Đổ tiền tỷ chơi trang phục cung đình

NSND Lan Hương (từ trái qua), NSƯT Thùy Liên, NSND Minh Hòa, NSND Hoàng Cúc mặc áo Nhật Bình của Ỷ Vân Hiên
NSND Lan Hương (từ trái qua), NSƯT Thùy Liên, NSND Minh Hòa, NSND Hoàng Cúc mặc áo Nhật Bình của Ỷ Vân Hiên
TP - Bỏ ra hàng trăm triệu để phục dựng lại bộ long bào cho chuẩn chỉnh, chưa dừng ở đó chàng trai 9X Nguyễn Đức Lộc còn dựng lại hệ thống hơn 400 bộ phục trang cho phim điện ảnh cổ trang được cho là “bom tấn” sắp ra mắt.

9X CHƠI CỔ PHỤC

Nguyễn Đức Lộc lập ra Ỷ Vân Hiên-một trong những đơn vị tiên phong khai phá thị trường cổ phục ở Việt Nam. Phim cổ trang đã hiếm, cổ phục chuẩn mực sử dụng còn nan giải hơn. Chẳng thế mà Đường tới thành Thăng Long một phần không được chiếu vì lỗi sai phục trang. Phim Mỹ nhân vướng sạn to tổ chảng về trang phục, phải cậy tới kỹ xảo làm nhòa họa tiết trang trí khi chiếu trên màn ảnh rộng.

Ỷ Vân Hiên (Nơi tựa mây) bắt nguồn từ sản phẩm đầu tiên của cung đình. Chiếc gối tựa do Nguyễn Đức Lộc kết hợp với mệ Công Tôn Nữ Trí Huệ hơn 90 tuổi ở Huế phục dựng. Chọn chiếc gối “khởi nghiệp” bởi Lộc cho rằng nó mang đậm hàm lượng văn hóa, vui hơn cả khi đưa được vào sản xuất để thương mại hóa trong đời sống đương đại. “Gối tựa gắn với văn hóa ngồi sập của người Việt xa xưa, vua quan đều dùng. Thế mới có câu “nửa đêm vỗ gối ruột đau như cắt nước mắt đầm đìa”, Lộc chia sẻ.

Khởi đầu khiêm tốn nhưng Nguyễn Đức Lộc và đội ngũ Ỷ Vân Hiên kịp tiến bộ đáng ngạc nhiên. Tháng 8/2018 mới trình làng gối xếp, nay anh phát triển phục dựng và sản xuất hàng trăm bộ cổ phục từ tầm trung tới cao cấp. Đức Lộc được trao giải nhà thiết kế trang phục xuất sắc nhất của Harper’s Bazaar Star Awards 2019. Phần thưởng xứng đáng dành cho sự đầu tư khủng. Khoảng 400 trang phục đi kèm trang sức và phụ kiện đủ bộ do Ỷ Vân Hiên thiết kế được đầu tư cho dự án điện ảnh Phượng Khấu-phim cung đấu đầu tiên của Việt Nam ra mắt đầu năm 2020.

Số phục trang này đủ dựng lại cả hệ thống cổ phục triều đình nhà Nguyễn thời vua Tự Đức, với các loại triều phục- lễ phục- thường phục của vua, hậu, quan lại theo phẩm cấp, phi tần, binh lính và thường dân. Chưa có dự án điện ảnh nào dám chi vài tỷ đồng riêng cho phục trang, chính vì thế Lộc chuyển từ việc nhận lời đơn thuần thiết kế trang phục sang góp vốn bằng hơn 400 bộ quần áo. “Tôi sợ nếu chi ít tiền khó làm chỉn chu được, nếu làm ẩu tả thì mất mặt lắm”, Đức Lộc nói.

PHỤC TRANG BẠC TỶ

Làm truyền hình một thời gian, Lộc quay lại với niềm đam mê văn hóa lịch sử từ nhỏ. Nguyễn Đức Lộc trở thành nhà thiết kế và phục dựng cổ phục có tiếng trong giới, với đủ cổ phục từ áo dài năm thân, áo giao lĩnh cho tới triều phục. Anh có lợi thế hơn hẳn những nhà nghiên cứu ở chỗ thừa hưởng cả gen may mặc của gia đình. Lộc tự nhận mình kết hợp được vốn kiến thức lịch sử về cổ phục tích lũy được và tay nghề thiết kế. Anh dám tự tin hầu như sản phẩm ra mắt thị trường đều tiệm cận nhất với lịch sử, vừa có tính khoa học vừa đậm chất nghệ thuật và hiếm ai có thể bắt bẻ.

Phòng làm việc của Lộc bày long bào phục dựng gần như nguyên mẫu từ long bào của vua Bảo Đại. Áo đi kèm đủ phụ kiện, đặc biệt mũ Cửu long thông thiên do nghệ nhân, nhà sưu tập trang sức Vũ Kim Lộc chế tác. Ông cũng là người hồi sinh bốn chiếc mũ của vua Bảo Đại hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Rồng trang trí, hoa lửa trên mũ được mạ vàng và làm kỹ tới từng chi tiết.

Chỉ vào những họa tiết rồng, vân mây, hoa lửa... thêu trên long bào, Lộc bảo mới dám thêu máy lác tay mà đã tiêu tốn hàng trăm triệu một bộ. “Long bào nguyên bản của vua bằng chất liệu sa trong lót lụa cực đắt đỏ, nếu thêu tay với chừng ấy họa tiết chắc mấy tháng mới xong. Mất cả tỷ để may long bào là chuyện thường bởi tính riêng tiền thêu cũng lên tới đôi trăm triệu”, Lộc khẳng định.

Không chỉ long bào, làm ra một bộ phượng bào cho hoàng hậu cũng tiêu hao chất xám và tiền bạc không kém. Đơn giản hơn như bộ lễ phục Nhật Bình, Lộc cũng chỉ dám cho thêu thủ công phần cổ áo, hoa văn còn lại thêu máy, ấy thế nhưng giá ngót bốn chục triệu đồng. Nhà nghiên cứu cổ phục Trịnh Bách từng nói bên lề cuộc trưng bày triều phục tại Hoàng thành Thăng Long rằng, có đôi trẻ “làng nhàng dưới làng” nhưng mặc áo nhật bình chụp ảnh cưới ra dáng quý tộc ông bà ta xưa. Mốt chụp ảnh trang phục xưa bắt đầu thành xu hướng. Đức Lộc vừa mở studio cung cấp trọn gói từ trang điểm, trang phục tới chụp những bộ ảnh cưới chất hơn nước cất.

TỰ TÔN DÂN TỘC

Hỏi cơ duyên để Lộc dốc sức và đổ tiền bạc đi theo con đường không trải hoa hồng này? Anh cười, “tất cả bắt đầu từ sự tự ái và tự tôn dân tộc”. Đi nước ngoài nhiều tiếp xúc văn hóa Nhật, Hàn, Trung nên Lộc luôn tự hỏi mình là ai, văn hóa của mình ra sao?

Sự đứt gãy về văn hóa trang phục là điều đáng buồn, tới nay khi ngoại giao và quảng bá văn hóa cũng chỉ quanh quẩn nhắc áo the khăn xếp, guốc mộc, áo dài cách tân. “Càng nghiên cứu tôi mới thấy trang phục của mình xuất sắc không kém những hanbok hay kimono, thậm chí bộ Nhật Bình của ta nếu làm kỹ còn rực rỡ hơn cả hanbok. Nhiều người hỏi tôi nhật bình chỉ dùng được trên sân khấu à. Tư duy như thế cực kỳ tai hại. Người Nhật hiện đại hơn ta gấp nhiều lần nhưng họ vẫn giữ được những khu vực cổ truyền cả nghìn năm, vẫn diện kimono đi chợ, đi chơi hay quảng bá trên truyện tranh và phim hoạt hình”, Đức Lộc nói.

Cổ phục Việt rực rỡ, sánh ngang với bất cứ cổ phục nào của các nước lân cận, nên Nguyễn Đức Lộc bảo không bao giờ làm sản phẩm rẻ tiền, ẩu tả. Cứ nhìn ra khu vực thì rõ: May một bộ kimono Nhật Bản mất khoảng 10-20 nghìn USD, cao cấp có lẽ lên cả trăm ngàn USD. Thời hoàng kim, ngành may kimono mang về cho Nhật Bản hàng tỷ USD trong thập kỷ 1990.

Nguyễn Đức Lộc cười, giờ đây làm không hết việc. Nào may cổ phục bán lẻ, làm hợp đồng cả tỷ với cơ quan nhà nước, rồi bắt tay với các đạo diễn để đưa loạt trang phục sân khấu “từa lưa” bao năm qua về quy chuẩn. Yêu vốn quý của cha ông, giờ tới lúc đưa cổ phục lên tầm cao mới.

Đổ tiền tỷ chơi trang phục cung đình ảnh 1 Nguyễn Đức Lộc phục dựng Long bào triều Nguyễn 

Xuất khẩu văn hóa
Mục tiêu dài lâu của Nguyễn Đức Lộc là tiến ra thế giới, nhưng trước hết phải chiếm lĩnh kỳ được thị trường trong nước. “Muốn xuất khẩu thì khách hàng trong nước phải thông hiểu về cổ phục cái đã. Chúng tôi đầu tư mạnh thông qua các sản phẩm văn hóa giải trí như phim ảnh, sân khấu, trang phục bán lẻ, thông qua sức ảnh hưởng của nghệ sĩ để lan tỏa giá trị văn hóa Việt. Chúng ta hầu như mới chạm tới cổ phục thời Nguyễn, thời Lê, nhưng xa xưa hơn như Lý-Trần còn bỏ ngỏ”, Lộc bảo. Anh cho biết hiện nay một số khách hàng là Việt kiều tại Nhật, Mỹ và các nước châu Âu, thậm chí người nước ngoài cũng quan tâm và đặt hàng.

Không đếm xuể bao nhiêu dự án điện ảnh và truyền hình cổ trang Trung Quốc, Hàn Quốc hoành tráng, nên họ trở thành cường quốc xuất khẩu văn hóa là điều hiển nhiên. Việt Nam mới chập chững, người dân còn khá mơ hồ về cổ phục của ông cha.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.