Đôi điều với những người viết trẻ

Đôi điều với những người viết trẻ
TP - Hiện tượng nhà thơ một bài, một vài câu thời nào cũng có. Nhưng tôi muốn nói đến sự lóe sáng của nhiều cây bút trẻ rồi sau đó tắt lịm! Phải chăng họ viết theo bản năng!
Đôi điều với những người viết trẻ ảnh 1
Trao giải “Tác phẩm tuổi xanh” tháng 3/2001  Ảnh: Phạm Yên

Bây giờ, rất nhiều tờ báo có trang văn nghệ, có “đất” cho những người viết trẻ, lại có cả một tờ báo Văn nghệ trẻ, cả những cuộc thi “bút mới”, “bút trẻ”… Nhưng cách đây hơn 10 năm, những cây bút trẻ khó có chỗ đứng trên văn đàn, khó chen chân vào các tờ báo có uy tín.

Trước tình hình đó, báo Tiền phong và Trường Viết văn Nguyễn Du có sáng kiến phối hợp tổ chức cuộc thi  “Tác phẩm tuổi xanh”. Cuộc thi đã thành công ngoài sự mong đợi của nhiều người. Sau cuộc thi, “Tác phẩm tuổi xanh” lần thứ nhất, báo Tiền phong tiếp tục các cuộc thi “Tác phẩm tuổi xanh” và sau đó trên các số báo Tiền phong đã có hẳn một chuyên mục “Tác phẩm tuổi xanh” dành cho các cây bút trẻ từ 35 tuổi trở xuống.

Những cây bút đoạt giải qua các cuộc thi “Tác phẩm tuổi xanh” nhiều người bây giờ đã là các tác giả có tên tuổi như Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Trần Thanh Hà, Vũ Thị Huyền v.v…

Công bằng mà nói, nhiều cây bút trẻ bắt đầu từ “Tác phẩm tuổi xanh” ngày càng  tự khẳng định mình trên văn đàn như Lê Thị  Thu Thủy, Bình Nguyên Trang, Hồ Thị Hải Âu, Đỗ Huy Chí, Lưu Sơn Minh, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Vĩnh Tiến, Vi Thùy Linh v.v…

Tuy nhiên, ngay cả những cây bút trẻ trụ lại được với bạn đọc cũng còn nhiều băn khoăn trên con đường Văn học mà cái đích xa vời… Có những người, khi mới xuất hiện phải nói là lóe sáng lên, cháy hết mình, để lại nhiều mong đợi cho người đọc như  Đinh Thị Thu Hiền (Nghệ An), những bài thơ, những câu thơ của Hiền ngày ấy là niềm háo hức của nhiều bạn đọc, những câu thơ như “Mồ anh đó, tôi chôn bằng nước mắt”, vẫn còn in đậm trong trí nhớ của nhiều người.

Nhiều câu thơ tài hoa vừa giàu tính truyền thống vừa mới mẻ của thời hiện đại như “Những sông trắng cát, những đèo trăng lan, bây giờ em bỏ đi đâu, để tôi nheo nhóc những câu thơ tình” của một tác giả tên là Hạnh – cái tên bây giờ ít người nhớ, cả những câu thơ của Đỗ Huy Chí vừa trẻ con lại vừa người lớn “Cái thời bỏ túi viên bi/vừa cho nhau đó có khi lại đòi/và em  và bạn, và tôi…” hoặc “Mình sao chẳng bảo được mình/gặp bao nhiêu lại đa tình bấy nhiêu” (Lê Thị Thu Thủy)… ai bảo không phải là những câu thơ hay!

Hiện tượng nhà thơ một bài, một vài câu thời nào cũng có. Nhưng tôi muốn nói đến sự lóe sáng của nhiều cây bút trẻ rồi sau đó tắt lịm! Phải chăng họ viết theo bản năng! Mà nhà văn, nhà thơ theo nghĩa đích thực của từ này thì phải là một nhà văn hóa.

Thi hào Nguyễn Du đã nói “Đoạn đường ai có qua cầu mới hay”. Phải sống thế nào trong cuộc đời mới có thể sáng tạo ra một cuộc đời khác trong văn chương! Ngoại trừ những người viết trẻ muốn dùng  văn  chương như là sự trang điểm cho danh vọng hão huyền của mình, còn những người muốn đến với văn học đích thực có lẽ phải sống hết mình, gắn bó hết mình với đất nước với niềm vui, nỗi khổ của con người và cũng phải suốt đời học và học suốt đời… đọc sách mà không đòi nghĩa sách như Nguyễn Trãi xưa đã dạy.

Có những người ra hàng chục tập thơ, hàng chục cuốn tiểu thuyết, hội viên này khác nhưng họ không thể coi là nhà văn, nhà thơ khi mà tác phẩm của họ không ai nhớ được bài nào, câu nào… không để lại cho đời một ý tưởng nào cả.

Trong văn chương, nghệ thuật mà không có tài thì dù cố gắng đến mấy, gọt dũa đến mấy cũng chẳng thành. Nhưng, nói như thi hào Nguyễn Du “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, ấy cũng là một lẽ. Chẳng ai dạy cho ai được điều gì trong văn chương… Chỉ có sự thành bại của người này, người khác, sự ra đời những ý tưởng mới lạ, thấm đẫm nhân văn… là sự thức tỉnh và kích thích chúng ta – những người cầm bút vươn tới những tác phẩm đích thực…

Dẫu vậy, cũng phải có sự bắt đầu. Những người bắt đầu cầm bút mà gặp được một người biên tập, một nhà xuất bản, một tờ báo, một cuộc thi, một chuyên mục thực sự vì văn chương đó chính là mảnh đất ươm trồng rất tốt. Ấy  là tôi lại muốn nói đến những điều mà tờ báo Tiền phong cũng như nhiều nơi khác đã làm vì những người viết trẻ.

MỚI - NÓNG