Đỗ Hoàng Diệu và “Bóng đè” trong ngày giông bão

Đỗ Hoàng Diệu và “Bóng đè” trong ngày giông bão
Trần Đăng Khoa phán: “Nếu tính 50 truyện ngắn hay nhất VN, phải có “Bước qua lời nguyền”. Cần chọn 10 truyện hay nhất vẫn phải có; thậm chí nếu chỉ được phép chọn 5 truyện đặc sắc nhất, không thể thoát “Bước qua lời nguyền”.
Đỗ Hoàng Diệu và “Bóng đè” trong ngày giông bão ảnh 1
Đỗ Hoàng Diệu - ảnh: Xuân Bình

27/9, trời giông gió ầm ầm, cây đổ ở một vài con phố. Có cuộc họp báo quan trọng nhưng tòa soạn phải báo hoãn với cộng tác viên. Thế mà đầu giờ chiều, gọi điện cho anh Thắng “Sách”, tức Dương Thắng- một người làm sách quen mặt ở Hà Nội, hỏi “Cuộc ra mắt của Đỗ Hoàng Diệu có hoãn không anh” thấy đáp tỉnh queo “Hoãn là thế nào? Tất cả đều đến”.

Anh Thắng chủ trò cuộc gặp này - cây bút trẻ Đỗ Hoàng Diệu với những độc giả quan tâm, nhân dịp NXB Đà Nẵng ấn hành tập truyện ngắn “Bóng đè” của cô.

Đầu thập niên 1990, chỉ với truyện ngắn “Bước qua lời nguyền”, lập tức Tạ Duy Anh khua khoắng cả văn đàn. “Có một nền văn học Bước qua lời nguyền”- một nhà phê bình lão luyện thông báo.

Trần Đăng Khoa phán: “Nếu tính 50 truyện ngắn hay nhất VN, phải có “Bước qua lời nguyền”. Cần chọn ra 20 truyện, 10 truyện hay nhất vẫn phải có; và thậm chí nếu chỉ được phép chọn 5 truyện đặc sắc nhất, không thể thoát “Bước qua lời nguyền”.

Thông tin của đầu mối Phạm Xuân Nguyên chiều 27/9: Vừa xuất hiện trên tạp chí H.L, “Bóng đè” đã gây kinh ngạc cho nhiều người, xôn xao văn giới hải ngoại và rồi trong nước, nhất là khi truyện được đưa vào tuyển “Văn Mới 2005”- NXB Hội Nhà văn.

Hơn 5 chục nhà báo, nhà văn... có mặt ở Cà phê Sách Intello 59 Văn Miếu đều đã đọc ít nhất một truyện “Bóng đè”, rồi tò mò mà đến, nhiệt tình mà đến.

Đi xe máy thì trùm áo mưa, đi taxi vẫn phải “tăng bo”- lội bộ một đoạn do đường bị ngập- vào một cuộc trao đổi kéo dài  hơn 2 tiếng không một khoảng lặng, mà phần lớn thời gian diễn ra trong ánh nến leo lắt do điện bị cắt, người trong phòng không trông rõ mặt nhau- kể cũng là niềm hạnh phúc cho người viết chưa đầy 30 tuổi này.

Đỗ Hoàng Diệu và “Bóng đè” trong ngày giông bão ảnh 2

Đỗ Hoàng Diệu váy trắng, tóc xoăn nhẹ ôm lấy gương mặt mà cô tự tả “góc cạnh, không giống Vệ Tuệ như có người nhận xét- cô ấy xinh hơn tôi” (các nhân vật nữ xưng tôi trong truyện của Diệu đều xinh đẹp quyến rũ), đôi mắt khá đẹp với hàng mi cong và giọng nói cũng nhẹ.

Ẩn hiện trên nền tường nhà là những bức ảnh khổ khá lớn Xuân Bình chụp Diệu trong tư thế gợi cảm: cúi mặt trầm tư, cười hết cỡ... Có cái cô hơi nghiêng đầu, trên nền một phụ nữ khoả thân đang xây lưng. Tất cả số ảnh này, cuối buổi bị người dự bóc  hết chẳng còn một chiếc.

Cuộc thăm dò thế giới quan nhân sinh quan nhà văn trẻ có lúc biến thành cuộc luận chiến (hiền lành thôi) giữa những người dự với nhau. Ngô Thảo sau khi tranh thủ khoe thương vụ lặn lội Cà Mau mua được bản quyền truyện “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư (15 triệu+ 2 triệu thuế, có người trả ngay 80 triệu), chê người Việt nói chung nhát sợ, sợ đủ thứ, sợ quá khứ, sợ sex.

Ông còn dùng từ “mân mó” để chỉ những người đọc cố chấp, thích “soi”. Cũng nhờ Ngô Thảo tung tin mà cử tọa biết cô gái gốc xứ Thanh Đỗ Hoàng Diệu đang có người yêu “Tây”.

