Gặp lại tác giả ảnh “Phúc Tân kêu gọi trả thù”

Nhà báo, NSNA Vũ Ba.
Nhà báo, NSNA Vũ Ba.
TP - Vũ Ba không chỉ có “Phúc Tân kêu gọi trả thù”, cuộc đời ông cũng không chỉ xoay quanh những bức ảnh, mà phong ba từ nhỏ. Gặp lại nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh chân chính Vũ Ba tuổi 87 để kể những điều đó với bạn đọc trong ngày báo chí năm nay.

“ẢNH THẾ MỚI LÀ ẢNH CHỨ!”

Trong giới nhiếp ảnh, Vũ Ba nổi tiếng là người bấm được hai tấm ảnh đặc sắc cùng thời điểm, 13/12/1966.

Bức đầu tiên, Phúc Tân kêu gọi trả thù đoạt Giải thưởng Lớn của Liên Xô năm 1967 và Giải thưởng Nhà nước 2007. Còn Vào lửa chụp cùng lúc, chớp được cảnh hai phụ nữ nội trợ lao vào cứu người bị nạn trong đám cháy ở xóm bãi Phúc Tân, cháy vì bom Mỹ.

Vũ Ba bộc bạch về Vào lửa: “Chiến tranh nhân dân tôi chụp đàn ông đàn bà, thanh niên, trẻ em nhiều lắm nhưng nghĩ mãi không ra các bà nội trợ đánh giặc thế nào. Chứng kiến hai bà cứu thương (hồi đó gọi là đội cứu sập, của khu Hoàn Kiếm) lao vào đám cháy, tôi không bỏ lỡ cơ hội vì đã luôn chuẩn bị trước, và chụp được bức ảnh đoạt giải Nhất ảnh báo chí năm 1968”.

Gặp lại tác giả ảnh “Phúc Tân kêu gọi trả thù” ảnh 1 “Vào lửa”- giải Nhất ảnh báo chí Hội Nhà báo Việt Nam 1968. Ảnh: Vũ Ba.

Một bức để đời nữa: Máy bay của McCain bị bắn rơi tại bầu trời Hà Nội. Lúc đầu ông và mọi người chưa biết đó là John McCain và máy bay của ông ta, cho đến khi báo Mỹ mô tả thiếu tá McCain, con trai và cháu nội của Đô đốc Hải quân Mỹ ném bom Hà Nội bao nhiêu lần, bị bắn rơi ở hồ Trúc Bạch thế nào. Báo Quân Đội lúc đầu chú thích đơn giản: Máy bay bị bắn rơi tại chỗ. Báo Nhân Dân văn hoa: Hà Nội bắt quân thù nộp xác dưới chân mình.

Một trong số tác phẩm nổi tiếng của Vũ Ba được báo chí trong ngoài nước in đi in lại, là bức chụp chiến sĩ lái xe Trường Sơn Lê Văn Tính, bị thương nhưng không rời tay lái. “Lúc đầu tôi định chụp chính trị viên nhưng anh ta bảo tôi nên chụp Tính, chiến sĩ lái xe giỏi nhất đơn vị. Tôi được bố trí chỗ ngồi an toàn để chụp. Ai dè xe của Tính lao đi một lúc thì bị bom tọa độ, anh ấy bị thương văng khỏi xe, tôi cũng bị thương. Tôi băng cho anh ấy xong đã 5 giờ sáng, mặt trời bắt đầu lên, tôi bấm máy thấy mắt anh ấy sáng lên đẹp lắm, mặt đẹp, tập trung hết cỡ để lái xe vượt qua trọng điểm an toàn. Xung quanh, các mảnh vỡ tung tóe, cũng đẹp lắm”.

Phúc Tân kêu gọi trả thù khiến Vũ Ba nổi tiếng đồng thời khốn đốn mười mấy năm vì ảnh bị quy là quá đau thương, làm yếu lòng người ra trận. Ông kể hồi đó báo Quân Đội có hai nhân vật ưng bức ảnh ra mặt: trưởng phòng của ông, về sau lên Phó Tổng biên tập và Dương Viên, họa sĩ, bí thư chi bộ. Hai người xin ông bức ảnh làm kỷ niệm, nói Ảnh thế mới là ảnh chứ!

Gặp lại tác giả ảnh “Phúc Tân kêu gọi trả thù” ảnh 2 Trên nóc hầm địa đạo Vĩnh Chấp. Ảnh: Vũ Ba.

NHÀ BÁO, NSNA CHÂN CHÍNH

Tháng trước, tôi bay vào TPHCM thực hiện bài Cuộc gặp người lính Sài Gòn trong bức ảnh Hai người lính. Trước khi gặp “một người lính”, tôi tìm đến nhà Vũ Ba để biếu tờ báo 30/4 có bài Phúc Tân kêu gọi trả thù và chuyện thời xa vắng.

