Gần hai thập kỷ Hoa hậu Việt Nam

Gần hai thập kỷ Hoa hậu Việt Nam
TPCN - Tại vòng chung khảo HHVN 2006 khu vực phía Bắc, tình cờ tôi trò chuyện với một thí sinh 18 tuổi. Thật thú vị, ngày tháng năm sinh của người đẹp này trùng với ngày tháng và năm hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất đăng quang.
Gần hai thập kỷ Hoa hậu Việt Nam ảnh 1
Năm cựu hoa hậu trong màn đồng ca "Lời trái tim muốn nói" . Ảnh: Hồng Vĩnh

Hoa hậu Bùi Bích Phương lúc đó đang ngồi ghế giám khảo, đâu biết rằng, vương miện mà cô mang trên đầu đã đi qua 18 năm, đủ cho một thiếu nữ sinh ra, lớn lên và đi dự thi hoa hậu.

Tôi được nghe nói đến hai từ Hoa hậu lần đầu tiên là vào năm 1976. Trong một chuyến đi công tác lên Đà Lạt, chúng tôi vào tham quan dinh Bảo Đại. Bức ảnh Nam Phương Hoàng hậu treo trên tường khiến tôi sững sờ vì vẻ đẹp thuần hậu của bà.

Gần hai thập kỷ Hoa hậu Việt Nam ảnh 2
Hoa hậu Việt Nam 2006- Mai Phương Thuý. Ảnh: Hồng Vĩnh

Tôi được biết, bà Nam Phương có tên là Nguyễn Hữu Thị Lan, con ông Nguyễn Hữu Hào, một điền chủ giàu có ở Nam Bộ. Bà đăng quang hoa hậu “Nam kỳ lục tỉnh”.

Tuy đó chỉ là một cuộc thi sắc đẹp ở một miền quê thời đất nước còn bị chia cắt, bị thực dân đô hộ, nhưng cái đẹp của người phụ nữ Việt Nam, ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng gây được nhiều thiện cảm.

Gần hai thập kỷ Hoa hậu Việt Nam ảnh 3
Các thí sinh trong cuộc thi Hoa hậu thể thao. Ảnh: Hồng Vĩnh

Cùng năm đó, tôi lên Phú Thọ và nghe kể xưa kia người dân ở đây đã tổ chức thi sắc đẹp, chọn ra một cô gái đẹp, chưa lập gia đình cho lên kiệu rước trong ngày hội…

Sau này, vào năm 1989, có người bảo tôi: “Báo Tiền phong thi hoa hậu là tuyên truyền cho lối sống Mỹ”, tôi đáp: “Cách đây trên hai trăm năm, lúc nước Mỹ chưa ra đời, người Việt ta đã tổ chức thi sắc đẹp. Người Việt Nam từ thượng cổ đã luôn hướng về cái đẹp chứ có học ai đâu”.

Cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất do báo Tiền Phong khởi xướng là vào năm 1988. Nếu tôi nhớ không nhầm, lúc đó chỉ có 50 thí sinh dự thi.

Gần hai thập kỷ Hoa hậu Việt Nam ảnh 4
... và Hoa hậu Biển. Ảnh: Hồng Vĩnh

Một ở Đồng Nai, một Đà Nẵng, một Thanh Hóa, một Vĩnh Phú lại còn là người Thủ đô. Cuộc thi diễn ra trong một buổi chiều tại Nhà văn hóa Thanh niên Tăng Bạt Hổ, Hà Nội trong khuôn khổ 3 ngày hội báo Tiền phong nhân kỷ niệm 35 năm thành lập.

Phải nói là một sự liều. Không xin phép ai. Không tài trợ. Không bán vé. Không biết phải bắt đầu từ đâu.

Cũng may, lần ấy, nhân kỷ niệm thành lập báo, chúng tôi mới mượn được một vài bộ phim của FAFIM Việt Nam về chiếu “nội bộ” cho anh chị em trong báo xem.

Gần hai thập kỷ Hoa hậu Việt Nam ảnh 5
Những nụ cười rạng rỡ trên Hòn Ngọc Việt. Ảnh: Hồng Vĩnh

Trong đó có bộ phim nói về cuộc thi Hoa hậu Thế giới. Năm đó, một thiếu nữ Thái Lan, tên là Phon Thít đăng quang Hoa hậu Thế giới. Lúc Phon Thít về nước, Thủ tướng Thái Lan đã ra tận chân cầu thang máy bay đón, ông đã phát biểu với giới báo chí rằng: “Tôi đã từng đón nhiều bậc vua chúa, nhiều nguyên thủ quốc gia nhưng chưa lần nào tôi… run… như lần này, đón hoa hậu trở về nước”.

