm mình rất thích nó nhưng mình phải đi lên. Con lớn ăn học đầy đủ phải đi lấy chồng. Với mình muốn thị trường tốt hơn, những người yêu tranh ít tiền sẽ mang được tác phẩm về trân trọng treo lên”. Có lẽ không đâu như ở hội chợ tranh, họa sĩ lại tỏ ra vui mừng vì khách khen tranh mình rẻ.

Theo anh Hoàng Duy Khánh, nhân viên chợ Hàng Da thì vào thời điểm diễn ra hội chợ tranh, lượng khách vào khu thương mại này tăng phải gấp 3 lần. “Nếu bán vé vào cửa chắc cũng được nhiều tiền đấy”, Khánh gật gù. Anh cho hay mặt hàng bán chạy nhất hội chợ là mặt nạ, con giống bằng giấy bồi và búp bê vải. Còn gian trưng bày nhiều người vào xem nhất là của Phạm Tuấn Tú, dù trong đó anh bày toàn những chân dung trắng đen của những nhân vật đang sống nhưng lại được trình bày dưới dạng bia mộ kèm những dòng chữ hài hước. 

MỚI - NÓNG