Đến hẹn lại về 'Sưởi ấm'

Pianist Bảo Quyên và em trai violinist Quang Tiến trong Hòa nhạc Le Chauffage 1
Pianist Bảo Quyên và em trai violinist Quang Tiến trong Hòa nhạc Le Chauffage 1
“Để có được giờ phút long lanh, tiếng đàn đắm đuối pianist phải luyện tập cực khổ, đối diện với thăng trầm về tâm lý”, Trần Lê Bảo Quyên chia sẻ về nghề trước ngày về nước tham gia Hòa nhạc Le Chauffage - Sưởi ấm 2.

Giữa tháng 12, không khí Noel tràn ngập châu Âu, ở thành phố Frankfurt (Đức), hai chị em pianist Bảo Quyên và violinist Quang Tiến ngày ngày vẫn đội mưa tuyết đến trường học và tập đàn. Đi trong cái rét căm căm, chị gái nắm chặt tay em trai “May mà chị có em!”. Dịp nghỉ Tết dương lịch tới họ sẽ được về nhà, nghĩ đến thôi đã thấy ấm lên rồi.

Nghề lao ải

Bảo Quyên có dáng mảnh mai như vũ công ballet, vẻ mặt đẹp kiêu kỳ khi ngồi đàn trên sân khấu. Ngoài đời, Quyên đeo kính cận, không bao giờ trang điểm, ăn mặc giản dị. Nếu như thỉnh thoảng ngẫu hứng post một vài tấm hình đẹp sững sờ lên trang cá nhân thì chỉ là cái cớ để Quyên nói về cơn nhớ nhà, nhớ ba mẹ và “kể toang” nỗi niềm của một du học sinh pianist.

Hồi Quyên 6 tuổi, được mẹ cho đi học piano. Cả gia đình nội ngoại đều phản đối vì xa xỉ, riêng ông nội Quyên là tướng quân đội Trần Văn Quang dúi cho con dâu ít tiền góp mua đàn. Chị Xuân Hà, mẹ của Quyên (là cháu ngoại nhà văn Nguyễn Tuân) kể, cụ Tuân ngày xưa dặn con cháu đừng theo nghiệp viết mà khổ cực. Vì câu nói của cụ Tuân “nếu được chọn, kiếp sau bố sẽ làm người chơi đàn”, mà chị Hà mong muốn các con thành nghệ sĩ chơi nhạc. Bảo Quyên học hết 11 năm sơ và trung cấp Nhạc viện Hà Nội, tới lúc phải cân nhắc cho con theo tiếp đại học thành nghệ sĩ piano chuyên nghiệp hay không, chị Xuân Hà mời một giáo viên âm nhạc từ Đức sang Việt Nam thẩm định hộ. Bà giáo nghe Quyên chơi nhạc xong bảo “Chị nên cho cháu sang Đức học luôn đi!”. 

Sang Đức, Quyên thi đỗ Học viện âm nhạc Darmstadt. Bà giáo chọn một mình Quyên trong số 80 người dự thi, giao hẹn “Em rất có khả năng. Cô sẽ dạy em nhưng em phải hứa không an bài ở thành phố nhỏ này mà sẽ đi tiếp vào học bằng được ở những trường nhạc lớn hơn”. Năm đầu du học, Quyên gặp một loạt những chuyện không may. Khó khăn với tiếng Đức, một bên cổ tay bị đau liền trong 6 tháng, đơn độc là sinh viên Việt duy nhất trong trường. Đáng sợ nhất là mặc cảm “thiếu hụt cơ bản”. Hầu hết các học sinh châu Á trong trường là con nhà giàu được học ở Áo và Đức từ nhỏ, họ được trang bị đầy đủ kiến thức, tôi luyện bài bản kỹ năng chơi nhạc. “Tủi thân khi các nhóm bạn ríu rít trò chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ, tự ti yếu kém... là cảm giác thường xuyên ám ảnh”. Tất cả các trường âm nhạc của Đức có chất lượng cao đồng đều và đào tạo miễn phí, nên việc tuyển chọn khắt khe, giáo viên đòi hỏi rất cao khả năng của học sinh. Quyên chỉ còn cách “đến trường từ sáng đến tối, cắm mặt vào tập luyện để bù lại”. Sang Đức học miễn phí nhưng vẫn tiêu tốn của ba mẹ khoản tiền ăn ở chi tiêu nên Quyên luôn cố tiết kiệm. “Ba mẹ tôi luôn phải dồn hết lực để các con được học trường tốt”. Quyên thuê phòng giá rẻ trong khu nhà của dân lao động, hầu như không sắm quần áo mới mà chỉ mua ở cửa hàng secondhand. Tôi đã bật lên về kỹ thuật cũng như thoát khỏi tâm lý bi quan nhờ gặp được một bà giáo giỏi và tốt bụng, Bảo Quyên chia sẻ.

