Giấc mơ jazz của người khiếm thị

Ban nhạc đi biểu diễn ở Lâm Đồng
Ban nhạc đi biểu diễn ở Lâm Đồng
TP - Dòng nhạc jazz kén người nghe, khó với người chơi nhưng lại cuốn hút những bạn trẻ, các em nhỏ khiếm thị. Những âm thanh quyến rũ và mê hoặc đưa các em vào thế giới mộng mơ. Nghệ sĩ khiếm thị Anh Mạnh, người hướng dẫn các bạn trẻ khiếm thị tiếp xúc với âm nhạc như một phương pháp trị liệu giúp các em tìm thấy sự lạc quan, nói: “Nhạc jazz, luôn làm cho các em vui vẻ, hưng phấn và yêu đời”.  

Nuôi dưỡng giấc mơ

Nghệ sĩ Minh Pha, giảng viên nhạc jazz Nhạc viện TPHCM đang tổ chức một lớp dạy nhạc jazz cho trẻ em khiếm thị. Nghệ sĩ nói: “Tôi giảng dạy nhạc jazz tại trường và trên online, nhiều bạn nói rằng các con muốn học nhạc jazz quá thầy ơi, thầy có cách gì giúp chúng con?”.

Nghệ sĩ Minh Pha đến các mái ấm, các trại trẻ trong thành phố và tìm kiếm các bạn khiếm thị thích chơi nhạc jazz, tổ chức cho các bạn học cùng nhau, chơi nhạc cùng nhau. Các em của mái ấm Nhật Hồng, mái ấm Thiên Ân, các bạn khiếm thị ở bên ngoài nữa đăng ký học nhạc jazz với nghệ sỹ.

Giấc mơ jazz của người khiếm thị ảnh 1 Giấc mơ nhạc jazz  

Các bạn tâm sự: “Cha và các sơ đã dạy chúng con biết về nhạc rồi. Nhưng hầu như chưa có bạn nào được học về nhạc jazz. Ai cũng nghĩ nhạc jazz khó, người sáng mắt học không nổi, huống gì chúng con”.

Như để thể hiện đam mê và năng lực âm nhạc của mình, mười mấy bạn khiếm thị ở mái ấm Nhật Hồng, Thiên Ân hàng năm trời chăm chỉ học jazz, từ chỗ không biết gì, thậm chí không có nhạc cụ, giờ đây họ đã có một ban nhạc jazz khiếm thị tại TPHCM. Các sơ ở mái ấm hết sức ủng hộ, tự hào về các em.

Ði lên từ số 0

Tổ chức một lớp nhạc jazz và xây dựng một ban nhạc jazz cho người trẻ khiếm thị hóa ra khó khăn hơn dự kiến. Nghệ sĩ Minh Pha kể: “Các con bảo thầy ơi xuống mái ấm dạy nhạc jazz cho chúng con với. Khi tôi xuống mái ấm trống không có, đàn cũng không có, chẳng có gì hết. Nhờ sự đóng góp của bạn bè, mạnh thường quân, chúng tôi giờ đây đã có đàn piano, một bộ trống jazz, đàn ghi ta. Các bạn rất vui mừng. Nhưng các bạn cũng bảo “chúng con không có tiền trả các thầy đâu”, thế là phải tìm các nguồn tài trợ để duy trì lớp học”.

Giấc mơ jazz của người khiếm thị ảnh 2 Giấc mơ nhạc jazz  

Mỗi bạn khiếm thị ở mỗi nơi, không tự đi lại được, chẳng ai khác, chính các giảng viên là người kiêm vai xe ôm chở các bạn đến lớp. Mạnh Hùng saxo, một nghệ sĩ trẻ vừa chạy xe xuống mái ấm dạy cho các em, lại vừa chở những em ở xa đến lớp, rồi chở các em về lại mái ấm của mình. Có hôm tôi gặp Hùng vào chùa để dạy cho 2 bạn trẻ nhạc jazz khi các bạn đang đi học nghề mát xa để mưu sinh sau này.

Hùng saxo từ Hà Nội vào cũng thuê nhà cửa, cuộc sống bươn chải nhọc nhằn. Anh tâm sự: “Em học kèn ở Hà Nội với thầy Quyền Thiện Đắc. Có bao nhiêu kiến thức, truyền lại cho các em khiếm thị. Các em mê nhạc quá, không muốn bỏ buổi nào, lại chẳng có tiền đi xe ôm, nên  em phải chở các bạn tới lớp”.