NSNA lão thành cho xem album những bức ảnh quý, kể chuyện từng bức khi tôi đề nghị. Tuổi 87 hẳn cái nhớ cái quên nhưng những tác phẩm giá trị- tự nó kể giai thoại về mình và người chụp, bất chấp thời gian.

Báo động chẳng hạn. Năm 1959 Ngô Đình Diệm tuyên bố biên giới Hoa Kỳ đến tận vĩ tuyến 17 nên toàn quân phải cảnh giác sẵn sàng chiến đấu. Ông chụp anh dân quân Mường tỉnh Hòa Bình đang luyện tập, đoạt giải A nhiếp ảnh Quân đội 1968.

Ông chụp đoàn cao xạ 235 chiến đấu bảo vệ cầu Long Biên, cũng đoạt giải A nhiếp ảnh Quân đội 1969. Chụp Địch rải chất độc hóa học đường Trường Sơn nhưng xe ta vẫn  đi. Chụp chiến sĩ sư đoàn 304 củng cố trận địa Làng Vây, Quảng Trị. Chụp hải quân chuẩn bị đánh chiếm đảo xa, 1974. Chụp viên phi công Mỹ ngày đầu vào trại giam.

Gặp lại tác giả ảnh “Phúc Tân kêu gọi trả thù” ảnh 3 Máy bay của John McCain bị bắn rơi tại bầu trời Hà Nội. Ảnh: VŨ BA

Không chỉ khói lửa ngút trời, đạn bom ác liệt. Ảnh Hành quân vào chiến trường, 1974 mô tả những chiến sĩ hông đeo bi đông, vai khoác đàn guitar, gương mặt rạng rỡ, lá ngụy trang trên mũ y như câu hát Ngắt một đóa hoa rừng gài trên mũ ta đi. Hoặc chụp cảnh sau trận đánh, người mẹ trẻ ngồi lau súng còn thằng cu con đứng cạnh tưới hoa trên nóc hầm Vĩnh Chấp. Thật là “bình yên như cơn nắng”.

Ông có mặt khắp nơi. Nông thôn, thành thị. Vào Nam ra Bắc. Chụp đội nữ nhảy dù đầu tiên,  đội lái tàu lượn nữ Việt Nam đầu tiên. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh ông theo ô tô chở bộ đội, cứ quốc lộ 1 thẳng tiến.

Nhà báo Vũ Ba tác nghiệp thế nào?

Chẳng hạn, tác nghiệp chụp máy bay bị bắn rơi của thiếu tá John McCain, về sau thành Thượng nghị sĩ, ứng viên Tổng thống Mỹ:

“Đây là chiếc máy bay thứ 7 tôi chụp. Chẳng là mỗi khi có báo động tôi đều nhanh chân leo lên những nóc nhà cao, cả ông Bùi Duy Ly thầy tôi, rồi Triệu Hùng tổ trưởng của tôi ở báo Quân Đội, đều chụp ảnh tốt và có mặt đúng lúc. Hôm ấy 4, 5 người đứng ở nóc tòa nhà Công nghiệp nặng. Theo dõi máy bay McCain rơi, tôi đang chụp ống kính 200, tự nhiên thấy nó (máy bay) cháy bùng lên dày đặc ống kính, tôi bèn bỏ ống kính xuống để chụp bằng máy rơ-lay 66 dự trữ. Máy bay rơi cách ngọn cây chừng vài gang tay, tôi nhanh tay bấm để được cảnh dưới đất lẫn trên trời. Ông Hùng và ông Ly đứng cạnh không chụp được cảnh phố phường bên dưới vì chụp ống kính 200. May quá tôi nhờ bỏ ống kính 200, chụp ống kính thường nên thấy được cả phố phường Hà Nội”.

Là phóng viên báo Quân Đội, Vũ Ba có lợi thế nhất định, ví dụ được ưu tiên chụp hàng binh và “giặc lái”. “Ông ít chụp lãnh tụ”? “Nhiều đấy nhưng nguyên tắc báo Quân Đội là chụp xong phải nộp phim cho bảo tàng. Từ 1975 tôi không nộp nên mới giữ được một ít đến giờ”.

“Ông nói mỗi khi có báo động, máy bay cự ly gần là lại xách xe đạp đến trận địa hoặc leo lên nóc nhà cao tít để săn máy bay mà không e sợ chút nào?” “Lúc đó chẳng nghĩ gì đâu, không chỉ tôi mà anh em đều thế cả. Cứ lo mình không làm được ảnh tốt, không hoàn thành nhiệm vụ chứ không nghĩ sống chết. Về sau nằm nghĩ lại mới thấy sợ, bom rơi đạn nổ ngay trên đầu”.

Xông xáo dạn dày, đầy lửa, nghiệp vụ sắc bén, trái tim nhạy cảm đã làm nên con người “ba trong một” Vũ Ba: nhà báo, nghệ sĩ, chiến sĩ đúng nghĩa.

