Festival Đờn ca tài tử Bình Dương và hành trình “lưu giữ báu vật văn hóa đất phương Nam”

Festival Đờn ca tài tử Bình Dương và hành trình “lưu giữ báu vật văn hóa đất phương Nam”
TPO - Năm nay, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp nối hành trình “lưu giữ báu vật đất Phương Nam” với Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần II được đầu tư và tổ chức hoành tráng, quy mô. Cùng với sự phát triển kinh tế thì Tỉnh ủy Tỉnh Bình Dương luôn có những chiến lược nâng tầm đời sống văn hóa của người dân, đồng thời quảng bá những giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc sâu rộng hơn nữa.

Bình Dương – Tiếp lửa tôn vinh di sản đất phương Nam

Sau 20 năm kể từ ngày tái lập Tỉnh, Bình Dương đã có những bước phát triển ngoạn mục, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Theo đó, Bình Dương là một trong số ít tỉnh trong cả nước đã trở thành tỉnh công nghiệp và nông nghiệp chỉ còn 3% trong cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư vượt mốc 20 tỉ USD và là 1 trong 3 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu trên 20 tỷ USD, chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đây cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước nghiên cứu “Đề án thành phố thông minh”. Ngoài việc chăm lo kinh tế, lãnh đạo Tỉnh Bình Dương còn quan tâm sát sao tới đời sống, văn hóa tinh thần của người dân, đầu tư phát triển, quảng bá những loại hình nghệ thuật truyền thống như làng nghề gốm sứ, điêu khắc gỗ, tranh sơn mài… và đặc biệt là với bộ môn nghệ thuật Đờn ca tài tử - báu vật của vùng đất phương Nam.

Để quảng bá sâu rộng "sự hào sảng" của người dân Nam Bộ, đặc biệt Kỷ niệm 20 năm ngày tái lập Tỉnh Bình Dương (11/01/1997 - 11/01/2017), tỉnh Bình Dương đăng cai tổ chức Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ II.

Đờn ca tài tử giữa dòng chảy hiện đại

Trải qua hàng trăm năm, giới mộ điệu Đờn ca tài tử đã lựa chọn ra 20 bài bản tiêu biểu cho 4 hơi điệu, gồm: 06 bài Bắc (diễn tả sự vui tươi, phóng khoáng), 07 bài Hạ (dùng trong tế lễ, có tính trang nghiêm), 03 bài Nam (diễn tả sự an nhàn, thanh thoát) và 04 bài Oán (diễn tả những cảnh sầu não, đau buồn, chia ly). Tất cả được gọi chung là “20 bài bản tổ”. 

Festival Đờn ca tài tử Bình Dương và hành trình “lưu giữ báu vật văn hóa đất phương Nam” ảnh 1

Sang thập niên 10 của thế kỷ XX, nhạc tài tử rẽ nhánh thành một dòng nhạc mới với dấu mốc ban đầu là hình thức ca ra bộ và sau đó là cải lương. Đến nay, Nghệ thuật Đờn ca tài tử đã lan tỏa ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đờn ca tài tử, cải lương đã trở thành một phần cuộc sống của những người dân miệt vườn, sông nước.

Theo thống kê năm 2013, 21 tỉnh, thành phố có 2.258 Câu lạc bộ với 13.800 người tham gia sinh hoạt Đờn ca tài tử, người trẻ nhất 6 tuổi, già nhất 99 tuổi. Ở TP. HCM có 97 câu lạc bộ Đờn ca tài tử với tổng số thành viên là 1.133 người, chiếm tỷ lệ cao nhất là độ tuổi từ 36-50 tuổi.

Festival Đờn ca tài tử Bình Dương và hành trình “lưu giữ báu vật văn hóa đất phương Nam” ảnh 2

Hiện nay, bên cạnh những người nghệ nhân Đờn ca tài tử gạo cội yêu nghề, đã và đang cố gắng bảo vệ sự trường tồn của loại hình nghệ thuật này thì thế hệ trẻ hôm nay đang tìm về với những giá trị truyền thống của dân tộc. Trước sự du nhập của hàng loạt nền văn hóa vãng lai, vẫn có một bộ phận người trẻ yêu quý, cảm nhận được nét đẹp trong cái hồn của Đờn ca tài tử, của sân khấu Cải lương. Họ tìm về với cội nguồn dân tộc và trở thành nhân tố kết nối, kéo gần khoảng cách giữa các thế hệ, làm sống lại những sân khấu Đờn ca tài tử, Cải lương giữa ồn ào của phố thị và dòng chảy của sự phát triển.

Đó là những nghệ sĩ trẻ như Võ Minh Lâm, Lê Hồng Thắm, Như Huỳnh… đã dùng tình yêu và nhiệt huyết của mình để “sống chết” với nghề, hay như lớp trẻ Quách Phú Thành (Quán quân Thử tài siêu nhí năm 2016), Hồ Văn Cường (Quán quân Giọng hát Việt năm 2016), nghệ sĩ nhí Bảo Ngọc (Á quân Gương mặt thân quen nhí 2016)… vẫn luôn mang trong mình tình yêu với Đờn ca tài tử, Cải lương.

Những hoạt động sôi nổi của Festival Đờn ca tài tử Bình Dương

Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần II – Bình Dương năm 2017 diễn ra từ ngày 8/4 -12/4 sẽ là nơi để hội tụ, giao lưu của những giọng ca tài tử, kết nối nhiều thế hệ yêu mến bộ môn nghệ thuật này. Chương trình có nhiều hoạt động nổi bật: Đêm khai mạc với chủ đề “Đờn ca tài tử Nam bộ - Báu vật đất phương Nam”: diễn ra vào lúc  20h - 22h ngày 08/4/2017 tại Quảng trường Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương,  được truyền hình trực tiếp trên VTV, Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Dương và một số các Đài Phát thanh – Truyền hình các tỉnh, thành trong khu vực phía Nam; Tổ chức Không gian Đờn ca tài tử và không gian ẩm thực Nam bộ diễn ra hàng đêm từ 08 – 12/4/2017 tại Khu bờ hồ công viên Thành phố Mới Bình Dương; Hội thi Nghệ thuật Đờn ca tài tử với chủ đề “Đờn ca tài tử - Di sản đất phương Nam” diễn ra từ 09 - 11/4/2017 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Bình Dương; Cuộc thi sáng tác ảnh nghệ thuật khoảnh khắc Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ II – Bình Dương năm 2017 diễn ra từ 08 - 11/4/2017; Chương trình họp mặt, giao lưu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực Đờn ca tài tử vào lúc 19h30 – 22h00’ ngày 11/4/2017 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh Tỉnh Bình Dương; Đêm bế mạc Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ II – Bình Dương năm 2017 vào lúc 20h - 22h ngày 12/4/2017 tại Hội Trường Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương, chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV9 và tiếp sóng 21 Đài trong khu vực Đông – Tây Nam Bộ. 

MỚI - NÓNG