Đọc lại giải Nhất truyện ngắn một thời

Nhà văn, đạo diễn Trần Quốc Huấn (1952-2014). Ảnh: Phạm Việt Thanh.
Nhà văn, đạo diễn Trần Quốc Huấn (1952-2014). Ảnh: Phạm Việt Thanh.
TP - Đọc lại truyện ngắn của cây bút đoạt giải Nhất Văn nghệ Quân đội một thời- Trần Quốc Huấn với tập Người lính kèn về làng, để nhớ lại văn chương và đời sống thời chiến tranh cùng hậu chiến một thuở.

Trần Quốc Huấn nổi lên nhờ đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1987 với chùm ba truyện: Vùng biển thẳm, Bên ấy trước có người ở, Người đi đêm không sợ ma. Hồi ấy giải thưởng báo Văn nghệ hoặc Văn nghệ Quân đội thực sự danh giá, được bạn đọc trong ngoài giới chú ý. NXB Trẻ vừa giới thiệu 8 truyện ngắn của Trần Quốc Huấn lấy tên chung Người lính kèn về làng. Đây hóa ra là tập truyện duy nhất của ông.

Mùa trái rụng nhiều là một truyện ấn tượng trong tập. Mùa trái rụng nhiều,  chính là mùa trái bàng rụng ở làng quê Thịnh, nhân vật chính. Cũng là mùa mà khách hàng tìm đến anh thợ vẽ truyền thần Thịnh đông lên. Họ “đưa ra những tấm ảnh nhỏ xíu, phần chân dung còn sót lại của những người ruột thịt vĩnh viễn không trở về”, những người có giấy báo tử chính thức hoặc chưa cần chính thức. Những chân dung ông già bà lão “dần biến mất khỏi giá vẽ, nhường chỗ cho những chàng trai tươi rói đáng tuổi cháu, con”.

Miêu tả của Trần Quốc Huấn giản dị, chuẩn xác. “Những tấm ảnh phai ố, nhòe nhoẹt vì thời gian và cả vì nước mắt thấm vào”. Còn ảnh những chàng trai chụp trước ngày nhập ngũ: “Người ôm cặp sách trên tay, người đứng cạnh con trâu cái cày. Thậm chí có người tay xách toòng teng con cá, vai vác cần câu...”. Trong Thời xa vắng, Lê Lựu viết “Anh khao khát em mình có mặt ở nơi nguy hiểm”. (Anh ở đây là Tính, anh trai của Giang Minh Sài. Khao khát có mặt nơi nguy hiểm để được thử lửa chiến trường). Trần Quốc Huấn cũng có được cái giọng tỉnh khô khi viết về những bi kịch chiến tranh.  “Thần chết sáng suốt đã đột ngột dắt mẹ Thịnh đi cách đây nửa năm, để bà sớm sủa thoát khỏi cơn tao loạn khôn lường này”. Cơn tao loạn đó bắt đầu vào năm 1965 khi Mỹ ném bom một thành phố thuộc tỉnh lẻ nọ khiến mọi người tao tác tìm nơi trú ẩn và sinh sống an toàn hơn.

Đọc lại giải Nhất truyện ngắn một thời ảnh 1

Bìa cuốn “Người lính kèn về làng”.

Người lính kèn về làng là kịch bản phim, dung lượng truyện dài, mô-tip người lính trở về từ chiến trường, lạc lõng trong cuộc sống ở làng quê xơ xác, được nhà văn Bảo Ninh ca ngợi hết lời. Trong làng có người lính trẻ lên đường nhập ngũ được ít ngày thì yếu lòng, quay về. Chỉ một đêm thôi, anh được vợ động viên trở lại chiến trường, nhưng sau đó chị đã kịp cho ra đời đứa con bé bỏng trong con mắt nghi kỵ phán xét của người làng, nhất là chị chồng, đến nỗi phải bỏ làng mà đi dù Thái, người lính kèn về làng, đã đứng ra nhận trách nhiệm về đứa con.

