Giai điệu Tự hào tháng 7: Tiến hay lùi

Thế Hiển tái xuất thành công khi “Hát về anh”.
Thế Hiển tái xuất thành công khi “Hát về anh”.
TP - Hát về anh, Hãy yên lòng mẹ ơi  là những tiết mục sinh sắc nhất trong Giai điệu Tự hào tháng Bảy chủ đề “Chiều biên giới”. Một số tiết mục khác cho thấy sự đi xuống của chương trình, nhất là so với phiên bản cũ hai năm trước.

Hầu hết các bài hát vang lên trong buổi phát sóng tối 30/7 đều là lựa chọn xứng đáng: Chiều biên giới, Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp, Gửi lại em, Tình ca mùa xuân, Hát về anh, Hãy yên lòng mẹ ơi, Hoa sim biên giới...

Ca khúc Hãy yên lòng mẹ ơi được ca sĩ người Quảng Nam- Quang Hào hát đặc sánh giọng Nam bộ khiến anh trở thành của độc trong đêm diễn. Giống Đan Trường với Tình đất đỏ miền Đông trong một chương trình Giai điệu Tự hào đã lâu. Giọng ngọt ngào, phong cách giản dị trữ tình phù hợp bài hát cho thấy Quang Hào- giải Nhì Sao Mai 2005 đang ở độ chín của sự nghiệp.

NSƯT Thế Hiển ngồi ở hội đồng bình luận lớn tuổi phát biểu có vẻ hơi “đuya” nhưng lên sân khấu cùng cây guitar, anh đúng là Thế Hiển của ba chục năm trước. Vẫn giọng hát đầy chất tự sự, đầy lửa đó, phong cách truyền cảm đó. Hát về anh với sự thể hiện của chính tác giả Thế Hiển cùng một số ca sĩ trẻ và tiếng đàn violon khác lạ, là tiết mục kết hoàn hảo cho chủ đề Chiều biên giới của Giai điệu Tự hào tháng Bảy- tháng có ngày 27/7 không ai không nhớ.

Trên một tờ báo, Trần Tiến cho biết ông viết bài Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp lúc 19 tuổi, còn tối 30/7 vừa qua, tác giả kể nó được khai sinh năm ông 17 tuổi rưỡi, viết để tán công chúa Nhọt Kẹo, con gái Hoàng thân nước Lào nhân một chuyến sang Lào biểu diễn cùng đoàn thanh niên Việt Nam. Một nữ sinh Lào xinh xắn, nói tiếng Việt rau ráu xuất hiện, đưa thông tin thú vị: Con gái công chúa Nhọt Kẹo học cùng cô ở Học viện Ngoại giao (Hà Nội), vừa tốt nghiệp.

Cô gái Lào lịch sự khôn khéo khen Trần Tiến hát đúng tiếng Lào, “chuẩn hơn em hát tiếng Việt”. Được cái tác giả tinh thần tự phê cũng cao “50 năm trôi qua rồi, tôi năm nay 70 tuổi rồi hát tiếng Lào làm sao mà đúng được”. Ở tuổi bảy chục ông quả thực hát vẫn hay bài hát Cô gái Sầm Nưa nhưng khi thể hiện bằng tiếng Lào, nghe giai điệu cứ ngang ngang, không giống khi hát tiếng Việt lắm. Hay đó là chủ đích của tác giả, “phăng” đi một tí.

Chiều biên giới là ca khúc tuyệt hay của Trần Chung (phổ thơ Lò Ngân Sủn) cũng như các bài hát khác về biên giới của cùng tác giả. Cảm giác  tối 30/7, bài hát chủ đề này vang lên chưa xứng tầm của nó. Và vẫn biết các tiết mục trong Giai điệu Tự hào đều nhép cả,  nhưng “nhép” trong Chiều biên giới của hai nữ ca sĩ trung tuổi Hà Vi- Thục Hiền quả có hơi tệ, không khớp chút nào, và diễn thì quá điệu.

Sau hai năm, Giai điệu Tự hào trở lại với phiên bản mới, qui mô đầu tư dàn dựng đơn giản hơn hẳn. Các MC thì lại có phần tham dẫn dắt, diễn giải. Chất lượng khách mời ở hai hội đồng cũng trồi sụt. Có sự xuề xòa tuế tóa trong giao lưu, hát hò phía bên dưới sân khấu. Yêu cầu đối với ca sĩ thể hiện có vẻ ngày một thấp. Một người hỏng giọng có thể xuất hiện ở những chương trình như thế này vì lý do riêng nhưng dung lượng nên vừa phải. Cứ đà này có ngày khán giả cũng trở thành ca sĩ bất đắc dĩ trong chương trình.

Nói về khán giả. Ê-kip làm chương trình cũng tỏ ra dễ dãi khi chịu khó cận cảnh khán giả để đặc tả, lấy nét cảm xúc của họ. Khán giả nhiệt thành biểu cảm, hào hứng hát theo, tốt thôi, nhưng đâu phải không có những người diễn quá đà, hoa chân múa tay. Mà cái gì quá đều phản cảm.

Kinh phí eo hẹp hơn, vốn liếng trong kho không còn quá nhiều, vẫn có thể làm một chương trình sâu sắc được. Nhất là cần chắt lọc ngôn từ tránh sáo rỗng, chứ nghe công thức mào đầu mỗi chương trình Giai điệu Tự hào phiên bản mới do hai MC đọc, dễ mà có người không hiểu: “Lịch sử vang lên trong những giai điệu đẹp. Ẩn sau đó là những niềm tự hào, những cảm xúc từ quá khứ trao gửi lại tương lai... Đừng hát bằng trái tim của người khác. Hãy hát bằng niềm tự hào từ chính trái tim mình...”.

MỚI - NÓNG