Đơi Yakuza - chuyện của đàn ông

Bàn tay yakuza qua ống kính của Anton Kusters (Hà Lan)
Bàn tay yakuza qua ống kính của Anton Kusters (Hà Lan)
TP - Không phải tác phẩm văn chương lớn nhưng vẫn độc đáo, Đời Yakuza (NXB Lao Động- 2013) là những ghi chép của một bác sĩ dựa theo lời kể của bệnh nhân già vốn là đại ca yakuza. Có vẻ yakuza đời trước không hẳn như những gì chúng ta hình dung…

Tất nhiên cũng phải trừ hao vì người trong giới dễ chỉ nói mặt tốt của mình. Nhưng toàn bộ câu chuyện toát lên vẻ chân thật của một người bệnh cận kề cái chết.

Ông thậm chí còn hy sinh những tháng cuối đời ở bên cố nhân chỉ để kể lại đời mình. Tác giả - bác sĩ Saga Junichi (sinh 1941), có sở thích ghi chép hồi ức các bệnh nhân, bộc bạch: “Tôi chỉ ước giá như khi ấy mình hỏi ông thêm nhiều điều và chi tiết hơn nữa, nhưng ông đã đi rồi…”.

Vì sao danh từ “yakuza” được giữ nguyên trong các ngôn ngữ khác. Bởi cũng như samurai, geisha hay ninja, nó là thứ đặc sản chỉ Nhật Bản mới có, dịch ra chẳng hạn là mafia hay “xã hội đen” e rằng không truyền tải được hết ý nghĩa.

Chính tính cách Nhật đã tạo nên những đặc sản đó. Người Nhật làm gì cũng phải tới nơi tới chốn, nhất là xét trên phạm trù mỹ học. Theo quan điểm đó, có là một yakuza thì sống vẫn phải đẹp.

Đơi Yakuza - chuyện của đàn ông ảnh 1

Bìa Đời Yakuza

Đời yakuza tả lại những thăng trầm trong đời Eiji - trùm một băng yakuza ở Asakusa - Nhật Bản những năm 1920. Từ người làm công lang thang, anh chàng lọt mắt một thủ lĩnh ngầm, trở thành yakuza năm 17 tuổi và nhanh chóng leo lên vị trí ông trùm.

Có thể thấy chìa khóa thành đạt của Eiji không phải là bạo lực hay mưu mẹo mà chính là nghĩa khí. Eiji khi chưa là yakuza từng không đồng tình với hành động lấy tiền của xác chết sau thảm họa động đất, mặc dù khi đó cậu cũng rất đói và trắng tay.

Xem ra yakuza thời kỳ đó khá giống một loại công việc làm ăn của những người xuất phát từ tầng lớp bình dân. Hoạt động của yakuza những năm đầu thế kỷ XX chỉ gói gọn trong việc tổ chức đánh bạc. Nếu kiếm tiền bằng cách khác, họ sẽ bị chính người trong giới coi thường. 

Muốn làm ăn được, yakuza bên cạnh việc chiều khách hàng là những con bạc, còn phải rất biết sợ cảnh sát. Và không chỉ có thế. Sách viết: “Yakuza thời ấy rất coi trọng tiếng tăm và danh dự, nên mối quan hệ với hàng xóm và dân thường rất quan trọng. Lúc nào họ cũng cố gắng lịch sự với mọi người, dù đó là ai”.

Cả đời, hình như Eiji chỉ duy có một lần giết một tên đồng đảng “vô văn hóa” để cứu đàn em mà thôi. Ông sẵn sàng chịu mọi sự tra tấn, tù đầy để bảo vệ “tổ chức”. Trong các cuộc giao tranh của yakuza, bên thắng cuộc sẽ lấy làm hãnh diện vào tù (bên thua cuộc nhiều khả năng đã từ giã cõi đời). Thời gian trong tù, anh ta được tổ chức trả lương và khi ra mãn hạn, được “đồng đội” đón tiếp từ cửa nhà giam như người hùng.

Khi một yakuza làm điều gì đó vi phạm nguyên tắc của tổ chức, anh ta cứ việc tự cắt một đốt ngón tay để chuộc lỗi. Hai đốt ngón tay của Eiji ra đi đều vì một phụ nữ, để trả giá cho hai khoảng thời gian ngắn ngủi ở bên nàng. Bản thân Eiji bỏ nhà lên Tokyo rồi trở thành yakuza cũng vì một bóng hồng. 

Tuy nhiên, Eiji lại không đả động nhiều đến đời sống tình ái của mình. Truyện không có những đoạn miêu tả cảm xúc hay tâm lý lâm ly. Tình yêu được thể hiện chủ yếu qua hành động. Tất nhiên, việc phân tán tâm sức cho tình yêu đôi lứa không được yakuza khuyến khích. Tuy nhiên, Eiji rõ ràng không phải người lúc nào cũng sống theo khuôn khổ. Nếu không, các ngón tay của ông có khi vẫn còn nguyên.

Đời yakuza kể toàn những chuyện đàn ông, đậm đặc nam tính nhưng không vì thế mà không mang bóng dáng sâu đậm của phụ nữ dù họ chỉ được phác qua vài nét. Tuy không được khai thác sâu nhưng các nữ nhân đều có những nét cá tính xứng đáng là đối trọng với nhân vật nam.

MỚI - NÓNG