'Đốt vàng mã nhiều thể hiện lòng hiếu nhưng cũng bộc lộ lòng tham của con người'

Ảnh: Duy Phạm
Ảnh: Duy Phạm
TP - “Đốt vàng mã nhiều vừa thể hiện lòng hiếu nhưng cũng bộc lộ lòng tham của con người”, TS Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục nói với PV Tiền Phong.

Là người nghiên cứu phong thủy, tín ngưỡng tôn giáo, TS Nguyễn Văn Vịnh nhiều lần lên tiếng phản đối việc đốt vàng mã quá nhiều của người Việt. Thực tế, tục đốt vàng mã xuất phát từ việc con người có quan niệm tồn tại thế giới người sống và người đã khuất. Nhiều nền văn hóa cổ xưa có tục tuẫn táng-nhà giàu chôn theo của cải, thậm chí gia nhân. Sau hình thức dã man này được thay thế bằng hiến sinh, hoặc thay bằng làm tượng, hình vẽ để cúng tế.

“Việc cúng tế thần linh và người đã khuất mang tính biểu trưng và hình tượng thành ra cúng ít nhiều như nhau, không thể nói đốt nhiều tốt hơn đốt ít. Điều này thể hiện ở chỗ, khi người ta in mệnh giá tiền lên tờ giấy vàng mã, mệnh giá nhỏ hay lớn không ảnh hưởng lắm tới chi phí sản xuất. Vì thế việc đốt vàng mã cũng mang tính biểu trưng mà thôi”, TS Nguyễn Văn Vịnh nói.

Nói tuyệt đối không đốt vàng mã e khó khả thi, người dân có đốt chỉ nên ở mức rất vừa phải, nhỏ nhắn. “Coi Vu lan để báo hiếu, người sống đốt nào quần áo, vàng thoi, xe cộ, nhà lầu, xe hơi... Nói thật các cụ mất lâu rồi mà đưa đồ hiện đại quá e khó vận hành. Việc đốt vàng mã để thỏa mãn lòng hiếu và cũng thể hiện lòng tham của con người. Khái niệm "tốt lễ dễ nói" là khái niệm dân gian, nhưng rất xấu, chính là hình thức hối lộ”, TS Vịnh nói.

Tín ngưỡng dân gian và tư tưởng Phật giáo hòa quyện trong nhiều tập tục, tuy nhiên đốt vàng mã ở chùa lại là hình thức biến tướng và bị hiểu sai lệch. Ranh giới giữa chánh tín và mê tín vô cùng mong manh, quan niệm của người dân về tục đốt vàng mã hay cầu an thuộc về vấn đề siêu hình, không cân đong đo đếm được.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký GHPGVN cho rằng mưu cầu bình an chính đáng, nhưng nên tránh để rơi vào trạng thái cực đoan tiêu cực. “Điều căn bản nằm trong sự nỗ lực của chính mình. Không thể nào chúng ta nghĩ rằng thành tựu của bản thân lại được quyết định và chi phối bởi một thế lực siêu hình nào đó. Phật giáo không có quan niệm như vậy. Nhưng Phật giáo đem cho chúng ta ngọn hải đăng, đại lễ cầu an chính là ngọn hải đăng cho chúng ta hướng tới bằng sự nỗ lực. Phật giáo bao giờ cũng nhấn mạnh tới nội lực của mỗi người, chứ không phải là tha lực ở đâu đó đem đến cho chúng ta những may rủi”, Thượng tọa nói.           

MỚI - NÓNG