Cuộc thi hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất đã thành công ngoài mong đợi, trở thành một sự kiện chấn động lúc đó.

Hàng ngàn người hâm mộ đổ về chật cứng mấy dãy phố gần Nhà văn hóa Thanh niên, Ban tổ chức phải nhờ xe cảnh sát dẹp đường mới chở hoa hậu về được tận nhà.

Bùi Bích Phương kể rằng, đêm ấy hàng trăm người đứng chật một khúc phố Bà Triệu gần như suốt đêm, vây lấy ngôi nhà, hô “Hoa hậu Bùi Bích Phương, hoa hậu Bùi Bích Phương”…

Sự kiện đó đã tạo nên cơn sốt thi hoa hậu vào năm 1989. Hoa hậu Đền Hùng, Hoa hậu Hội Lim, Hoa hậu Hà Nội, Sài Gòn, Hà Tây v.v và v.v… Đến mức báo chí đã gọi là “hội chứng” hoa hậu, đến cả phường cũng thi hoa hậu!

Trước tình hình đó, Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTT) có cuộc họp liên ngành thống nhất một số vấn đề, nhằm đi vào nề nếp, có sự quản lý của nhà nước về một hiện tượng văn hóa mới có sức cuốn hút lớp trẻ…

Báo Tiền phong được giao soạn thảo quy chế thi người đẹp. Bản quy chế đó đã được Bộ Văn hóa chuẩn y và ban hành. Đó là quy chế thi người đẹp đầu tiên ở Việt Nam. Được thực hiện gần 18 năm, cho đến gần đây mới có quy chế mới.

Từ khi có quy chế, cứ hai năm một lần được phép của Bộ VHTT, Ban Bí thư TƯ Đoàn, Báo Tiền phong đã tổ chức thành công 10 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia.

Từ cuộc thi hoa hậu đầu tiên chỉ có 50 thí sinh, cuộc thi lần thứ 10 đã có trên 3.000 thí sinh đăng ký dự thi. Hoa hậu của cuộc thi đầu tiên cao 1m59, hoa hậu của cuộc thi lần thứ 10 cao 1m79. 

Tuy chiều cao của hoa hậu chưa nói lên tất cả, nhưng, chất lượng, quy mô của các cuộc thi hoa hậu Việt Nam do báo Tiền phong tổ chức ngày càng hoành tráng, hiện đại, gần với các cuộc thi Hoa hậu Thế giới.

Chất lượng nhiều mặt của thí sinh ngày càng cao… Số lượng khán giả theo dõi cuộc thi ngày càng lớn, như năm 2004 có trên 20 triệu người xem qua màn ảnh nhỏ, năm 2006 này chắc lớn hơn.

Mười hoa hậu: Bùi Bích Phương (1988); Nguyễn Diệu Hoa (1990); Hà Kiều Anh (1992); Nguyễn Thu Thủy (1994); Nguyễn Thiên Nga (1996); Nguyễn Ngọc Khánh (1998); Phan Thu Ngân (2000); Phạm Thị Mai Phương (2002); Nguyễn Thị Huyền (2004); Mai Phương Thúy (2006) đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong hàng triệu người.

Trong số đó, có những hoa hậu đã thành danh, như Bùi Bích Phương, giờ là Thạc sĩ, thông thạo 3 thứ tiếng, hiện là Giám đốc Quỹ giáo dục cao học Hàn Quốc tại Việt Nam; Nguyễn Thiên Nga đang làm luận án tiến sĩ tại Mỹ; Nguyễn Diệu Hoa người vừa được sách kỷ lục Việt Nam trao danh hiệu hoa hậu biết nhiều ngoại ngữ nhất (5 thứ tiếng); hiện Diệu Hoa là Giám đốc kinh doanh của Cty Phoenix Commoditih XPTL.  Hay như Hoa hậu Mai Phương, Nguyễn Thị Huyền hiện đang du học ở Anh quốc, từng lọt vào top 20, top 15 tại các cuộc thi hoa hậu thế giới…

Cuộc gặp gỡ các cựu hoa hậu Việt Nam với màn trình diễn độc đáo của họ tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam lần thứ 10 năm 2006 tại Hòn Ngọc Việt đã thực sự làm hàng triệu người theo dõi qua màn ảnh nhỏ hài lòng.

Gần hai thập kỷ, kể từ cuộc thi sắc đẹp đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất do báo Tiền phong tổ chức, cho đến nay đã trở thành một hoạt động văn hóa không thể thiếu của tuổi trẻ, có sức thu hút lay động hàng chục triệu người.

Hoa hậu Việt Nam, ngày hội của sắc đẹp, nơi người phụ nữ Việt Nam được tôn vinh không những ở trong nước và trên cả thế giới, trong thời đại của sự hội nhập toàn cầu.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.