Sau hơn 4 năm, Quyên lấy bằng tốt nghiệp đại học và tiếp tục lao vào luyện thi Thạc sĩ chuyên ngành biểu diễn piano. Dự thi tại 6 trường Âm nhạc của Đức, hồi hộp chờ kết quả hàng tháng trời, cuối cùng cô nhận được thư gọi nhập học của Đại học Âm nhạc và Nghệ thuật Frankfurt. 300 người thi, trường lấy có 8 người, có người đánh đàn điêu luyện không tì vết vẫn bị loại. Hỏi Quyên có bí quyết gì để được chọn, “Mình phải học hỏi không ngừng nghỉ, tiến bộ rồi thì cứ cúi đầu mà học tiếp. Đừng chỉ chú tâm vào kỹ thuật mà phải hiểu được tinh thần của tác giả”.

Nhân đà Bảo Quyên đỗ trường Frankfurt, ba mẹ gửi em trai Trần Lê Quang Tiến sang thi trung cấp. Với nhiều giải thưởng âm nhạc quốc tế trước đó, cậu bé “thần đồng violin Việt Nam” nhẹ nhàng trúng tuyển. Sang Đức ở tuổi 16, Quang Tiến phải được chị giám hộ. Bảo Quyên tự nhận mình vào vai “mẹ trẻ” chăm lo cho cậu em vừa học nhạc vừa học nốt phổ thông.

Nhiều người nghĩ học nhạc cổ điển ở châu Âu là du dương trong xứ sở thần tiên, tỏa sáng trong những khán phòng sang trọng nhưng thực ra “chúng tôi chẳng mấy khi được đi chơi, từ sáng đến tối cắm mặt tập đàn, cúi mặt học nhưng khi chơi đàn tôi quên hết mọi thứ. Nếu không theo nghề này tôi không làm được việc gì khác”.

Về để “sưởi ấm”

Quyên ương bướng, có chút hiếu thắng nên thích tập tác phẩm khó. Cô chọn bản Sonata 32 phút của Liszt, mặc cho thầy - giáo sư Florian Hoelscher can ngăn. “Đây là bản nhạc để người ta tập cả đời”, nhưng Quyên cứ dốc sức tập trong hơn một tháng kịp về Việt Nam biểu diễn tại Hòa nhạc Le Chauffage - Sưởi ấm. Năm nay hai chị em Quyên - Tiến chuẩn bị một chương trình độc tấu và song tấu các tác phẩm của Mozart, Paganini, Chopin, Liszt...

Trong Le Chauffage – Sưởi ấm lần thứ hai này, hai chị em Bảo Quyên - Quang Tiến sẽ đồng hành với Trường Quốc tế Anh-Việt BVIS Hà Nội và nhóm thiện nguyện Chia sẻ tình thương Việt Nam, nơi mà bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu đã tham gia hoạt động trong nhiều năm. Bảo Quyên tâm sự: “Chúng tôi rất xúc động khi được biểu diễn, và làm được một việc lớn hơn là chuyên môn. Biết câu chuyện của những người bệnh hiểm nghèo và khó khăn, chúng tôi thấy trân trọng cuộc sống hơn, và những câu chuyện đó tạo thêm động lực, tình cảm, cảm xúc nhiều hơn trên sân khấu”.

Hiệu trưởng trường Quốc tế Anh Việt - BVIS Hà Nội, ông Mark Sayer chia sẻ: Sau thành công từ buổi hòa nhạc từ thiện của Le Chauffage năm ngoái, cựu sinh viên BVIS Hà Nội Quang Tiến, và chị gái Bảo Quyên chia sẻ rằng họ sẽ cam kết tổ chức một buổi hòa nhạc cổ điển mỗi năm, nếu có thể. Tôi nhận thấy rằng chúng tôi chia sẻ những ý tưởng và mục đích cao cả để tổ chức đêm nhạc này. Trong buổi hòa nhạc thứ hai này, tôi hy vọng thông điệp về “Hành trình yêu thương” sẽ lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng của chúng tôi. Những đóng góp âm nhạc của Quang Tiến và Bảo Quyên cùng sự quyên góp từ thiện của khán giả sẽ phần nào chia sẻ và hỗ trợ để giúp những người sống trong hoàn cảnh khó khăn.

Không hoành tráng, đắt đỏ như những buổi hòa nhạc cổ điển được nhãn hàng lớn tài trợ, Le Chauffage chỉ với hai nghệ sĩ biểu diễn bắt đầu có một lượng khán giả thân quen. Mỗi năm, họ chờ đón hai nghệ sĩ trở về ghi dấu hành trình trưởng thành của mình trong âm nhạc.

Chương trình Le Chauffage – Sưởi ấm được tổ chức xuất phát từ mong muốn âm nhạc sẽ mang đến giá trị thiết thực tới những con người, số phận cần an ủi, sẻ chia.

Đến hẹn lại về 'Sưởi ấm' ảnh 1 Nghệ sĩ piano Trần Lê Bảo Quyên
MỚI - NÓNG