Đội mũ đeo nơ xem đua ngựa

Tụ tập xem đua ngựa hay xem nhau. Ảnh: L.T.Q
Tụ tập xem đua ngựa hay xem nhau. Ảnh: L.T.Q
TP - “Mũ anh càng lớn thì tài sản anh càng nhỏ” (ngạn ngữ Úc).
Tụ tập xem đua ngựa hay xem nhau. Ảnh: L.T.Q
Tụ tập xem đua ngựa hay xem nhau. Ảnh: L.T.Q.
 

Năm nay mốt đội mũ và đeo nơ giống như nữ quí tộc thế kỷ 18,19 trở lại. Song hầu hết chị em không đội những chiếc mũ nghiêm trang như của nữ hoàng và các công nương Anh, hay quá cầu kỳ kiểu cách như mẫu của Coco Chanel ngày trước.

Riêng ở Úc, ngày hội đua ngựa mùa xuân cúp Melborne với thời trang nơ mũ của chị em lại mang tính truyền thống. Đây không phải là cuộc chơi thời thượng mà là sự kiện thể thao, giải trí và thời trang rất Úc.

Nhìn cách người ta chơi cũng giúp ta hiểu hơn về văn hóa, lối sống hay phong cách của người khác. Tháng 11 này tôi đã gặp may khi lạc vào cuộc chơi ở Brisbane, thủ phủ bang Queensland- ngày hội đua ngựa nhà nòi mang tên Melbourne Cup.

Theo truyền thống, từ năm 1861 hội thi này tổ chức hàng năm vào ngày thứ ba tuần đầu tiên tháng 11 tại Melbourne, thủ phủ bang Victoria, được người dân toàn nước Úc hưởng ứng.

Trước đó, tôi cứ băn khoăn tự hỏi, rốt cuộc thì người Úc khác với dân các nước khác ở điểm gì, khi mùa xuân nước Úc không khác gì mùa xuân ôn đới châu Âu hay Mỹ, và những địa danh Úc thường có gốc thổ dân hoặc từ châu Âu? Đi qua nhiều vùng đất và thị trấn, tôi gặp người dân mọi lứa tuổi. Nhiều người như bước ra từ những cuốn tiểu thuyết viễn xứ như Những con chim ẩn mình chờ chết, mộc mạc nhưng đầy chất thơ.

Tại thị trấn nhỏ Charters Towers ở phía Bắc bang Queensland, tôi thấy những tượng sáp do các nhà điêu khắc nghiệp dư dựng lại hình ảnh của những thường dân - một bà nội trợ, một em nữ sinh hay một thợ đào vàng.

Tiểu sử của tượng rất ngắn ngủi bình dị - sinh sống ở đâu, thời gian nào, làm việc gì- vì họ đâu phải anh hùng hay vĩ nhân mà có thành tích đặc biệt. Trên tường Tòa thị chính Warwick lại treo trang trọng bảng ghi công một đội bóng bầu dục nghiệp dư, ngày họ đăng lính và hi sinh trong đại chiến thế giới thứ nhất.

Chỉ khi chứng kiến ngày hội Melbourne Cup, tôi mới hiểu hơn tinh thần và phong cách của người dân ở đây. Người Úc tôn vinh những nhân vật bình thường vi họ thật sự coi trọng những điều bình thường nhất với một tinh thần cởi mở đặc biệt.

 

Phải chăng quốc gia trẻ mới có vài trăm năm tuổi này thiếu vắng anh hùng, khiến người dân phải ghi nhớ và kỉ niệm người bình thường? Chính người Úc thường tự trào rằng ở Úc chỉ có ba loại anh hùng: Các cầu thủ cricket (bộ môn thể thao được yêu thích nhất ở Úc), các tay hảo hán bị tầm nã (những người tù biệt xứ, tiền nhân của người Úc hiện đại), và những chú ngựa nòi (trong các ngày hội cá cược thể thao).

Tổ chức ở Melbourne, cúp đua ngựa được hưởng ứng trên khắp nước Úc. Đây không chỉ là ngày hội thể thao mà còn là ngày hội ăn uống và cá cược. Đường phố và các quán ăn Brisbane đông nghẹt quí ông dán mắt vào màn hình theo dõi các cuộc đua qua và các quí bà ăn vận lộng lẫy, với nhiều kiểu nơ và mũ độc đáo. Trang phục lộng lẫy, hò reo hết mình.

Trước ngày hội, chị em náo nức đi sắm về những kiểu nơ và mũ hợp với mình. Các cô gái trẻ tóc vàng thường chọn kiểu nơ đơn giản màu thẫm. Quí bà trung niên mập mạp thích mũ rộng vành sặc sỡ. Tóc ngắn thì đeo một chiếc nơ hình mũ xinh xinh trên đỉnh đầu, tóc dài thì búi lệch và cài thêm bông hoa kết ruy-băng. Đủ màu đủ kiểu.

Nhiều nàng khoác tay chàng của mình, nhiều nàng tụ lại thành nhóm ba hoặc bốn người diễu qua các phố một cách hãnh diện. Tuyệt nhiên không thấy vẻ mặt lo lắng nhợt nhạt của các tay cá cược nhà nghề. Dọc hai bờ sông Brisbane nhất là mạn gần phía chân cầu Story, những quán hàng đông nghịt vang tiếng hò hét, vui vẻ thoải mái.

Cách đây vài hôm một tờ báo mạng trong nước, khi tường thuật một sự kiện thời trang, có đưa nhận xét không mấy thiện chí, cho rằng thời trang đội mũ là “sến”. Đúng là việc đội mũ đeo nơ cùng với các bộ cánh hiện đại nếu không cẩn thận sẽ dễ lạc điệu, kệch cỡm, hay “sến”. Nhưng nếu “sến” là để hòa mình vào một cuộc vui cộng đồng, giản dị và hết mình thì rất nên chứ.

Giống như quan niệm của người Úc, làm gì thì làm, chăm chút chút ít cho vẻ đẹp của bản thân chẳng hạn, thì anh hãy cứ khiêm nhường, đừng có “thùng rỗng kêu to” là được. Câu ngạn ngữ Úc có ý nghĩa tương tự “Mũ anh càng lớn thì tài sản anh càng nhỏ” (các điền chủ Úc thường đội mũ rộng vành), trong những cuộc vui kiểu Melbourne Cup lại được nói lái hài hước là “Mũ chị càng lớn thì váy chị càng ngắn”. Có ý là đừng quan tâm nhiều đến lề lối, hãy vui hết mình. Nói chung vui là chính, người Úc bảo thế.

Và tôi, khi về lại Việt Nam, chắc sẽ chạy ngay vào chợ Bến Thành thửa cho mình một chiếc mũ vui mắt, sẵn sàng cho một buổi tiệc tùng nào đó.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.