Dư vị nghỉ lễ

TP - 1/ Mấy ngày nghỉ lễ, lại hình ảnh những bãi biển quá tải, những cung đường đông nghịt trong cái nắng đầu hè. 

Quá tải từ Bắc vào Nam, nổi nhất có Sầm Sơn, Đồ Sơn... Báo chí mô tả những “bãi biển chỉ người và người” “cháy phòng cháy xe cháy tàu” “khổ sở tắm biển” “muốn xuống tắm phải vượt qua hàng chục nghìn người đứng kín bãi biển và mép nước”... Đến Đà Lạt mà cũng biến thành nêm cối. “Biển nhân tạo” mới khai trương ở khu du lịch Tuần Châu Hà Nội (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) mới bảnh mắt đã trương biển “hết vé”, không còn chỗ khiến hàng ngàn người ỉu xìu ra về với khăn gói quả mướp lỉnh kỉnh bên mình.

Người đến đâu để rác lại đấy. Nam thanh nữ tú cắm trại ở hồ Hàm Lợn (xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) với rác thải ngập ngụa chung quanh, không hiểu còn bao nhiêu sự lãng mạn. Du khách tắm ở đoạn trước đền Độc Cước, Sầm Sơn vui đùa ngụp lặn cùng dòng nước thải hôi thối nồng nặc gồm cua cá chết, rác bẩn trôi nổi và nước xả thải từ nhà nghỉ, khách sạn gần đó đổ thẳng ra biển... 

Thật quá “hoàn cảnh”. Ngồi nhà bốn ngày thì chồn chân hoặc áy náy với con cái. Mà bước chân khỏi cửa thì không còn thế chủ động. Du lịch, nghỉ dưỡng  thành ra hành xác, chen vai thích cánh, tranh đấu. Người nhìn người mà chết ngốt. Thôi thế thà mang tiếng lười, không chịu kích cầu du lịch còn hơn là nhắm mắt đưa chân, góp phần tạo nên bức tranh hỗn độn nhìn đã sợ. Ngồi nhà ít ra lại góp phần tạo không khí thanh bình vắng vẻ đến bất ngờ của thủ đô, mỗi năm chỉ hiếm hoi vài ngày.

2/ Vụ Trấn Thành xem ra lắng xuống, không phải vì anh đã lên tiếng xin lỗi. Việc xin lỗi này đâu phải lần đầu. Năm ngoái làm Tô Ánh Nguyệt remix bị phạt 32 triệu đồng, anh cũng xin lỗi. Vừa qua, ông Giám đốc Đài Truyền hình Vĩnh Long lên báo nói lại rằng không phải ông cấm cửa Trấn Thành mà chỉ thay thế chân giám khảo của anh trong gameshow Tuyệt đỉnh song ca nhí. Trước đó, Trấn Thành xuất hiện dày đặc trong vai trò giám khảo các gameshow của đài này: Làng hài mở hội, Thử thách người nổi tiếng, Cười xuyên Việt, Cùng nhau tỏa sáng... Chưa kể vô thiên lủng chương trình của đài khác kể cả đài trung ương.

Vấn đề ở chỗ đó. Các đài thổi nghệ sĩ từ vô danh lên thành nhân vật “hot” của công chúng, sau đó nghệ sĩ dùng nhà đài làm diễn đàn để tiếp thị. Đây là quan hệ cộng sinh, mỗi bên vừa là chủ thể vừa là tầm gửi đối với nhau, giờ trách nhau, cấm nhau cũng khó. Khán giả cũng không vô can bởi “còn cô bán rượu anh còn say sưa”, anh thích say thì người ta bán rượu cho anh. Dân trí, thẩm mĩ của khán giả và nhà sản xuất như thế nào thì nghệ sĩ mới tự tin phủ sóng từ trung ương đến địa phương, bật ti vi lên là thấy dù chẳng có gì mới. Lên báo thì quanh đi quẩn lại toàn phát ngôn vạ miệng, khóc lóc thương thí sinh bị loại, đời sống tình ái...

MỚI - NÓNG