Đưa 'nghệ thuật DMZ' Hàn Quốc vào Việt Nam

Tác phẩm ánh sáng, gió và âm thanh trong tự nhiên.
Tác phẩm ánh sáng, gió và âm thanh trong tự nhiên.
TP - Là ví dụ thực tế của sự chia cắt hai miền, ngôi làng nằm gần khu phi quân sự (DMZ) giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trở thành nơi trưng bày của nhiều dự án nghệ thuật cộng đồng nhằm thể hiện khát khao thống nhất của người dân và thu hút khách du lịch. Cách làm này có thể sắp được áp dụng tại một ngôi làng ở Việt Nam.

Nằm cách đường ranh giới phía nam DMZ khoảng 10km, thị trấn Dongsong, tỉnh Gangwon là trung tâm thương mại, văn hóa của khu vực. Trông giống một làng quê bình thường, nhưng thị trấn với 15.000 dân sinh sống này là ví dụ thực tế của tình trạng chia cắt hai miền Triều Tiên. Thị trấn này thuộc về Triều Tiên sau khi bán đảo giành độc lập từ Nhật Bản 70 năm trước, và những phế tích của trụ sở Đảng Lao động Triều Tiên vẫn còn đến ngày nay. Nhiều người dân Dongsong ngày nay vẫn vượt qua ranh giới kiểm soát dân sự để trồng trọt trên đất DMZ, và nền kinh tế địa phương vẫn do quân đội điều khiển. Dự án DMZ thực tế năm 2015 là dự án nghệ thuật cộng đồng quy tụ 49 nhóm nghệ sĩ Hàn Quốc và hải ngoại nhằm làm nổi bật yếu tố hai miền bị chia cắt. Những tác phẩm sáng tạo được trưng bày từ bến xe buýt đến các khu chợ tới quầy thuốc, với nhiều tác phẩm độc đáo như  như bốt điện thoại công cộng được ngụy trang thành đồn canh gác, vườn hoa dại được trồng bằng đất của DMZ, bù nhìn trên cánh đồng được cải biến thành cây thập tự giá…nhằm làm nổi bật ý nghĩa lịch sử, địa lý của vùng đất, cũng như để thu hút khách du lịch.

Đưa 'nghệ thuật DMZ' Hàn Quốc vào Việt Nam ảnh 1

Bốt điện thoại công cộng được ngụy trang thành đồn canh gác. Ảnh: Real DMZ Project.

Tại Hội thảo “Đưa nghệ thuật vào không gian sống” do Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc, Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) và Diễn đàn Đô thị Việt Nam (VUF) tổ chức hôm 4/9 tại Hà Nội, GS Kwi-Gon Kim, Chủ tịch ?Trung tâm Đào tạo đô thị quốc tế (IUTC) cho biết, cách làm này có thể áp dụng ở khu di tích lịch sử địa đạo Kỳ Anh ở thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

GS Kim cho biết khu địa đạo này của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về giá trị lịch sử với làng Dongsong, nên cũng có sử dụng nghệ thuật cộng đồng để hỗ trợ các làng nghề truyền thống ở Tam Kỳ trong việc bảo tồn, thúc đẩy văn hóa và sinh thái, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương. Thông qua chương trình của Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc, GS Kim và các đồng nghiệp đã nộp đề cương thực hiện dự án nghệ thuật cộng đồng tại Tam Kỳ lên tổ chức Green Climate Fund để xin tài trợ. GS Kim cho biết ông hy vọng dự án khi được thực hiện tại Tam Kỳ sẽ trở thành một ví dụ điển hình cho sự giao lưu cộng đồng giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Đưa 'nghệ thuật DMZ' Hàn Quốc vào Việt Nam ảnh 2

GS Kwi-Gon Kim còn là Chủ tịch Hội Cộng đồng Hàn Quốc Tốt đẹp và thành viên Ban dự án Vùng Phi quân sự thực tế. Ảnh: Trúc Quỳnh.

GS Kim cho rằng, điều quan trọng có cơ hội nhận được tài trợ quốc tế là người dân Kỳ Anh sẵn lòng làm mới không gian sống của họ, và điều này được chính quyền địa phương ủng hộ. “Tôi thấy có rất nhiều tiềm năng để thực hiện dự án cải tạo ở đó. Nếu chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc về văn hóa cộng đồng tiếp tục phát triển, chúng ta có thể đưa những nghệ sĩ về nghệ thuật cộng đồng của Hàn Quốc sang Kỳ Anh để phối hợp với các nghệ sĩ Việt Nam cải tạo làng Kỳ Anh”, GS Kim nói với Tiền Phong bên lề hội thảo.

Hội thảo “Đưa nghệ thuật vào không gian sống” còn giới thiệu một số mô hình cải tạo không gian sống đã được áp dụng ở nhiều thành phố trên thế giới và tạo ra những hiệu quả tích cực trong việc cải thiện không gian công cộng cũng như sinh kế cho người dân địa phương. Ngoài dự án ở làng Dongsong, Hàn Quốc còn có nhiều chương trình nghệ thuật cộng đồng khác như “Phục dựng khu phố” ở thành phố Suwon, chương trình “Phố Dongpirang” ở thành phố ven biển Tongyeong nhằm làm mới không gian sống, đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, nâng cao thẩm mỹ, gắn kết mọi người, thúc đẩy du lịch…

Đưa 'nghệ thuật DMZ' Hàn Quốc vào Việt Nam ảnh 3

Bù nhìn trên cánh đồng được thay thế bằng cây thập tự giá. Ảnh: Real DMZ Project.

Nói về hai thành phố dân cư đông đúc của Việt Nam là Hà Nội và TPHCM, GS Kim cho rằng hai thành phố lớn này có thể chia thành nhiều khu vực để trưng bày nhiều loại nghệ thuật cộng đồng khác nhau, nhưng phải thận trọng lựa chọn để phù hợp với bối cảnh từng khu vực. “Ví dụ, nếu thiết kế một công trình điêu khắc hay nghệ thuật, bạn phải cân nhắc đặc điểm của môi trường xung quanh. Công trình nghệ thuật phải phù hợp với đặc tính của khu vực đó”, GS Kim nói.

GS Kim cho biết trong lần đầu đến Việt Nam, ông chưa có nhiều thời gian khám phá Hà Nội, nhưng trên đường từ sân bay về khách sạn ông thấy Hà Nội là thành phố của nước, với nhiều sông, hồ, ao. Và nước là tài nguyên rất tốt cho văn hóa cộng đồng. Vì thế, GS Kim cho rằng Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển văn hóa cộng đồng gắn nước.?

MỚI - NÓNG