GIải thưởng sách: Không thể cứ trao xong lại cất kho

Vẫn cứ lo sách trao giải xong lại cho vào kho.
Vẫn cứ lo sách trao giải xong lại cho vào kho.
TP - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo (ảnh), Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ nhất trao đổi quanh tiêu chí và kỳ vọng khi Giải thưởng sách Việt Nam được nâng tầm thành Giải thưởng Sách quốc gia.

Ông có thể cho biết sự khác biệt lớn nhất khi Giải thưởng sách Việt Nam thường niên được nâng tầm thành Giải thưởng Sách quốc gia?

Đây là quyết định của Thủ tướng.Trước đây chỉ có giải Sách hay và Sách đẹp, nay nâng lên năm loại, thêm các hạng mục như sách giá trị cao, sách bán chạy.

GIải thưởng sách: Không thể cứ trao xong lại cất kho ảnh 1  

Giải lần này triển khai tương đối gấp, vì thế Bộ quyết định cứ trao hai giải như cũ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Tiêu chí giải cao hơn so với trước đây, để đảm bảo tính chính trị tư tưởng và nhân văn, đi liền với nó là tính quảng bá. Sách hay, sách tốt mà không có người đọc thì đáng bàn.

Không phải bây giờ nhiều người mới lo lắng việc sách trao giải xong cất kho. Hội đồng giải thưởng có giải pháp nào để quảng bá tác phẩm đạt giải ?

Quảng bá là một trong những điều tôi cho rằng Giải thưởng sách Việt Nam chưa làm được. Hội nghị Trung ương 6 ra Nghị quyết 19 về sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp trong đó có các hội, vì thế quảng bá sách cần bàn tính.

Quảng bá đương nhiên cần thiết nhưng quảng bá thế nào, kinh phí từ đâu: Nhà nước cũng hỗ trợ nhưng chỉ phần nào thôi, không nên trông chờ nhà nước. Cơ quan quản lý cần tiếp tục nghiên cứu vấn đề xã hội hoá trong xuất bản và quảng bá tác phẩm. Giải thưởng có được vị thế hay không cần hiệu ứng tác phẩm được giải có lan truyền rộng rãi hay không, nếu không cứ trao giải rồi cất kho chẳng ai biết gì cả.

Giải thưởng được nâng tầm, tiêu chí khắt khe hơn nhưng như ông nói thời gian triển khai gấp gáp liệu có ảnh hưởng tới sách dự giải?

Số lượng và chất lượng sách dự giải năm nay không hề kém, bởi vì trong quá trình thực hiện chúng tôi yêu cầu Hội Xuất bản tiếp tục thông báo cho các NXB, các nhà sách chủ động đăng ký từ giữa năm ngoái. Năm nay có bảy tiểu ban. Danh sách đề cử cuối cùng chỉ có ba giải A sách hay. Tiểu ban sách thiếu nhi chẳng hạn thậm chí không có giải A, B Sách hay. Tôi mừng vì tiểu ban làm việc chặt chẽ, và buồn ở chỗ chất lượng sách cho thiếu nhi ngày càng đáng ngại.

Một số giải sách chuyên ngành không hiếm lùm xùm-sách trao giải xong phát hiện sai sót thậm chí đạo bản quyền. Với Giải thưởng Sách Quốc gia thì sao?

Tôi cho rằng cần rà soát khiếu nại có chính xác hay không, đối chiếu tác phẩm, quy định và định hướng. Ở bất cứ giải thưởng nào, nếu có vấn đề nảy sinh thì hội đồng có thể xem xét để thu hồi. Hội đồng có trách nhiệm chứng minh mình đúng hay chưa, nếu quyết định chưa đúng phải có giải pháp phù hợp.

Khi các NXB, nhà sách đề cử lên sẽ có bộ phận rà soát đã phù hợp quy định chưa, bởi muốn được giải trước tiên sách phải đúng đã, sau đó các tiểu ban xem xét nội dung. Chúng tôi từng lọc ra một số tác phẩm xuất bản rồi nhưng chưa có giấy phép đồng ý phát hành của Cục Xuất bản, In và Phát hành. Có người đề xuất, trước khi Hội đồng công nhận giải chính thức thì nên đăng cuốn dự kiến trên báo chí để lấy ý kiến dư luận. Chúng tôi đang cân nhắc bởi vì quy chế chưa có, nhưng sẽ xem xét và sửa đổi dần cho lần xét giải tiếp theo. Sự giám sát của xã hội đối với tác phẩm xuất bản rất tốt.        

Đề cử giải Sách hay năm nay có 22 tác phẩm, trong đó ba giải A: Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam kỳ (1959-1954), Góp phần nghiên cứu lịch sử văn hoá Việt Nam, Vi tảo biển dị dưỡng Labyrinthula, Schzochytrium, Thraustochytrim mới ở Việt Nam: Tiềm năng và thách thức, 9 giải B và 10 giải C. Giải Sách đẹp có 13 đề cử, trong đó có ba giải A: Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội, Di sản Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, Atlas tổng hợp vùng Tây Nguyên.

MỚI - NÓNG