Mấy chục năm, giờ đọc lại những câu chuyện, tình tiết kiểu “Bến không chồng” như thế này có thể thấy phi lý, vì người vợ đó có thể giấu ai chứ với chị chồng thì không cứ. Dù gì cũng em ruột, và anh cuối cùng vẫn trở thành người lính thực thụ, thậm chí còn bị báo tử (dù nhầm). Nhưng có lẽ thời đó là thế, những nếp nghĩ nếp hằn- động cơ tốt thôi nhưng trói buộc chính mình và người thân vào những khuôn mẫu chật chội, trong khi cuộc mưu sinh đủ khốn khổ rồi. Cảnh dân làng khu xử, bêu những người đào ngũ giờ đọc thấy rợn nhưng là một phần của “thời xa vắng” ấy. 

Những năm sau đấy, truyện ngắn đầu tay của Trần Quốc Huấn in báo Tiền Phong năm 1977. Theo nhà văn Trần Đức Tiến, bạn thân và đồng hương Nam Định của Trần Quốc Huấn thì ngay biên tập viên NXB Trẻ Lê Hoàng Anh vợ anh cũng không biết điều này. Biết gia đình định ra tập cho anh, Trần Đức Tiến mới mách bảo thế là chị Hoàng Anh cùng nhà thơ Hữu Việt ra thư viện Quốc gia chụp trang báo cũ. Theo Trần Đức Tiến, thời điểm 1977, “sự kiện” Trần Quốc Huấn có truyện in Tiền Phong đã cổ vũ bạn bè yêu văn chương ở khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội rất nhiều.

Trước và sau Trần Quốc Huấn, giải Nhất Văn nghệ Quân đội với Có một đêm như thế, Bức thư gửi mẹ Âu Cơ... từng gây sốt trong giới. Giờ đọc lại Có một đêm như thê của Phạm Thị Minh Thư (giải Nhất năm 1981) vẫn thấy xúc động, thấy một cách viết không đơn giản, vừa cực kỳ mơ mộng vừa lý trí và khác hẳn các cây bút đương thời. Còn tạng của Trần Quốc Huấn là sự chỉn chu kỹ lưỡng, điềm tĩnh, chậm rãi, không tân kỳ, cũng một tông rất hợp Văn nghệ Quân đội. Nhân vật anh chọn, đa số đều lạc thời, và giản dị từ cái tên trở đi: Phái, Toại, Lạng... Đọc lại truyện ngắn của Trần Quốc Huấn để thấy một thời đạn bom một thời hòa bình quả thật đã xa vời mà lớp trẻ hôm nay có thể không cảm nổi. Từng có những tháng ngày gian khó khổ đau ngoài sức chịu đựng, những mất mát thua thiệt không gì bù đắp nổi, nhất là những người từng xông pha trận mạc. Quả thật, đã có một thời như thế tương ứng với văn chương như thế.

Nhà văn Trần Quốc Huấn, biên kịch - đạo diễn phim: Phần đời không muốn nhớ, Người lính kèn về làng. Biên kịch, phó đạo diễn phim Kiếp phù du. Phó đạo diễn phim Đêm hội Long Trì, Đồng đội... Tập Người lính kèn về làng gồm các truyện: Vùng biển thẳm, Bên ấy trước có người ở, Người đi đêm không sợ ma, Mùa trái rụng nhiều, Người lính kèn về làng, Đám mây màu hồng, Lạc chuồng, Những năm sau đấy. Từng nổi lên khi đăng quang giải Nhất truyện ngắn và làm phim, viết phê bình, Trần Quốc Huấn lại từ bỏ văn chương khá sớm. Từng đi bộ đội, tốt nghiệp khoa Ngữ Văn trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, khoa đạo diễn (khóa Tu nghiệp) trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, ông có 10 năm làm đạo diễn ở Hãng phim truyện 1, Phó Giám đốc Cung Văn hóa Lao động TPHCM cho đến khi về hưu. Năm 2014, ông qua đời vì bệnh trọng ở tuổi 63.

MỚI - NÓNG