Đờn ca tài tử - nghệ thuật ngẫu hứng hàng đầu thế giới

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (phải) và danh cầm Bảy Bá, tức soạn giả Viễn Châu - tác giả của hơn 2.000 bài vọng cổ và trên 70 vở cải lương
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (phải) và danh cầm Bảy Bá, tức soạn giả Viễn Châu - tác giả của hơn 2.000 bài vọng cổ và trên 70 vở cải lương
TP - Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền tin ở khả năng nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ sẽ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (phải) và danh cầm Bảy Bá, tức soạn giả Viễn Châu - tác giả của hơn 2.000 bài vọng cổ và trên 70 vở cải lương
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (phải) và danh cầm Bảy Bá, tức soạn giả Viễn Châu - tác giả của hơn 2.000 bài vọng cổ và trên 70 vở cải lương . Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh có thể giúp bạn đọc khoanh vùng đối tượng của hồ sơ đờn ca tài tử trình UNESCO? Nó có bao gồm cả (sân khấu) cải lương?

Vấn đề chia tách đờn ca tài tử và cải lương đã được giới nghề tranh cãi từ hàng chục năm trước. Nền ca nhạc tài tử vốn bắt nguồn từ nhạc lễ, nhạc tuồng và nhạc thính phòng Huế, lúc đầu người ta gọi là phong trào đàn cây, phổ biến ở Nam bộ từ cuối thế kỷ 19.

Đầu thế kỷ 20, từ phong trào này, bắt đầu hình thành những nhóm chơi nhạc định danh, lưu truyền và quảng bá nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp cao. Từ nhu cầu ứng diễn thực tế với những nội dung dài hơi, hình thức ca ra bộ ra đời và rất nhanh sau đó, sân khấu cải lương hình thành, lấy kho tàng bài bản cổ nhạc vốn có của ca nhạc tài tử làm cơ sở.

Trên sân khấu, tính chuyên nghiệp là một yếu tố quan trọng, khiến dòng nhạc phát triển nhanh chóng, đến mức chi phối ngược lại nguồn cội của nó cả về cấp độ kỹ thuật cũng như hệ thống bài bản.

Nhạc tài tử lúc đầu dựa trên cơ sở 20 bản Tổ, về sau được bồi đắp, phát triển nở rộ theo thời gian. Thực tế, phong trào đờn ca tài tử là môi trường sinh hoạt dân gian song hành cùng sân khấu cải lương suốt một thế kỷ qua.

Hồ sơ Nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam bộ được Viện Âm nhạc xây dựng từ tháng 8-2010, nếu kịp hoàn thành và trình UNESCO trong tháng 3-2011, chúng ta sẽ được biết kết quả vào giữa năm 2011. Hiện có khoảng 2.500 nhóm đờn ca tài tử đang sinh hoạt tại 21 tỉnh, thành phố thuộc Nam bộ.

Chính phong trào đó là cái nôi đào tạo, nuôi dưỡng những tay đàn, giọng ca xuất chúng để cung cấp nhạc công, diễn viên cho sân khấu cải lương. Bởi vậy, có thể coi tài tử và cải lương là hai môi trường diễn xướng của cùng một loại cổ nhạc. Đại thể, cùng một bản nhạc, nếu ngồi đờn ca chơi thì gọi là tài tử, còn dùng trong tình huống kịch của vở diễn thì gọi là cải lương.

Do tên gọi hồ sơ cố định từ đầu nên đối tượng sưu tầm nghiên cứu trước nhất phải là những nghệ sĩ nằm ngoài dân gian. Tuy nhiên, nếu không đề cập tới cải lương thì cũng có nghĩa chúng ta vô tình bỏ qua biết bao thế hệ danh ca, danh cầm lừng lẫy tên tuổi.

Rất may sự dung hòa là điều mà các nhà chuyên môn của Viện Âm nhạc đã làm được, những gì được coi là tinh chất đỉnh cao nghệ thuật âm nhạc đều được tiến hành khảo sát. Còn có nhắc đến những thành tựu sân khấu một thế kỷ hay không? Đó là chuyện mà người chấp bút cuối cùng sẽ phải quyết định.

