Diễn viên Trần Đức kể chuyện ngủ trên phản bán thịt

Chúng tôi rong ruổi diễn dã ngoại suốt chiều dài đất nước, nhiều lần ngủ đêm trong lán chợ tạm. Trên những tấm phản bán thịt lợn, thịt bò của người dân miền Trung, chúng tôi ngủ ngon lành, diễn viên Trần Đức kể.
Diễn viên Trần Đức kể chuyện ngủ trên phản bán thịt ảnh 1

Diễn viên Trần Đức

Xa Nhà hát Kịch Hà Nội đã 10 năm, nhưng tôi làm sao quên được cái nôi nơi mình được sinh ra lần thứ hai bằng cuộc đời nghệ thuật và dần trưởng thành với sân khấu, qua vai quần chúng, vai phụ cho đến vai chính, những vai diễn được đồng nghiệp và công chúng ghi nhận. Năm 1971, tôi dự thi tuyển ngành học diễn viên tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong tiếng bom đạn và tiếng còi ủ báo động. 1.800 thí sinh năm ấy, 12 người chúng tôi được vào.

Nhớ hồi mới vào nhà hát, tôi vừa học, vừa làm, vừa luyện tập, vừa thử sức và không ngừng mơ ước, chẳng nề hà bất cứ công viêc gì của Đoàn Kịch: làm hậu đài, bê vác cảnh, làm âm thanh cho các đêm diễn; chuẩn bị phục trang, đánh giày cho các nghệ sĩ hàng đêm…

Mỗi lần xong lượng công việc ấy, những việc sau này tôi vẫn mãi quý mến, biết ơn, coi như những viên gạch lát con đường đưa mình lên sàn diễn, tôi lại lặng lẽ ngồi cạnh cánh gà hay cuối hàng ghế trong nhà hát. Đều đặn như thế, tôi xem các buổi tập và biểu diễn. Nhiều đêm ngồi âm thầm theo dõi, thấm từng tiếng gọi, từng cái khoát tay, từng bước chạy, từng giây phút gục ngã…

Tôi thuộc lòng những vai diễn của các chú, các anh mà mình ngưỡng mộ. Và tôi cứ mong đợi một ngày nào đó mình sẽ được diễn một đêm kíp 2 hoặc được thay thế vào một vai nào đó khi nhỡ có sự cố, đoàn cần người thay gấp.

Được Đoàn Kịch Hà Nội cử đi học tại Trường Sân khấu Việt Nam, tôi về Đoàn công tác năm 1974. Dấu son sự nghiệp của tôi chính là thời kỳ diễn viên, tham gia gần 60 vở diễn tại Nhà hát Kịch Hà Nội, dù sau này tôi có học và làm công tác đạo diễn.

32 năm ấy, tôi được gắn bó, đi theo và đi cùng với các chú Hoàng Quân Tạo, Trịnh Mai, anh Trần Ngọc Hạnh, Trần Kiếm, chị Vũ Thanh Tú, chị Đức Lưu, anh Nguyễn Quốc Toàn, anh Nhật Đức…, những nghệ sĩ tiền bối, những nghệ sĩ thế hệ trước, che chở, chỉ bảo đùm bọc tôi từ ngày đầu bước vào nghề.

Những lời góp ý, khuyên nhủ, nhắc nhở, sự ân cần và thái độ thẳng thắn, nghiêm khắc của các chú, các anh chị ấy theo tôi từ hồi đầu non trẻ đến những năm đứng trên sàn diễn của thánh đường huy hoàng.

Diễn viên Trần Đức kể chuyện ngủ trên phản bán thịt ảnh 2 Ông quen thuộc với các vai phản diện trên truyền hình

Càng gần tới ngày kỷ niệm 55 năm Nhà hát Kịch Hà Nội, chỉ nhận một cuộc gọi nào đó từ Nhà hát, lòng tôi đã xốn xang. Bao cảm xúc tràn về, đong đầy, thổn thức. Tôi như thấy lại những chuyến xe đưa các diễn viên Nhà hát đi diễn ở những nơi xa xôi, hiểm trở. Giai đoạn khó khăn, thiếu thốn ấy, chỉ mong đi, chỉ có đi, và diễn, được sống, được cháy cùng cuộc đời trên sân khấu, là tất cả hạnh phúc thời trai trẻ của tôi.

Chúng tôi rong ruổi diễn dã ngoại suốt chiều dài đất nước, nhiều lần ngủ đêm trong lán chợ tạm. Trên những tấm phản bán thịt lợn, thịt bò của người dân miền Trung, chúng tôi ngủ ngon lành. Có đêm lỡ độ đường, chúng tôi ngủ tại bến phà Bến Thủy lộng gió, trời lạnh buông đầy sương đêm. Những cơn gió buốt thấu xương của vùng cao Mèo Vạc - Hà Giang.

Chúng tôi đi xuyên qua những miền đất, những nhọc nhằn thời ấy, đi qua cả chật vật đời thường, bằng niềm đam mê của tuổi trẻ, bằng sự háo hức của bao con người trên khắp nẻo đường, đã đón chờ, đã náo nức xem chúng tôi diễn, đã vỗ tay một cách hồn nhiên, nồng nhiệt. Có thể không bao giờ chúng tôi còn có cơ hội gặp lại những khán giả đã đón chờ chúng tôi những năm tháng đó. Nhưng tôi vẫn nhớ và hiểu rằng, họ đã giúp chúng tôi lớn lên.

Diễn viên Trần Đức kể chuyện ngủ trên phản bán thịt ảnh 3 Diễn viên Trung Đức và Tùng Dương

Đã trôi qua quãng thời gian quá nửa đời người, tôi vẫn tưởng như ngày hôm qua, vẫn thấy gắn bó, thương yêu Nhà hát mà cho đến giờ, không còn công tác ở đó, tôi vẫn coi nơi ấy có một phần của mình, và mình cũng là một phần của nơi ấy.

Những vở diễn, buổi tập, đêm diễn được tham gia cùng đạo diễn Hoàng Quân Tạo, cùng tác giả Lưu Quang Vũ, cùng các bạn diễn Quốc Toàn, Trần Vân, Tiến Đạt, Hoàng Dũng, Hồng Sơn, Hoàng Cúc, Minh Hoà…, thức trắng đêm bàn luận sôi nổi về từng lớp diễn, từng lời thoại khi tôi đóng vai Khánh vở Tôi và chúng ta - vở tập hợp dàn diễn viên hai thế hệ mạnh nhất của Nhà hát. Có lần Trần Vân bị ốm, tôi đóng thay vai giám đốc Hoàng Việt...

Năm 2003, tôi chuyển sang Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, làm công tác giảng dạy, lại mời các đồng nghiệp ở Nhà hát đến thỉnh giảng: Quốc Toàn, Hoàng Dũng, Minh Vượng, Minh Hoà. Chúng tôi vẫn luôn bên nhau...

Nhiều khi quay quắt nhớ những ngày đêm hào hứng và được sống rất thật, rất chân thành ấy, tôi lại gửi hy vọng tới lớp người mới của Nhà hát, những gương mặt trẻ trung, đang tỏa sáng, đang định hình phong cách, đang chập chững những bước đầu tiên. Tôi mong được… đi theo họ! 

Theo Theo VietnamNet
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.