Đi bộ

Đi bộ
TP - Tết nhất đến nơi, nghĩ một chút về những bước chân con người. Giữa thời gian. Giữa nhân gian. Nhân chuyện Hà Nội lần đầu xử phạt người đi bộ.

Theo quy định mới, người đi bộ vi phạm giao thông bị phạt từ 50 đến 120 ngàn đồng cho các loại lỗi, như “lấn làn” qua phần đường dành cho phương tiện khác, mang vác cồng kềnh cản trở lưu thông…

Hoạt động lưu thông đầu tiên của loài người, là đi bộ. Con người nguyên thủy, chỉ đi với đôi chân. Hai chữ “đi bộ” có lẽ chỉ được dùng khi loài người đã biết ngẩng đầu, thẳng lưng mà bước. Các nhà tư tưởng cho rằng chân là một biểu tượng của quan hệ xã hội, giúp con người đến với nhau, xóa bỏ khoảng cách. Đôi chân, chứ không phải động cơ, máy móc, tay ga chân phanh ồn ào gầm rú.

Nay, con người thời hiện đại đi tới văn minh bằng đôi chân, nếu phạm quy cũng phải chịu phạt. Bản thân việc xử phạt ban đầu có thể khiến nhiều người ngỡ ngàng. Nhưng tôi cho rằng đây là một quy định mang tính văn minh, hơn nhiều những lệnh ban gây sốc khác.

Bởi, con người phải chịu trách nhiệm với đôi chân của mình, trong một hoạt động kinh điển tưởng chừng giản đơn như thở ra, hít vào. Đó là bước đi.

Đáng tiếc, đi bộ bây giờ, đa phần là người lao động, gánh gồng, đánh giày, bán báo, vé số… Những chiếc xe hơi đời mới sang trọng, đến biển số cũng mang tính dọa nạt, luôn giấu kín những bóng người bên trong.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng đừng tưởng bước đi được trong không khí, trên mặt nước mới là phép lạ. Phép lạ thực sự của mỗi con người, đó là hằng ngày bước đi trên trái đất. Để tham gia vào những phép lạ khác, khi nhìn thật gần gũi, chậm rãi đời sống xung quanh mình. Trời xanh, mây trắng, lá xanh, màu đen từ đôi mắt tò mò của một đứa trẻ…

Chuyển động của những bánh xe trong cỗ máy xả khói cũng vẫn đưa con người đến với nhau. Và có thể tạo ra những thứ “phép lạ” khác. Nhưng để xóa đi khoảng cách giữa người với người, thì chưa hẳn...

MỚI - NÓNG