Đến Everest và chết

Everest thử thách ý chí con người (một cảnh trong phim).
Everest thử thách ý chí con người (một cảnh trong phim).
TP - Dựa trên câu chuyện có thật về thảm họa cướp đi mạng sống 8 người leo núi, Everest khép lại mùa hè phim bom tấn và mở màn ấn tượng tại LHP Venice, khởi chiếu toàn thế giới 18/9.

Đề tài thảm họa liên quan leo núi không hiếm, như 127 giờ, hay trực tiếp liên quan bão tuyết và chinh phục ngọn núi nguy hiểm như Giới hạn ngang. Everest vẫn có sức hút riêng, vì nó kể lại chân thực thảm kịch tại đỉnh Everest năm 1996, khi cơn bão tuyết khủng khiếp chôn vùi 8 nhà leo núi.

Phim xoay quanh mùa chinh phục nóc nhà thế giới năm ấy khi việc leo Everest ngày càng mang tính chất thương mại, có tới 39 người, có lúc gây ùn tắc ở đường chạm tới đỉnh. Trong số này, đáng chú ý có Rob Hall người New Zealand, hướng dẫn leo núi uy tín, cẩn trọng và người hướng dẫn Scott Fischer với tính cách trái ngược.

Phim dài hai tiếng với định dạng 3D Imax. Nửa đầu thời gian, phim có tiết tấu chậm, có lẽ để làm tròn trách nhiệm giới thiệu sơ lược hàng chục nhân vật. Đây cũng là lúc người xem hình dung hành trình hơn 40 ngày leo núi, với những kiến thức thực sự để chinh phục nóc nhà thế giới cũng như kỹ năng đối mặt cái chết. Hiệu ứng 3D không giống các phim hành động khiến người xem giật mình vì những thứ đập vào mắt. Hiệu ứng hình ảnh này giúp người xem cảm nhận tốt hơn không gian hoành tráng, có chút kinh sợ của ngọn núi nguy hiểm nhất thế giới.

Đạo diễn Baltasar Kormakur quyết định tăng tính chân thực bằng cách quay ngoài thực địa ở Nepal, tại chân Everest. Thực tế, nhiều cảnh quay được quay ở độ cao 4.970m. “Sự thay đổi độ cao lớn này khiến các diễn viên phải thừa nhận ngọn núi là một nơi nguy hiểm đáng kể: Nước đóng băng và chỗ ngủ không có sưởi”, đạo diễn kể. Nhiều cảnh quay Nepal, một số khác được thực hiện tại nhiều dãy núi khác nhau, trong đó có Alps ở Ý.

Nhiều người xem có cảm giác bị rối, vì quá nhiều nhân vật, đôi khi không thể nhận diện trong tuyết trắng xóa. Phim dựa trên tác phẩm Into thin air của nhà văn, nhà báo Jon Krakauer, do tạp chí Outside xuất bản năm 1997. Ông cũng là người có mặt trong đoàn của Rob Hall và ghi lại câu chuyện được coi là đáng buồn nhất lịch sử Everest. Các nhà làm phim cũng tham khảo hồi ký của Beck Weathers - người sống sót kỳ diệu trong thảm họa và phải chịu mất hai bàn tay, mũi hoại tử.

Đạo diễn không cố gắng đưa ra câu trả lời cụ thể cho câu hỏi, tại sao lại là Everest? Câu hỏi của nhà báo Kon Krakauer được cả nhóm đồng thanh “bởi vì nó ở đó”. Đây là câu nói nổi tiếng của nhà leo núi người Anh George Mallory phát biểu trên tạp chí Outside, chết trong hành trình chinh phục Everest năm 1924.

Mỗi người có lý do riêng để đến Everest. Đó là Doug Hansen - một người đưa thư muốn truyền cảm hứng cho bọn trẻ quê nhà. Đó là nữ doanh nhân Namba (Nhật Bản) đã chinh phục 6/7 ngọn núi nguy hiểm, và cuối cùng là Everest. Bác sỹ, nhà leo núi Beck lại nói đến sự trầm cảm của mình. Tất cả những người đến đây đều hiểu, ở độ cao 8.850m, chính ngọn núi mới quyết định số mệnh của con người. Vào những thời khắc sinh tử ấy, đôi khi là may rủi, đôi khi lại là sự kết nối chặt chẽ của con người giúp nhau sống sót.

Có thể đạo diễn chưa thể khắc họa sâu sắc 8 nhân vật thiệt mạng trong thảm họa, nhưng dàn diễn viên nhiều ngôi sao khiến khán giả nhớ về những con người này. Nam diễn viên Jason Clarke được giao vai Rob Hall, chuyển tải thành công chân dung một người nhẫn nại, giàu kỹ năng và rất có trách nhiệm. Bên cạnh anh là Josh Brolin, Sam Worthington, Jake Gyllenhaal, Emily Watson. Hai diễn viên nổi tiếng Keira Knightley (trong vai Jan vợ của Rob), Robin Wright (trong vai Peach, vợ của Beck Weathers) xuất hiện không nhiều, nhưng gây ấn tượng mạnh. 

Everest có kinh phí 65 triệu USD, nhận được phản hồi tích cực của nhiều nhà phê bình. Đây không phải phim đầu tiên chuyển thể từ cuốn sách của Jon Krakauer. Năm 1997, đạo diễn Robert Markowitz làm phim truyền hình Chết trên nóc nhà thế giới. 

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).