"Gần lắm Trường Sa"

 Nhạc sĩ Hình Phước Long - Ảnh: Nguyễn Chung (Thanh Niên)
Nhạc sĩ Hình Phước Long - Ảnh: Nguyễn Chung (Thanh Niên)
"Gần lắm Trường Sa" là một trong không nhiều những ca khúc viết về biển đảo quê hương vừa mới ra đời đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Đã 32 năm rồi mà cái cảm giác lâng lâng như vẫn còn lưu dấu nơi người nhạc sĩ mỗi khi nhắc đến đứa con tinh thần của mình.

Gần lắm Trường Sa là một trong không nhiều những ca khúc viết về biển đảo quê hương vừa mới ra đời đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Đã 32 năm rồi mà cái cảm giác lâng lâng như vẫn còn lưu dấu nơi người nhạc sĩ mỗi khi nhắc đến đứa con tinh thần của mình.

Từ một lời hứa.

Nhạc sĩ Hình Phước Long nhớ lại: “Năm 1980, tôi có dịp vào bán đảo Cam Ranh để dàn dựng một chương trình nghệ thuật phục vụ bộ đội tại đây. Thấy cảnh đưa tiễn các chiến sĩ mười tám đôi mươi xuống tàu ra Trường Sa, lòng tôi dậy lên một cảm giác khó tả.

Nhưng cho mãi đến lúc ấy, Trường Sa với tôi cũng chỉ là một khái niệm rất xa vời vì tôi chưa một lần đặt chân lên đó. Tôi chỉ biết Trường Sa qua bộ phim tài liệu Tổ quốc trên một vùng đảo nhỏ được trình chiếu trong dịp này.

Tiếp cận với “thực tế” qua bộ phim đen trắng, dài chừng 30 phút như thế, mà làm sao để có được tác phẩm thì quả là một thử thách. Nhưng có lẽ, những cánh hải âu, những cây phong ba, những dải san hô chập chùng ẩn hiện trong phim như chắp cánh cho sự tưởng tượng về một góc trời của Tổ quốc trong tôi.

Cuối đợt phục vụ bộ đội tại Cam Ranh, tôi ghi vào sổ lưu niệm tại đây một lời hứa, rằng không biết vào lúc nào nhưng chắc chắn là tôi sẽ viết một ca khúc về Trường Sa.

Cũng là một kiểu “bốc đồng” nghệ sĩ thế thôi nhưng không ngờ lời hứa ấy cứ ám ảnh lấy tôi như một món nợ. Ngày tháng cứ trôi đi, Trường Sa vẫn thức ngủ trong tôi mà nốt nhạc đầu tiên như lời hứa vẫn chưa bật ra được. Thế rồi cơ duyên đã đến. Đó là một ngày hè của năm 1982…”.

Viết về Trường Sa ngay... trên bờ

Mùa hè năm 1982, tỉnh Phú Khánh (cũ) phối hợp với Hội Nhạc sĩ TP.HCM mở trại sáng tác âm nhạc tại Nha Trang. Trại sáng tác này đã hội tụ khá nhiều anh tài là những nhạc sĩ đã thành danh: Trần Tiến, Thanh Tùng, Phạm Minh Tuấn…

Hình Phước Long cũng được mời tham gia dự trại. Hai tiếng Trường Sa vẫn cứ ám ảnh trong ông. Ngày “nộp quyển” sắp hết hạn mà nốt nhạc đầu tiên về ca khúc “lỡ hứa” ấy vẫn bặt mù tăm!

Thế rồi một chiều, Hình Phước Long đạp xe lang thang trên đường Trần Phú, chợt một “bóng hồng” xuất hiện. Cô gái ấy hình như đang có một “tâm trạng” gì đó, ngồi trên vệ cỏ ven đường, mắt đăm đăm về phía biển xa, mặc cho gió biển thổi tung làn tóc rối.

“Tôi chợt hỏi lòng mình: Hay cô gái này có người yêu đang ở Trường Sa? Nếu thế thì liệu những con sóng kia có mang chút thông điệp gì của anh lính trẻ từ nơi xa xôi ấy gửi về cho cô gái đang đợi chờ mình? Tôi tin là cả hai sẽ nhận được những gì cần nhận. Và Trường Sa không thể xa xôi như ta tưởng…”, nhạc sĩ Long kể.

Những câu “tự hỏi” ấy đã gõ vào ký ức người nhạc sĩ bằng những ca từ đầu tiên: “Không xa đâu Trường Sa ơi!”. Ông lấy vội tờ giấy trong túi áo và ký âm những nốt nhạc vừa xuất hiện.

Đúng lúc ấy, câu ca dao mà người mẹ đã ru ông từ thuở nằm nôi lại hiện về, như tiếp thêm cho giai điệu đã bắt đầu hình thành: “Khi xa sát vách cũng xa/Khi gần muôn dặm đường xa cũng gần”. Ông vội vã đạp xe về Ninh Hòa để thăm mẹ.

Thấy đứa con bất ngờ xuất hiện trong buổi hoàng hôn chập choạng với vẻ mặt rất “bí hiểm”, mẹ ông chẳng hỏi lý do mà lặng lẽ làm cơm chiều. Cơm dọn ra, cả nhà ngồi vào bàn nhưng Hình Phước Long lại lấy giấy bút ra ngồi trước sân và Gần lắm Trường Sa cứ thế tuôn chảy.

Một tiếng sau thì những ca từ cuối cùng của bài hát “Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh/Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em” được khép lại.

Suốt 32 năm qua, Gần lắm Trường Sa vẫn luôn ngân vang cùng nhịp bước của các chiến sĩ hải quân mỗi khi ra đảo. Khi Tổ quốc đứng trước những thử thách về chủ quyền biển đảo, Trường Sa lại càng gần hơn với mọi người như những tâm tình mà Hình Phước Long muốn gửi gắm trong bài hát.

Mãi đến năm 1984, Hình Phước Long mới đặt chân lên Trường Sa. Có đến 17 ca khúc ông viết về quần đảo này, đoạt nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng như Ủy ban Toàn quốc các hội văn học nghệ thuật nhưng Gần lắm Trường Sa vẫn là tác phẩm làm neo lại trong lòng khán thính giả cả nước cái tên Hình Phước Long.

Nhạc sĩ Hình Phước Long sinh năm 1951, tại TX.Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ông công tác trong ngành văn hóa thông - tin tỉnh Khánh Hòa từ sau năm 1975 cho đến lúc về hưu (2011). Ông được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng Huân chương Lao động hạng ba cho những đóng góp về công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước.

Theo Trần Đăng - Nguyễn Chung

Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG