Dư Thị Hoàn: Từng có 'Tan vỡ' gây chấn động, xuất hiện sau 10 năm đi tu

Nhà thơ Dư Thị Hoàn (bìa trái) tại buổi gặp mặt
Nhà thơ Dư Thị Hoàn (bìa trái) tại buổi gặp mặt
TP - Nhà thơ Dư Thị Hoàn xuất hiện cùng thời với Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài... và nhanh chóng định danh cho mình với tập thơ đầu tay “Lối nhỏ”. Bài thơ nổi tiếng nhất của nhà thơ - “Tan vỡ” có những câu gây chấn động thời bấy giờ: “Sau phút giây/ êm đêm trên ghế đá/Anh quên không cài lại khuy áo ngực cho em”.

Sáng chủ nhật (29/9), nhà thơ xuất hiện ở Hà Nội, sau gần mười năm đi tu, ở ẩn.

Văn chương càng hay càng xa sự thật...

“Dư Thị Hoàn, hành trình không chú thích” là Chương trình Tháng Chín của Thư viện Ơ kìa. Đây là một buổi gặp văn chương khá đặc biệt, bởi trước đó nhân vật chính không hề muốn xuất hiện. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho biết, chị Mai (nhà nghiên cứu Hoàng Tố Mai) thuyết phục bà ra Hà Nội đã bị bà mắng té tát “để cho tao yên”. Nửa đầu buổi nói chuyện, Dư Thị Hoàn vẫn ngồi trong một căn phòng riêng, lắng nghe độc giả phân tích, bình luận thơ mình.

Nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm tiết lộ nhiều thông tin gây sốc với độc giả. Dư Thị Hoàn tên thật Vương Oanh Nhi, là con gái một gia đình gốc Hoa. Gia đình từng trải qua nhiều thăng trầm dâu bể. Vương Oanh Nhi từ một tiểu thư con nhà giàu đi lại bằng xe riêng, thoắt biến thành người phải đi chân đất đến trường, trải qua đủ nghề vất vả để mưu sinh. Bà từng bị điên, phải điều trị tâm thần, ba lần tự tử không thành.

Anh Tâm khẳng định, khi làm buổi tọa đàm này, ban tổ chức phải “khai quật một bút danh đã chôn đi”. Ba năm trước, Dư Thị Hoàn tổ chức lễ “rửa tay chậu vàng”, có nhiều bạn bè văn chương chứng kiến, tuyên bố không viết, không tham gia văn đàn.

Trong một cuộc phỏng vấn, nhà thơ chia sẻ, thực ra quyết định “bẻ bút” có từ trước đó, khi bà đọc được câu: “Văn chương càng hay càng xa sự thật”.

“Câu đó làm tôi choáng váng. Những gì tác giả viết ra, là cảm xúc của cái ngã rất lớn. Người viết khai thác tận cùng cái đau, cái vui của mình để chinh phục khán giả, nhưng sự thực không phải thế. Ví dụ “Dòng sông xanh” hay như thế, nhưng bao người đến đó chứng thực, họ bị thất vọng. Là vì sát na này khác sát na kế tiếp. Cảm xúc của tác giả không phải là sự thật của bản thể. Từ đó tôi không viết không đọc, từ chối văn đàn”.

Giải thích về sự trở lại lần này, Dư Thị Hoàn cho hay: “Khi tôi biết mô hình Ơ kìa của Nguyễn Hoàng Điệp có một cách tiếp cận văn chương không giống ai, với một con đường hoàn toàn mới, cách nhìn mới, không lặp lại dấu vết của người khác, tôi đồng ý. Tôi hy vọng sẽ có lớp khán giả đủ bản lĩnh từ chối, xóa sổ Dư Thị Hoàn. Đáng lẽ tôi không xuất hiện, coi như không ra Hà Nội, cho khán giả bình tâm, tự do, dân chủ tuyệt đối, để bình bàn, phản biện, chứ ca ngợi mãi chán rồi”.

