Ngẫm sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris - Kỳ cuối

Đền thờ niềm tin

Thanh niên hát và cầu nguyện tại Together 2016, một sự kiện làm sống lại Cơ Đốc Giáo tổ chức ở Washington, Mỹ. Ảnh: The Washington Post
Thanh niên hát và cầu nguyện tại Together 2016, một sự kiện làm sống lại Cơ Đốc Giáo tổ chức ở Washington, Mỹ. Ảnh: The Washington Post
TP - Phục chế Nhà Thờ Đức Bà Paris và hạ giải Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu là hai cách ứng xử của cùng một niềm tin. Nhà thờ Đức Bà muốn lưu giữ từng chi tiết chỉ vì người ta tin vào các kiểm chứng khoa học. Còn Bùi Chu muốn được đại tu cho thấy một niềm tin tỉnh táo theo cách khác.

Phát hiện mới về giá trị hữu ích của thời trung cổ bắt đầu đi vào bài giảng cho các lớp cao học và nghiên cứu sinh tiến sỹ triết học ở nhiều trường đại học dân sự và công an của Việt Nam. Phát hiện mới ấy được trình bày trong tương quan so sánh với các quan niệm truyền thống, trên lập trường vô thần triệt để.

Thực tế

Ông Nguyễn Trọng Khả (giáo họ Lũng Dòng, giáo xứ Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) nói: “Nhiều tín đồ trên Facebook ủng hộ hạ giải nhà thờ Bùi Chu. Họ bảo nền đất lún sụt chứ đâu phải không có vấn đề gì như các kiến trúc sư về quan sát. An toàn cho giáo dân là kính Chúa, là yêu kính bản thân mình và tính mạng các đồng tu xung quanh. Nhà thờ hữu hình chỉ là tạm. Con chiên kính Chúa nào cũng hiểu nhà thờ trong tâm hồn mới đích thực là nhà thờ của niềm tin”.

Trước sức ép liên tục của truyền thông thời gian vừa qua đòi ngăn hạ giải Bùi Chu bằng được, Phero Khả tốt nghiệp báo chí Đại học KHXH&NV Hà Nội nói tiếp: “Tín đồ nhìn chung phản ứng không gay gắt như báo chí lẫn các kiến trúc sư. Tôi có cảm giác người không theo đạo thường dựa trên các phản đề tuyệt đối không thể dung hòa; có là có không là không; hoặc tồn tại hoặc không tồn tại; ít muốn tìm ý kiến thỏa hiệp”.

Về sự ồn ào của những người ngoài cuộc ngăn cản hạ giải nhà thờ Bùi Chu, Phero Bùi Công Chức (ông từ nhà thờ Khe Cốc, giáo họ Khe Cốc, Thái Nguyên) tâm sự: “Để ý thì anh sẽ thấy phẩm chất chịu đựng của người theo đạo khác hẳn sự chịu đựng theo ý hiểu thông thường. Họ ít ăn miếng trả miếng, ít bị cuốn theo tranh cãi. Tín đồ sùng đạo càng dễ kiềm chế cơn giận bằng cách chia sẻ với Chúa. Họ hợp nhất chịu đựng với hy vọng đến với tình yêu của Chúa cũng như với tình yêu thế giới của Chúa”.

“Thế nó khác với chịu đựng trong đời sống trần tục thế nào?”. “Tôi từng thấy nhiều người thế tục đầy bồ tri thức. Họ chịu đựng gánh nặng ganh đua đầy đau khổ. Có người trở nên tự cô độc, cố gắng chịu đựng chỉ để tin vào bản thân và sức mạnh của mình. Có người không muốn gây phiền hoặc bộc lộ sự yếu hèn nên đành chịu đựng. Khi không biết và không muốn chia sẻ với ai, họ dễ bế tắc cùng đường”.

Bay bổng

Chịu đựng không có nghĩa không bay bổng. Một trong những công cụ kích thích trí tưởng tượng hữu hiệu là các biểu tượng tôn giáo trong nhà thờ. Không phải ngẫu nhiên mỗi năm Nhà thờ Đức Bà đón 12-13 triệu lượt khách tham quan. Trong ngôi đền gothic Notre Dame de Paris mái vòm đầu nhọn cân đối và hài hoà, người ta nhúng mình vào các nẻo mặc khải. Cảm thấy tâm hồn được nâng lên khi quan sát vô số chi tiết quấn quýt nhau trên tường. Cháy Nhà thờ Đức Bà ngày 15/4 vừa qua là cháy ngôi đền gothic của thần học kinh viện. “Đám đông vây quanh đều chết lặng”,  Katherine Finney, nữ du khách Mỹ tĩnh tâm tại nhà thờ này nhiều lần, nói với CNN.

Nhiều thanh niên cũng chia sẻ họ đến nhà thờ vì sự ấm cúng, nhất là tại các nhà thờ không có giàn điện tử. Loè loẹt xập xình chỉ tổ khiến thanh niên xa lánh, một nghiên cứu công bố trong cuốn “Growing Young: Six Essential Strategies to Help Young People Discover and Love Your Church” (Thu hút giới trẻ: Sáu chiến lược cơ bản giúp thanh niên khám phá và yêu thích nhà thờ) phát hành năm 2016 tiết lộ. Khảo sát 250 giáo đoàn với 1.300 tín đồ tuổi 15-29 được phỏng vấn, các nhà nghiên cứu phát hiện các bạn trẻ đến nhà thờ để nuôi dưỡng niềm tin mà trần tục dễ làm nó héo mòn. Họ tới đó để tìm “sự chân thực và kết nối”. Sách của ba tác giả (Kara Powell, Jake Mulder và Brad Griffin) cho biết các giáo dân trẻ nhiều lần dùng từ “ân cần, không phàn nàn, gần gũi, chân thực, tử tế, và quan tâm” khi được yêu cầu mô tả nhà thờ hoặc giáo phận mà họ yêu thích.

Đền thờ niềm tin ảnh 1 Tình yêu trong Kinh Thánh giả định tinh thần hy sinh, lòng nhân từ và đồng cảm. Ảnh: Tín đồ kiên nhẫn khoanh tay chờ ban phướcẢnh: HQD

Đền thờ niềm tin ảnh 2

Hy vọng

Đến nhà thờ, họ say sưa cảm giác nồng ấm và quên đi những cộng đồng nông cạn hời hợt ngoài xã hội. “Như thể một gia đình. Nhiều bạn nói đi nói lại như vậy trong các cuộc phỏng vấn và khảo sát”. Ấn tượng hơn cả là trải nghiệm tình yêu Kinh Thánh. Thường thì tình yêu trần tục không thể thiếu yếu tố tình dục. Tình dục luôn là tính quy định xuất phát của tình yêu. Trái lại, Kinh Thánh đánh thức tinh thần hy sinh, lòng nhân từ và thái độ đồng cảm. Âm vang kỳ diệu trong không gian nhà thờ dẫn dắt người ta mơ tưởng đến tình yêu cái đẹp, cái hoàn hảo, cái cao cả, cái vô hạn, và trong sáng. Chiêm nghiệm trước tượng Chúa là chiêm nghiệm sự hy sinh cho người khác. Tình yêu trong Kinh Thánh còn nuôi dưỡng hy vọng như thành tố quan trọng nhất của cuộc sống.

Phạm Mạnh Cường kể chuyện các buổi học trước khi làm lễ cưới tại giáo xứ Bái Đô (giáo hạt Phú Xuyên, Hà Nội). Anh và vợ chưa cưới được linh mục giáo huấn lối sống luôn gieo hy vọng, mộ đạo, chính nghĩa, dựa trên sự tuân thủ những lời răn của Chúa. “Chúng tôi thường được dạy hy vọng một cái gì đó tốt đẹp cho dù mình ngu dốt hay mắc tội lỗi không thể tránh khỏi (còn gọi là tội tổ tông truyền) của cuộc sống trần tục”. Thế nếu thất vọng và buồn rầu, cái đối lập với hy vọng, thì sao? “Tốt nhất là chịu đựng. Chịu đựng khi nghĩ đến Chúa thật dễ chịu”, Cường nói. “Chịu đựng khiến tôi nhiều lần xa lánh của lạ. Tôi có một gia đình hoàn hảo trong một thế giới không hoàn hảo”.

Cơ Đốc luôn hướng tín đồ trở về đời thực. Giáo lý dạy người ta về đạo đức, tình yêu, dạy cách sống lương thiện với sợi chỉ đỏ xuyên suốt là niềm tin. Niềm tin được ban một “lượng chì” để không bay bổng theo ý chí chủ quan đồng thời được ban một đôi cánh để vượt lên khỏi mặt đất (mượn ý của triết gia Francis Bacon). Nhà thờ Đức Bà hay Bùi Chu, cũng như bao nhà thờ khác và các tôn giáo khác, thành đền thờ của niềm tin là vì thế.

MỚI - NÓNG