Trước đó dù ngồi riêng với báo giới cô cũng chỉ tiết lộ đang làm tư vấn luật cho một hãng của Canada mà thôi, và đã từng đoạt giải Tác phẩm Tuổi xanh (do báo TP tổ chức) năm 14 tuổi với truyện “Ông lão hàng xóm”.

Độc giả đàn ông dễ mê truyện của một cô gái giàu bản năng? Dương Tường cho biết không chỉ đàn ông như ông mới thích Đỗ Hoàng Diệu, vợ ông đã mua liền 20 cuốn “Bóng đè” tặng bạn  bè.

Có người hỏi Diệu chị có sợ bị tương lai bắn đại bác vào mình (vì tội đã rút súng lục với quá khứ?) Trước chị đã có nhiều tác giả viết về sex- tình dục trong giới trẻ, còn chị vì sao lại tiếp tục chọn đề tài này và thậm chí còn viết một cách rất oái oăm (con dâu- bố chồng)?...

Hơn một lần, Diệu làm cái việc phân trần: “Tôi không viết về tình dục. Tôi viết về những điều khác và tôi mượn tình dục để đề cập những vấn đề đó” “Đó là nhân vật yêu chứ không phải tôi.

Cả khi viết “Đàn ông Việt Nam không biết đánh vần từ chung thủy trôi chảy” cũng là nhân vật của tôi thốt, và họ có quyền làm điều đó”. Gốc gác Trung Hoa của các nhân vật trong các  truyện cũng được người đọc quan tâm “tra hỏi”.

Trên bìa 4 tập truyện “Bóng đè”, nhà văn Nguyên Ngọc biểu dương nồng nhiệt: “Truyện ngắn Đỗ Hoàng Diệu toàn là những nhân vật phụ nữ, tất cả đều còn trẻ, khát khao sống, mãnh liệt sống, tràn đầy dục tính, song chắc chắn vấn đề của chị lớn hơn rất nhiều vấn đề số phận đàn bà.

Những người phụ nữ của Đỗ Hoàng Diệu là những người phụ nữ phải gánh chịu “cả một quá khứ phi phàm”, bị đeo đuổi vì một thứ “tội tổ tông”, “quá thông minh nhưng quá cả tin”… Mặc dù vậy chính Nguyên Ngọc cũng cho rằng Diệu không đều tay, khiến ông đang phải để tâm đọc thêm.

Đọc “Bóng đè” lần đầu dễ mà độc giả bị choáng! Nhưng sang đến “Hoa máu”, “Huyền thoại về lời hứa”, “Căn bệnh”... thì có một khoảng cách xa, tưởng như người khác viết vậy.

Nguyên Ngọc cũng khen “Vu quy”,  trong khi một độc giả có nickname Le- Matador trên mạng ttvnol.com “báng”: “Nếu các bạn đọc thêm “Vu quy” nữa thì muốn ọe”, còn độc giả có  nickname quynho 123 viết về “Bóng đè”: “ấn tượng đầu tiên là quái dị và ghê rợn. Sau đó là sexy.

Quả thực là ấn tượng, đọc rất hút, và không dứt ra được cho đến những từ cuối cùng. Nếu chỉ cần có thế thì coi như truyện đã thành công. Nhưng cái vỏ bọc sex quá lộ liễu để che bọc cho những thông điệp còn lộ liễu hơn”.

Số đông độc giả (kể cả người viết bài này) coi “Bóng đè” là truyện mạnh nhất của Diệu, cả về ý tứ lẫn văn phong, xứng đáng là hiện tượng, còn tác giả nói cô thích “Tình chuột” nhất, một truyện bị NXB Đà Nẵng từ chối đưa vào tập. “Tình chuột” cũng được Nguyễn Việt Hà và Phạm Ngọc Tiến ca tụng, rằng rất ấn tượng và hơn hẳn “Bóng đè”- đấy là quan điểm của 2 anh thôi.

Có ít nhất 2 độc giả đàn ông “xin phép không hoan nghênh”,  “không thích” hiện tượng mới này. Trần Tiễn Cao Đăng thấy Đỗ Hoàng Diệu “không có văn”, “cách hành văn không thích” và muốn đọc những tác giả mới có phong thái mới hào sảng.

“Người Việt nói chung, và người viết văn vẫn quá nặng mặc cảm quá khứ”, nhận xét của anh được cây bút ở báo Người Việt ở hải ngoại là Hoàng Hạc, cựu phóng viên báo Tiền Phong đồng tình. Đỗ Hoàng Diệu: “Tôi không thể thoát khỏi quá khứ, khi mà ở nhà tôi, chỉ cần bước vào đến cửa, đập vào mắt là một gian thờ lớn. Nhưng tôi mô tả quá khứ là để thoát ra khỏi quá khứ đó, thoát khỏi nỗi ám ảnh”.

Nguyên Ngọc khuynh loát: “Tôi không thích những gì  hơn hớn. Khi nói “Bóng đè” là muốn thoát ra khỏi bóng đè, ra khỏi quá khứ hướng tới tương lai. Giải phóng cá nhân, giải phóng”... 

MỚI - NÓNG