Bài thơ gây scandal

Trong hai diễn giả, Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Hiếu là người duy nhất chưa gặp Dư Thị Hoàn. Anh nói rằng bài thơ hay nhất của Dư Thị Hoàn với anh không phải là “Tan vỡ” mà là “Thôn góa phụ”: “Cho anh tiễn em tới gốc đa/Thôi cảm ơn/Cho anh tiễn em qua chân cầu Gỗ/ Thôi, em cảm ơn lần nữa/ Anh chỉ tiễn em đến ngôi chùa đổ/ Thôi mà, khi khác, em xin/ Thế thì cho anh xin địa chỉ/ Kia kìa, đằng sau cơn mưa”.

Sau 30 năm giờ đây đọc lại, thơ Dư Thị Hoàn có tiếng vọng gì với đời sống hôm nay hay chỉ là những hình ảnh để chúng ta nhớ lại một giai đoạn đời sống văn nghệ sôi nổi, đột biến? Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu cho rằng, khi Dư Thị Hoàn xuất hiện, lịch sử văn học Việt Nam là lịch sử thống trị của nam giới. Phụ nữ là đối tượng để đàn ông tạo hình, họ không thoát khỏi số phận được mô tả từ lăng kính của chủ nghĩa gia trưởng. Tập thơ “Lối nhỏ” đánh dấu một thời điểm thơ nữ bớt đi chất duy cảm. Khác Xuân Quỳnh dào dạt cảm xúc, đẫm chất cảm thương. Thơ Dư Thị Hoàn điềm tĩnh, lạnh, khá bình thản. Nó có gì đó tỉnh táo và rất táo bạo.

Nói về bài thơ gây scandal “Tan vỡ” anh Hiếu dẫn chứng luận điểm của một tôn giáo: “Thân thể của tôi là luật của tôi” và cho rằng điều này rất tiêu biểu trong thơ Dư Thị Hoàn.

“Mở ngăn kéo rồi anh bỏ ngỏ
Bút viết xong không đậy nắp bao giờ
Ôi anh yêu, lơ đãng đến là
Con nai rừng của em…
Tất cả rồi dễ qua đi, qua đi
Chúng mình sẽ thành chồng vợ
Nếu không có một lần....
Một lần như đêm nay
Sau phút giây
Êm đềm trên ghế đá
Anh không cài lại khuy áo ngực cho em”.

Bình luận về bài thơ luôn gây tranh cãi này, Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu nhiều lần nhấn mạnh anh rất thích chữ “dễ”: “Cái tôi sợ nhất trên đời này là chữ dễ, cái dễ là đáng sợ. Người phụ nữ có thể chấp nhận người đàn ông vô tâm, nhưng đến mức không cài lại khuy áo, là dấu hiệu cho thấy người phụ nữ này ý thức về thân thể mình, sự tổn thương của mình, cô ấy đòi hỏi sự tôn trọng, cần được nhìn như một cái gì bình đẳng”.

Theo nghiên cứu cá nhân, anh Hiếu chia sẻ: Đây là bài thơ bình đẳng giới đầu tiên ở thơ ca hiện đại Việt Nam. So sánh với Nguyễn Huy Thiệp “đặt ra những vấn đề về xáo trộn, đảo lộn rất lớn” thì Dư Thị Hoàn chỉ quan tâm đến “thân thể tôi”. Đó là cách của phụ nữ, từ những thứ thật sự rất nhỏ, họ có thể mở ra những vấn đề rất lớn.

“Đừng nghĩ về sau thơ nữ mạnh bạo hơn, khoe thân thế này thế kia, đối với tôi, một cái nhìn vừa dễ tổn thương vừa cứng cỏi, vừa mềm mỏng vừa quyết liệt như “Tan vỡ” mới là mạnh mẽ”, anh kết luận.