Chuyến lưu diễn đầu tiên

Sau hơn một năm thầy trò miệt mài dạy và học, dịp 1/6/2019 ban nhạc jazz khiếm thị của các em có chuyến lưu diễn đầu tiên tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. Lần đầu tiên lên sân khấu, các bạn vô cùng phấn khích, hồi hộp không ngủ được. Chuyến xe chở ban nhạc tới Bảo Lộc, cảnh đẹp như tranh vẽ, nhưng các bạn không nhìn thấy. Nghệ sĩ Minh Pha cho biết: “Nghị lực các em thật phi thường. Ở Việt Nam mình chưa có ban nhạc jazz nào chỉ toàn các em khiếm thị, thậm chí trên thế giới cũng rất hiếm. Buổi diễn có hàng ngàn khán giả, trẻ em trong vùng, giáo dân, các xứ và các xơ đều rất vui mừng, thích thú”.

Ban  nhạc jazz, chơi ghi ta có bạn Kỳ, bạn Hai. Hai bạn thổi kèn đều là nữ là Duyên và Lan Anh. Bạn Duyên nhìn được nhưng mờ mờ. Các bạn khác đều không nhìn thấy nốt nhạc. Tay trống là bạn Huynh, không nhìn thấy gì nhưng vẫn chơi trống tốt, chơi piano. Đàn bầu có bạn Linh. Thơm và Phước chơi Piano.

 Nghệ sĩ Minh Pha nhận xét: “Tai các bạn rất thính. Thầy đọc nốt nhạc, đọc nhịp cho các bạn, các bạn nghe rất chính xác, rất nhanh. Nhạc jazz thường chơi một chủ đề ngắn, sau đó chơi ngẫu hứng, theo thang âm, nhịp phách. Các bạn không  nhìn bản nhạc. Nếu chơi nhạc cổ điển, các bạn sẽ khó phát triển hơn chơi nhạc jazz. Bằng chứng là chỉ sau một năm, các em đã chơi jazz tốt”.

Xoa dịu nỗi buồn

Nghệ sĩ piano Anh Mạnh cũng là một người khiếm thị, song nhờ trải qua nhiều trường lớp chính quy, nghệ sĩ có nền tảng nhạc jazz rất căn bản và chuyên nghiệp. Công việc của Mạnh hiện nay là dạy nhạc cho các em khiếm thị mắc chứng trầm cảm. Mạnh nói: “Nhiều bạn trẻ cảm thấy buồn chán, cô đơn, tự kỷ, có khi tăng động. Chính những nghệ sĩ như em là nguồn động viên, dìu dắt các em vượt qua nỗi buồn, vươn tới những ước mơ đẹp trong cuộc sống”.

Nghệ sĩ Minh Pha tâm sự: “Các bạn khiếm thị đều có cuộc sống khó khăn. Chúng tôi mong muốn tổ chức cho các em một lớp học bán trú, các em có nơi ăn nghỉ, học nhạc và vui chơi, buổi tối thì trở về mái ấm. Đó cũng chính là mong ước của các em”.  Thầy Pha, thầy Hùng đều mong các em học giỏi, ban nhạc jazz của các em có thể biểu diễn, bán vé. Đây cũng là cơ hội để các bạn trẻ như Lan Anh, Huynh, Vương nuôi ý chí khổ luyện thành tài, lập nên một ban nhạc chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam có thể sống bằng nghề biểu diễn nhạc jazz.

“Dự án đào tạo nhạc jazz tại TPHCM của chúng tôi kéo dài 3 năm, các em tiến bộ rất nhanh- Thầy Minh Pha nói. Ngày nào thầy cũng qua mái ấm đón các em tới lớp, hoặc tới tận mái ấm tình thương để dạy. Thầy Hùng kèn không chỉ đón các em đến lớp học, dạy  các em mà còn nấu cơm cho các em ăn nữa!”.

Giữa một đô thị phồn hoa cuộc sống thương trường khắc nghiệt, tình cảm thầy trò, tình yêu nhạc jazz và giấc mơ một ban nhạc jazz của các bạn trẻ khiếm thị khiến các sơ ở các mái ấm thêm niềm vui, thêm nghị lực sống. Cuối tuần, người ta lại thấy ban nhạc jazz “cây nhà lá vườn” tấu lên những bản nhạc sôi động, làm cho mái ấm như được thắp lên những ngọn lửa yêu thương, lãng mạn.

Nghệ sĩ Đào Minh Pha cho biết “Để duy trì lớp học nhạc jazz cho các bạn khiếm thị tại TPHCM, chúng tôi  nhận được sự đóng góp và giúp đỡ hỗ trợ lên tới hàng trăm triệu đồng của các nghệ sĩ, mạnh thường quân khắp cả nước”. Bản thân thầy giáo Minh Pha cũng làm đủ mọi việc như dạy kèm, thậm chí … bán bia, để có kinh phí giúp các em ăn uống, học nhạc.  

MỚI - NÓNG