Về mặt khối lượng, đây có lẽ là di sản phong phú nhất mà Việt Nam từng giới thiệu ra thế giới?

Có thể khẳng định nhạc tài tử- cải lương là di sản có hệ thống bài bản lớn nhất trong nền âm nhạc dân tộc với con số trên 300 bài bản lớn nhỏ. Đây cũng là thể loại mà kỹ thuật độc tấu, hòa tấu đàn dây người Việt phát triển ở mức độ cao nhất. Hơn thế, đây cũng là thể loại nhạc được phổ biến khắp ba miền Nam- Trung- Bắc chứ không khu biệt vùng miền như nhiều thể loại khác. Còn rất nhiều cái nhất khác mà không thể kể hết!

Anh có thể cho biết thêm vài đặc thù của tài tử- cải lương so với các di sản âm nhạc dân tộc khác?

Nhạc tài tử- cải lương đã thừa hưởng sức sống mạnh mẽ của dòng chảy nhạc Việt theo bước chân di cư về phương Nam. Điều đặc biệt hơn cả là so với các thể loại cổ hơn như chèo, tuồng, nhạc Lễ, nhạc Cung đình, thính phòng Huế..., tài tử- cải lương có cấu trúc bài bản rộng mở hơn nhiều.

Đó chính là tiền đề cho “mảnh đất” ngẫu hứng hết sức lớn của người diễn tấu. Điều kiện thi thố tài năng của mỗi cá thể cũng theo đó phát triển hết mức. Ở đây, phần lớn bài bản chỉ có nghĩa như một phác đồ cơ bản để các tài năng thể hiện dấu ấn cá nhân với cấp độ cao.

Về màu sắc âm nhạc, tài tử- cải lương cũng tỏ ra vượt trội hơn những thể loại đàn anh với 7 hơi nhạc: Bắc, Nhạc Lễ, Đảo, Quảng, Xuân, Ai, Oán. Bên cạnh sự kế thừa truyền thống dân tộc, sẽ thấy cả những yếu tố nhạc điệu mới du nhập từ bên ngoài, nhưng điều đặc biệt là tất cả đều được Việt Nam hóa tài tình với phương thức ngẫu hứng trên lòng bản.

Một trong những điều lý thú nhất là trong khi ở hệ thống nhạc viện miền Bắc, người ta thi nhau cải tiến các nhạc cụ dân tộc theo xu hướng Tây hóa thì ở Nam bộ, các nhạc sĩ tài tử- cải lương làm ngược lại. Họ đã Việt hóa thành công 3 nhạc cụ phương Tây là guitar, violon và guitar hawaii để diễn tấu hiệu quả các bản cổ nhạc.

Còn thực trạng của đờn ca tài tử? Và các biện pháp cần thiết để bảo tồn và phát huy di sản này?

Nghệ nhân lừng danh đất Bắc- Kim Sinh từng nói: “Bao giờ Nam bộ hết cỏ thì mới hết danh cầm”. Nguy cơ mai một có lẽ chưa bao giờ là vấn đề đối với đờn ca tài tử. Thời nào cũng nổi lên những tài năng xuất chúng. Thế nên biện pháp bảo tồn và phát huy ở đây rõ ràng sẽ không giống với những thể loại cổ nhạc Việt Nam khác. Vấn đề đặt ra có lẽ chỉ là làm sao để hỗ trợ, nuôi dưỡng những tài năng mà thôi.

Anh nghĩ sao về khả năng được UNESCO công nhận của đờn ca tài tử?

Tôi hoàn toàn tin tưởng điều đó sẽ thành sự thật, nếu không thì vô lý quá! Với cá nhân tôi, trong suốt hơn 20 năm làm nghề, đờn ca tài tử thực sự là một thể loại nhạc có tiềm năng nghệ thuật ngẫu hứng thuộc vào loại hàng đầu trên thế giới.

N.M.Hà

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.