Dư Thị Hoàn ở phía không thơ

Nhà nghiên cứu Hoàng Tố Mai từng có thời gian học chung trường Viết văn Nguyễn Du khóa IV với Dư Thị Hoàn kể: Bài thơ đầu tiên của Dư Thị Hoàn mà chị đọc là bài “Hãy nói với tôi”: “Tôi đội mũ phớt/Một đàn bà đẹp/Khi chít khăn hệt gã đàn ông/Có phải không nhỉ/Bắc ghế hỏi tấm gương/Cửa sổ khép kín nheo mắt cười”.

“Lúc đó chỉ thấy sao giống mình thế. Sau này khi làm nghiên cứu về nữ quyền, nghĩ lại, cũng là lý do tổ chức buổi hôm nay, từ cách đây hơn 30 năm Dư Thị Hoàn đã có thách thức về giới rất ngang tàng”, chị Mai tiết lộ.

Hoàng Tố Mai khẳng định đây là bài thơ chị thích chứ “bài Tan vỡ tôi lại không để ý lắm. Tôi không quan tâm chuyện cài lại áo vì đối với tôi quần áo ai người ấy mặc”.

Nhà nghiên cứu Hoàng Tố Mai có so sánh Dư Thị Hoàn với Kafka vì cả hai đều là những “miếng mồi béo bở cho giới nghiên cứu”. Họ có thể là ví dụ cho đủ loại lý thuyết phê bình, từ phê bình phân tâm, phê bình nữ quyền, đến phê bình sinh thái...

Nói thêm về phê bình sinh thái, chị Mai dẫn chứng bài “Tâm sự giàn hoa giấy” của Dư Thị Hoàn: Cây hoa giấy than phiền người chủ cắt hết cành lá cho hoa nở nhiều, hậu quả có lần hoa nở đỏ rực và không có lá. Nó tức giận và “Cơn thịnh nộ đỏ rực cả hiên nhà”. Nhà thơ phê phán thái độ can thiệp thô bạo vào tự nhiên, trong khi tự nhiên vốn đã đẹp.

Nhà nghiên cứu Hoàng Tố Mai kể một kỷ niệm vui: Khi vào lớp Viết văn Nguyễn Du được vài ngày, Dư Thị Hoàn hồn nhiên kể: Thực ra cô từng bị điên, phải đi chữa đấy!

Dư Thị Hoàn từng có thời gian dài kinh doanh và rất thành công. Ở nhà thơ có sự phân chia rạch ròi, đã là thơ thì không đi buôn, đã đi buôn thì không làm thơ. Nhà thơ có hai người con, hiện một người dạy toán kinh tế ở Đại học Úc, một người khác chơi guitar nức tiếng Hải Phòng, là chủ một trung tâm âm nhạc lớn nhất đất Cảng.

Khi Dư Thị Hoàn quyết định lên Đà Lạt đi tu, ở ẩn, bà giao toàn bộ tài sản cho con cái, bán một nửa bộ sưu tập ấm trà cá nhân lấy tiền mua đất, mua nhà sàn. Hiện bà và chồng, thi sĩ Trịnh Hoài Giang sống cuộc sống ẩn cư, hàng ngày đọc kinh niệm Phật ở làng Cù Lần, Đà Lạt và rất ít giao tiếp văn chương.

Dư Thị Hoàn tên thật là Vương Oanh Nhi, sinh năm 1947 tại Hải Phòng, quê gốc ở Trung Quốc. 
Tác phẩm đã xuất bản:
- Lối nhỏ (tập thơ, Hội Văn học Nghệ thuật Hải Phòng, 1988)
- Bài mẫu giáo sáng thế (tập thơ, 1993)
Mười năm trước, Dư Thị Hoàn quyết định dừng viết sau khi đọc được câu nói “Văn chương càng hay càng xa sự thật”. Bà lên Đà Lạt sống ẩn cư. Đến làng Cù Lần, hỏi Dư Thị Hoàn không ai biết, dân xung quanh chỉ biết một người là Lão Bà Bà. 

Dư Thị Hoàn: Từng có 'Tan vỡ' gây chấn động, xuất hiện sau 10 năm đi tu ảnh 1 Nhà thơ Dư Thị Hoàn và Trịnh Hoài Giang ở làng Cù Lần
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".