Di sản - từ áo dài đến phở

Trang phục mà 1 NTK Trung Quốc bị lên án vì sao chép áo dài Việt Nam, rồi được truyền thông Trung Quốc gọi là "phong cách Trung Quốc"
Trang phục mà 1 NTK Trung Quốc bị lên án vì sao chép áo dài Việt Nam, rồi được truyền thông Trung Quốc gọi là "phong cách Trung Quốc"
TP - Vụ áo dài Việt Nam lên sàn diễn cùng trang phục của các nước dọc Con đường Tơ lụa do nhà tạo mẫu Trung Quốc chủ trương từ năm ngoái bỗng làm xôn xao dư luận. 

Thoạt đầu mọi người tỏ ra giận dữ, cho rằng phía Trung Quốc nhận xằng áo dài Việt Nam, như một kiểu chiếm đoạt văn hóa trắng trợn.

Sau đó nhờ những phiên dịch viên mà mọi người biết được hãng thời trang nọ những muốn giới thiệu các mẫu trang phục truyền thống của các nước Đông Nam Á để thấy sự khác biệt về thời trang cũng như văn hóa, lịch sử. Đồng thời tích hợp các họa tiết văn hóa đặc trưng của các nước vào trang phục cho người Trung Quốc.

Trang phục mượn nước nào để nước đó bình luận cho khách quan, riêng trọn bộ áo dài nón lá Việt Nam 99% giống trang phục phụ nữ Việt Nam vẫn mặc thường ngày. Chỉ có điều nó cứ vụng vụng dại dại thế nào. Cho cả nam người mẫu mặc áo dài đội nón lá thì biết rồi đấy… Bởi người thiết kế chẳng thể nào có được hồn Việt. Nhưng thế cũng là thường, chắc cũng giống người Việt mà đi may sườn xám vậy thôi. Từ sự vụ này, có người cho rằng nên “hành chính hóa” áo dài thành quốc phục để nếu có tranh chấp gì thì cũng dễ bề kiện tụng. Kể cũng vất vả. Sao không ai tranh giành kimono với người Nhật nhỉ?!

Thực ra áo dài Việt Nam mà họa sĩ Lemur Cát Tường là người cuối cùng tác động hoàn thiện vốn là một sản phẩm kết tinh của sự giao lưu đa văn hóa. Và vì đẹp quá, hợp lý quá nên người Việt hiện đại đã mặc định nó như một trang phục đại diện. Chứ còn trang phục truyền thống gốc của phụ nữ Việt Nam là áo tứ thân mớ ba mớ bảy và dứt khoát phải kèm váy. Chả thế mà có câu: “Tháng tám có chiếu vua ra/Cấm quần không đáy người ta hãi hùng…” ám chỉ lệnh cấm thời vua Minh Mạng bắt phụ nữ Bắc phải mặc quần như chị em đàng trong…

Âu cũng là một dịp để nhìn nhận lại các giá trị di sản xung quanh ta thể hiện từ cái ăn, cái mặc. Từng ngày từng giờ vẫn có những yếu tố thêm vào bớt đi, âu cũng là lẽ thường của cuộc đổi dời không tránh khỏi.

Ví dụ Hà Nội hội tụ tinh hoa về phở nhất rồi còn gì. Thế nhưng vừa rồi đi ăn một hàng phở gà mới mở, tôi lại được khai hóa về cái gọi là phở. Số là hàng đó làm bánh phở ngay trước mắt khách, từ tráng, phơi, thái. Và thành phẩm mới mềm, mịn, mượt… làm sao. Đã lâu lắm tôi mới cảm nhận được chất gạo nguyên bản trong bánh phở. Vì đơn giản từ trước khi tôi sinh ra, hẳn dân ta đã biết ứng dụng hàn the trong phở, bún, bánh… để chống thiu, làm dai. À một chi tiết thú vị nữa là hàng phở đó do một tay người Mông làm chủ.

MỚI - NÓNG