Dựng tượng vua Lý Thái Tông trong tòa án: Tác giả mẫu tượng nói gì?

Từ bìa phải qua, các mẫu tượng vua Lý Thái Tông số 1, 2 và 3.
Từ bìa phải qua, các mẫu tượng vua Lý Thái Tông số 1, 2 và 3.
TPO - Trước ý kiến cho rằng tượng vua Lý Thái Tông giống vua Lý Thái Tổ đã có, tác giả cho rằng vua đương nhiên quần áo giống nhau, chỉ khác nét mặt nhưng bố con giống nhau là đúng...

Chỉ dựng tượng ở tòa tối cao

Chiều 28/4, TAND Tối cao tổ chức phiên họp Hội đồng Nghệ thuật xây dựng tượng vua Lý Thái Tông – nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam (nhân vật tiêu biểu) và cố chánh án TAND Tối cao các thời kỳ.

Chủ trì phiên họp, ông Nguyễn Hòa Bình – Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao cho biết, việc lựa chọn nhân vật tiêu biểu đã được tiến hành trong 2 năm qua với tinh thần thận trọng; tòa án có tổ chức hội thảo khoa học lịch sử cấp quốc gia với sự tham gia của các nhà sử học hàng đầu.

Kết quả, hơn 70% nhà khoa học lịch sử và hơn 80% người không chuyên có đề nghị chọn vua Lý Thái Tông. Tòa án cũng tổ chức lấy ý kiến trên mạng và nhận sự đồng tình.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định: “Việc lựa chọn nhân vật đại diện nền tư pháp nước nhà có ý nghĩa lớn trong tôn vinh cống hiến của tiền nhân trong trị vì, xây dựng nền pháp luật nước nhà và qua đây thể hiện thượng tôn pháp luật của đất nước ta có từ hằng trăm năm trước”.

Cũng theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, tòa án tối cao đã nhận nhiều ý kiến tâm huyết, có trách nhiệm xoay quanh việc lựa chọn và dựng tượng vua Lý Thái Tông. Ông Bình nói “Chúng ta tôn trọng tất cả ý kiến đó... Chúng ta lắng nghe, chúng ta làm việc không có tác dụng cho cuộc đời thì cũng không nên”.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Ngô Tiến Hùng – Chánh văn phòng TAND Tối cao cho biết chỉ dựng tượng tại khu vực Quảng trường Công lý tại trụ sở TAND Tối cao mới (số 43, Hai Bà Trưng, Hà Nội); kinh phí dựng tượng nằm trong kinh phí xây dựng trụ sở đã được phê duyệt và TAND Tối cao không có chủ trương dựng tượng tại các tòa án khác.

Dựng tượng vua Lý Thái Tông trong tòa án: Tác giả mẫu tượng nói gì? ảnh 1

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp.

Không chọn sự ngoại lai

Thuyết trình trước hội đồng nghệ thuật, nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường – nguyên Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết chính ông đã sáng tác 3 mẫu tượng vua Lý Thái Tông.

Ông Cường chia sẻ phải chịu sức ép rất lớn từ dư luận, cụ thể: “Tôi choáng trước dư luận, sáng tác nghệ thuật mà cho cả thế giới bàn nên tôi xúc động, sức ép lớn quá không biết tôi có vượt qua được không. Tôi năm nay ngoài 70 rồi, vui và trách nhiệm nên làm chứ sức ép quá chắc xong luôn”.

Theo ông Cường, kiến trúc sư xây dựng trụ sở TAND Tối cao mới là người Đức đã nói với ông cần làm tượng cao 8m vì khi người ta đến tòa án phải thấy sự choáng ngợp. “Tôi thấy không nên, người Việt làm khiêm nhường thôi với làm to, dư luận lại nói làm để lấy tiền” – ông Cường nói.

Về tượng vua Lý Thái Tông, nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường thiết kế phần tượng bằng đồng đỏ nguyên khối, phần bệ có khung thép chịu lực và đồng tấm; tất cả cao 5,3m (phần đế cao 1,9 m). Tượng được đạt chính giữa trụ sở tòa án mới, trên một sảnh có đường kính 23,2m; cao 16,28m.  

Trong 3 mẫu tượng được đưa ra lấy ý kiến, ông Cường cho biết mẫu thứ 1 được tạo dáng hiên ngang, đường bệ và nói lên 4 điều. Đầu tiên, tượng vua nâng cuốn Hình thư (bộ luật thành văn đầu tiên của Việt Nam, được vua Lý Thí Tông ban hành) áp vào trái tim. Thứ 2, tượng thể hiện nhà vua trực tiếp xử án, cần nghiêm minh, quyền lực nên ông có đeo gươm.

“Thứ 3, vua đúc chuông để dân có oan ức thì đến đánh, trống khác còn chuông thì gần chùa nên từ bi hơn, tôi bố trí phía bên hông... Vua truyền cho con việc xử án phải nghiêm nên tay tượng giơ 2 ngón, thể hiện xử án có lý có tình” – ông Cường nói.

Về ý kiến nói mô hình giống tượng Lý Thái Tổ (bố vua Lý Thái Tông) được đặt ở bờ hồ, ông Cường nói: “Vua đương nhiên quần áo giống nhau, chỉ khác nét mặt. Bố con giống nhau là đúng nhưng ở đây, tôi làm khác chút, với nét mặt vui tươi như đang đối thoại với người dân”.

Nói về mẫu tượng số 2, ông Cường thuyết trình ý nghĩa tương tự, khác là vua cầm thanh gươm chống xuống đất. “Có ý kiến cầm kiếm nhưng Việt Nam không có kiếm 2 lưỡi, tất cả đều là gươm kiếm 1 lưỡi... Gươm ở trong bao, như đang nói là ta có công lý có sức mạnh đây nhưng không phải lúc nào ta cũng dùng, vậy thể hiện sự nhân từ. Việc chống gươm cũng tượng trưng cho dựa vào pháp quyền” – nhà điêu khắc trình bày.

Về mẫu tượng số 3, vua Lý Thái Tổ cầm cán cân công lý, ông Nguyễn Phú Cường thừa nhận việc này có khiên cưỡng và cho biết: “Tôi làm cho so sánh còn tập trung 2 phương án trên nhưng dù sao tôi vẫn làm rất chau truốt”.

Tại cuộc họp, đa số các chuyên gia đề đề nghị lựa chọn phương án tượng số 1 hoặc số 2 không chọn mẫu 3, tượng cầm cán cân công lý bởi mang hướng ngoại lai. Tuy nhiên, tượng cần điều chỉnh một vài chi tiết như không nên mang gươm, cần thêm sự uy nghi...

Vua Lý Thái Tổ là vị vua thứ 2 của nhà Lý, trị vì từ năm 1028 đến 1054. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, nhà vua có nhiều công trạng về quân sự, quy hoạch kinh thành Thăng Long, chấn hưng Phật giáo... Đáng chú ý, vua Lý Thái Tông là người ban hành Hình Thư – bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta. Nhà vua cũng trực tiếp xét xử các vụ án; áp dụng lòng nhân từ của nhà Phật khi đưa ra hình phạt với cả những người phản lại chính mình...

Sử thần nhà Lê là Ngô Sĩ Liên viết về vua Lý Thái Tổ như sau: “Cầm quyền đánh đâu được đấy, vũ công lừng lẫy lại khuyên dân làm ruộng, tự mình cày tịch điền, thân oan (bày tỏ nỗi oan), đặt luật. Nhà vua trị nước chuyên dùng nhân từ khoan thứ, là một vị vua hiền nối được cơ nghiệp”. 

MỚI - NÓNG