Đưa "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" lên màn ảnh

Đưa "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" lên màn ảnh
5 đoàn làm phim đang có kế hoạch khai thác cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm". Trong số đó có đoàn phim của đạo diễn Hồng Chương, thuộc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương.
Đưa "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" lên màn ảnh ảnh 1
Bìa cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm".

Thưa đạo diễn Hồng Chương, tại sao anh quyết định thực hiện bộ phim này?

Cuốn nhật ký làm tôi thực sự xúc động. Nếu ai đã trải qua một thời chiến tranh sẽ rất hiểu tâm trạng này.

Tâm hồn, lý tưởng của thanh niên một thời đã trở nên rực rỡ hơn qua cuốn sách đó. Tôi cứ nghĩ, nếu như không có tấm lòng của Thượng sĩ, thông dịch viên Nguyễn Trung Hiếu, không có Fred (tên thường gọi của Frederic Whitehust, người lính Mỹ bàn giao lại cuốn nhật ký) thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ được tiếp cận với nó.

Bởi vậy, hãng phim của chúng tôi quyết tâm làm bộ phim này, như một cách góp phần nhanh chóng nhân rộng sự ảnh hưởng của cuốn sách.

Anh nghĩ thế nào về việc đến bây giờ chúng ta mới phát hiện ra những cuốn nhật ký chiến tranh quý giá đó?

Có lẽ chúng ta còn có rất nhiều cuốn nhật ký như thế, nhiều anh hùng như thế nhưng đến tận thời điểm này vẫn chưa được biết tới và có thể mãi mãi không được biết tới. Chiến tranh là vậy!

Tại sao 30 năm sau khi chiến tranh kết thúc chúng ta mới có đợt chộn rộn này? Có lẽ theo một quy luật vô hình nào đó, đây là quãng thời gian lắng lại, để chúng ta nhìn lại và bản thân người Mỹ cũng tự đặt ra câu hỏi: Tại sao lại xảy ra những chuyện như vậy?

Trong câu chuyện này, tinh thần chính sẽ là sự trăn trở của Fred và mẹ anh, dẫn đến việc quyết tâm tìm lại gia đình của chủ nhân cuốn nhật ký.

Thời gian kể từ khi có ý tưởng làm bộ phim này đến lúc bắt tay vào thực hiện là bao lâu?

Đề tài chiến tranh là đề tài tôi có duyên nợ rất nhiều. Cách đây 4 năm, khi nhà thơ Phạm Tiến Duật từ Mỹ trở về có mang một số tài liệu như thư từ của bộ đội VN do người Mỹ trả lại, tôi đã rất muốn có một bộ phim về vấn đề này.

Bây giờ, khi Nhật ký Đặng Thùy Trâm được xuất bản và trở thành một hiện tượng của văn học, quyết định làm phim đã thực sự hiện rõ trong tôi. Bởi vậy có thể nói đây là một đề tài được ấp ủ khá lâu.

Tiến độ thực hiện bộ phim này hiện ra sao?

Trong quá trình trao đổi, tôi và đạo diễn Lại Văn Sinh phát hiện ra chúng tôi trùng nhau về ý tưởng nên hiện tại anh Lại Văn Sinh đang xây dựng kịch bản.

Còn tôi, trước mắt là đi quay những thước phim tư liệu đầu tiên tại Đức Phổ - nơi Đặng Thùy Trâm đã gắn bó quãng đời đẹp nhất của chị. Thời gian này, hai anh em ông Frederic và Robert Whitehust đang sang thăm VN, tôi nhân cơ hội đó vừa lái xe vừa đi quay cùng với hai ông để tìm hiểu thêm.

Điều lo lắng nhất của anh hiện nay là gì?

Chúng tôi chưa định hình cụ thể sẽ làm phim như thế nào cho hiệu quả. Tâm lý chung của đạo diễn bắt đầu làm một bộ phim mới thường "hoảng" như vậy.

Câu chuyện về cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã được báo chí, truyền hình nói nhiều, được nhiều người biết tới. Điều này gây áp lực thế nào đối với anh?

Với tôi thì không có áp lực gì cả. Mình đau đáu cái gì thì làm cái đó. Làm bộ phim này cũng là cách tôi tự khám phá chính bản thân mình, xem những người cùng thế hệ và những thế hệ trước mình đã sống như thế nào, đã nghĩ gì và tại sao lại nghĩ như thế.

Quan trọng nhất là tìm cái gì đằng sau câu chuyện một cuốn nhật ký, mình muốn nói cái gì và phương thức thể hiện như thế nào thôi.

Điều gì đã thực sự cuốn hút anh ở câu chuyện này?

Sau 30 năm cuộc sống có nhiều biến đổi, những cái mới hình thành, cuộc sống có cái vội vã, con người bị ảnh hưởng từ nhiều phía nhưng tôi vẫn tin vào con người, tin con người luôn luôn hướng thiện.

Hiển nhiên mỗi thế hệ đều có vấn đề riêng, mối quan tâm riêng. Nhưng lòng hướng thiện của con người sẽ kéo các thế hệ gần nhau. Các bạn trẻ khi đọc những cuốn nhật ký chiến tranh này có thể hiểu trí thức thời đó như thế nào, hiểu được "lý tưởng sống" là gì.

Thứ nữa, trước đây chúng ta thường nói về cái chung, còn ở đây là những suy nghĩ riêng tư của một con người, điều đó chắc chắn rất hấp dẫn.

Còn về bộ phim, rõ ràng chúng tôi không làm phim cho mình mà làm phim cho khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Vấn đề căn cốt nhất là làm sao truyền được cảm xúc của một thế hệ về cuộc chiến tranh gian khổ và oai hùng của dân tộc tới được các bạn trẻ.

MỚI - NÓNG