CUỘC ĐỜI SÔI ĐỘNG

Vũ Ba sinh 1930, tên thật là Trần Phú Hạnh người gốc Nam Định, vào Nam sinh sống từ 1935. Tập kết năm 1954, từ 1981 lại trở vào Nam sinh sống cho đến giờ.

Vì sao ông có tên Vũ Ba? Cả một câu chuyện dài lý thú.

Cha mẹ ông có 5 con trai. Năm 1946 chú bé Hạnh ra chiến khu học khóa lục quân cho thiếu nhi. “Hồi đó không gọi thiếu nhi mà gọi tiểu quỷ”- ông kể. Khóa của ông gọi là khóa Đinh Bộ Lĩnh. Làm liên lạc viên của Đặc khu Quân báo Sài Gòn- Chợ Lớn, chú bé Hạnh đóng vai thợ chụp ảnh dạo ở Sở thú, có nhiệm vụ chuyển thư và tài liệu từ chiến khu ra thành phố, rồi nhận báo cáo từ đây gửi ra chiến khu. Học được nghề ảnh, ông nghĩ công việc này có thể phục vụ cách mạng nên quyết theo đuổi.

Năm 1950, vóc dáng phổng phao Vũ Ba không làm liên lạc được nữa. Thấy Vũ Ba biết quay phim chụp ảnh, cấp trên cho về làm phóng viên Phòng Chính trị Quân khu 7, sau  xuống Phòng Chính trị Liên khu miền Tây. Năm 1954 tập kết ra Bắc. Năm 1957 làm phóng viên báo Hình Ảnh của quân đội, hai năm sau chuyển sang báo Quân đội Nhân dân. Đất nước thống nhất ít năm, ông chuyển vào TPHCM làm công tác tổ chức ở Sở Văn hóa Thông tin. Ông có con trai cả định cư ở Đức từ lâu. Con gái ở gần đó, vẫn đảo qua nhà chăm sóc cha mẹ tuổi già bệnh tật.

Vũ Ba kể nhiều chuyện tháng ngày ở miền Bắc. Chuyện thắm tình đồng nghiệp với Triệu Hùng, người của báo Quân Đội ngày nào, giờ sống khó khăn gần nhà ông. Nhiều chuyện nữa mà khuôn khổ bài báo này không tải hết được.

Thật tình cờ, ngôi nhà ông cư ngụ nằm trên con đường mang tên Bùi Đình Túy, cũng một chiến sĩ - nghệ sĩ - nhà báo, cuộc đời cực kỳ sôi động.

Gặp lại tác giả ảnh “Phúc Tân kêu gọi trả thù” ảnh 4

Vũ Ba đang chụp ảnh Bác Hồ tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ Thi đua, 1962. Ảnh: DƯƠNG HỒNG VIỆT.

Bùi Đình Túy người Quảng Bình, bộc lộ khả năng hội hoạ và đam mê nhiếp ảnh từ nhỏ. Học vẽ  ở Hà Nội, vào Sài Gòn hoạt động cách mạng và làm thợ vẽ cho hãng chiếu bóng. Cách mạng Tháng Tám thành công, Bùi Đình Túy được phân công phụ trách nhiếp ảnh của Sở thông tin Sài Gòn, làm phóng viên báo Cảm Tử của Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn với bút danh Đinh Thúy. Phó chủ nhiệm phân xã nhiếp ảnh đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam. Năm 1967 Bùi Đình Túy hy sinh trên đường về hậu cứ sau khi tường thuật Đại hội Anh hùng Chiến sỹ Thi đua Toàn quốc lần 2.

Cả cuốn album dày cộp, một cuộc đời lăn lộn đến vậy mà Vũ Ba chỉ có vài ảnh cá nhân. Ông nói quen chụp người khác chứ không có ảnh riêng mấy. Có một bức thú vị: Vũ Ba đang chụp ảnh Bác Hồ tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ Thi đua 1962. Người bạn bấm một bức toàn cảnh, thấy cái lưng của phóng viên ảnh. Đó, ảnh hiếm hoi có Vũ Ba, mà cũng chả thấy mặt đâu.

Có một thời như thế, và có những con người như thế của thời đã xa.

“Còn nhỏ đã đi hoạt động, tôi nghĩ mình thế nào cũng bị bắt nên lấy tên Ba để nếu bị bắt, bị tra tấn, giặc nó chửi mà gọi là ba, bố thì thích hơn. Tính tôi hay nghĩ nhiều cái vui. Nhiều năm hoạt động nhưng tôi không bị bắt, cũng có người khai nhưng tôi trốn được” 

 Nhà báo, NSNA Vũ Ba

Tôi thích nghe Vũ Ba, đúng là nghệ sĩ, tả ánh mắt “rất đẹp” của chiến sĩ lái xe Trường Sơn Lê Văn Tính. Hoặc ông kể “ức lắm” khi Tổng thống Johnson tuyên bố chỉ ném bom mục tiêu quân sự mà không nhằm dân thường, nên đã quyết lột mặt nạ ông ta bằng bức ảnh trứ danh Phúc Tân kêu gọi trả thù

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.