Đền Trần, cướp phết, hội Gióng sẽ văn minh hơn?

Tăng cường vòng tròn tình nguyện viên bảo vệ ở các đám rước lễ vật tại hội Gióng đền Sóc. Ảnh: Toan Toan
Tăng cường vòng tròn tình nguyện viên bảo vệ ở các đám rước lễ vật tại hội Gióng đền Sóc. Ảnh: Toan Toan
TP - Trước những bất cập của một loạt lễ hội truyền thống, các nhà quản lý đã sẵn sàng phương án để mùa lễ hội tới văn minh hơn.

Đền Trần tính kế tránh cướp lộc

Lễ hội đền Trần diễn ra tại đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định từ 7-12/2 tức 11-16 tháng Giêng âm lịch, nóng nhất là lễ phát ấn đêm 14, rạng sáng 15 tháng Giêng. Du khách và nhân dân vào lễ đầu năm tại đền Trần đến 21h. Sau thời gian này, mọi người phải lui ra ngoài khuôn viên để BTC chuẩn bị lễ dâng hương, rước kiệu và khai ấn. UBND thành phố Nam Định chủ trì lễ dâng hương từ 22h15 tới 22h40, sau đó là lễ rước kiệu.

Thủ tục khai ấn bắt đầu từ 23h15, trong đó nhà đền dâng sớ, các cụ cao niên phường Lộc Vượng cùng đại diện một số ban ngành đoàn thể vào nội cung chứng kiến nghi lễ và đóng ấn. Các lá ấn đầu tiên được giao cho trưởng từ đền Trần phân bổ để dâng lên các đình, chùa thuộc phường Lộc Vượng. Từ 23h55 trở đi BTC mở cửa đền cho nhân dân vào lễ. Lễ phát ấn bắt đầu từ 5h sáng 11/2.

“Chúng tôi quyết định phát ấn sớm hơn để giải phóng lượng người trực qua đêm ở đền, giảm áp lực đầu giờ phát ấn”, ông Khúc Mạnh Kiên, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Nam Định trả lời Tiền Phong. Ông nói thêm, mấy năm nay công tác tổ chức khai ấn, phát ấn khá ổn định vì đều có phương án phân luồng, phân tán lực lượng để giảm lượng người đổ về một lúc. Riêng phương án tránh cướp lộc và đồ thờ sau khi hành lễ, ông Kiên cho biết BTC không bày nhiều đồ lễ như mọi năm, xong lễ hội lại dâng lễ vật thờ để tránh lộn xộn cướp đồ thờ.

Sức nóng của đền Trần theo các chuyên gia, một phần ở sự xuất hiện của nhiều lãnh đạo, quan chức tại đây. Sở VHTTDL Nam Định nói không năm nào gửi giấy mời các lãnh đạo về đền Trần, tuy nhiên nếu các đại biểu về qua tỉnh vào đúng thời điểm ấy sẽ được mời dự hội luôn. “Cần phải hiểu khi hết giờ hành chính các bác cũng như công dân bình thường”, ông Kiên nói. Về điều này PGS.TS Nguyễn Văn Huy từng nêu ý kiến, nếu dự hội với tư cách công dân thì lãnh đạo và quan chức không nên xuất hiện với tư cách đại biểu khách mời, càng không nên xuất hiện vào thời điểm gây chú ý.

Cướp phết không thể như cũ

Ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ giao UBND huyện Tam Nông và xã Hiền Quan lập kế hoạch chi tiết lễ hội cướp phết Hiền Quan 2017. Trước thông tin UBND xã muốn cướp phết vẫn được tổ chức như cũ, ông Ân trả lời Tiền Phong: đấy là ý nguyện, nhưng quan điểm của Sở là lễ hội thực hiện theo tinh thần hội thảo khoa học hôm 9/11/2016. Hội phết Hiền Quan hiện nay về nghi thức nghi lễ đối sánh với tư liệu cơ bản giữ được yếu tố truyền thống, riêng phần hội có cải biến về hình thức và cách thức tổ chức. Đây cũng là phần gây tranh cãi và được quan tâm nhất, bởi gần đây phát sinh yếu tố bạo lực trong khi tranh cướp phết.

“Xưa gọi là đánh phết, giờ gọi cướp phết, thay đổi này làm cho hội phết xã Hiền Quan thay đổi bản chất, là nguyên nhân gây phát sinh bạo lực”- báo cáo của UBND xã Hiền Quan. Ông Nguyễn Ngọc Ân cho biết hiện chưa chốt phương án tổ chức cướp phết cụ thể. Có hai hình thức được đưa ra, thứ nhất là kết hợp đánh phết truyền thống và cướp phết hiện nay. Thứ hai là có cướp phết theo đề nghị của chính quyền và nhân dân xã Hiền Quan. Dù lựa chọn hình thức nào, lãnh đạo Sở VHTTDL Phú Thọ nói, địa phương phải có phương án ngăn ngừa bạo lực.

Sở nêu cụ thể các yêu cầu trong văn bản gửi Bộ VHTTDL và các ban ngành: Các đội theo địa giới các khu dân cư tham gia cướp phết phải mặc trang phục truyền thống màu sắc khác nhau để phân biệt. Địa phương nào muốn tham gia phải đăng ký trước, đảm bảo các điều kiện quy định và được BTC chấp thuận. Sở cũng đề nghị BTC lễ hội ban hành và phê duyệt thể lệ đánh phết từng năm, có ghi chép và rút kinh nghiệm cho năm tiếp theo. Về diễn trường cướp phết, các dải băng, cờ được sử dụng làm ranh giới chấm dứt tranh cướp phết. Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy trước đó khẳng định năm nay phân biệt rõ giữa du khách đến xem hội và người tham gia cướp phết. Tại hội nghị khoa học hồi tháng 11, dân Hiền Quan nói rằng những người xăm trổ, gây bạo lực nhiều khi không phải dân địa phương.

Hội Gióng siết chặt bảo vệ lễ vật

Hội Gióng đền Sóc diễn ra sáng 6 tháng Giêng năm nào cũng nóng ở màn cướp lễ vật hoa tre, trầu cau. Năm 2016, lễ vật an toàn từ đền Thượng về các điểm phục lễ ở đền Hạ, đền Mẫu và người dân “cướp theo kịch bản”. Ông Nguyễn Nam Nho, Trưởng BQL khu Du lịch - Di tích đền Sóc cho biết từ sớm, BTC yêu cầu các thôn làng chuẩn bị chu đáo lễ phẩm, lực lượng tham gia đoàn rước đặc biệt “không dùng gậy gộc, hung khí bảo vệ đoàn rước”.

Đoàn Thanh tra Bộ VHTTDL về đền Sóc kiểm tra công tác chuẩn bị lễ hội đầu tuần này, đề nghị tăng cường bảo vệ, vệ sinh môi trường và phương án phòng chống cháy nổ. Ông Nho nói để giảm ùn tắc giao thông, BTC đẩy giờ khai hội lên 7h, đây là thời điểm chủ yếu là dân địa phương tham gia lễ rước. Có những năm cao điểm 6 - 10 vạn khách đổ về khu di tích đền Sóc thời điểm khai hội, gây khó khăn về phân luồng giao thông và bảo vệ đoàn rước. Về giải pháp chống tranh cướp lộc gây ra hỗn loạn, năm nay tăng cường các vòng tròn bảo vệ mềm - các tình nguyện viên, để lễ vật an toàn tới điểm quy định.

MỚI - NÓNG