Giải thưởng sân khấu “vừa đá bóng vừa thổi còi”

Ông Lê Tiến Thọ (đứng giữa) nhận ba giải thưởng trong Lễ trao tặng các giải thưởng nghệ thuật năm 2016 diễn ra ngày 1/10.
Ông Lê Tiến Thọ (đứng giữa) nhận ba giải thưởng trong Lễ trao tặng các giải thưởng nghệ thuật năm 2016 diễn ra ngày 1/10.
TP - Đầu tháng 10, Giải thưởng hàng năm của Hội nghệ sĩ sân khấu vừa công bố, dư luận đã xôn xao vì Chủ tịch Hội kiêm Chủ tịch hội đồng nghệ thuật tự chấm đến ba giải cao nhất cho mình (một giải A, hai giải B). Trình tự “sai lầm lặp lại” y hệt như giải thưởng nhiếp ảnh hồi đầu năm.

Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật được ba giải

Theo các phản ánh đến TPCN, trong QĐ số 190/QĐ- HNSSK về việc khen thưởng cho các tác phẩm sân khấu năm 2016 do ông Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam ký ngày 20/9/2017, có ba tác phẩm đoạt giải cao nhất đều của ông Thọ. Cụ thể: giải A vở “Hoàng thúc Lý Long Tường” với vai trò tác giả, giải B vở “Vụ án Lệ Chi Viên” với vai trò tác giả, và giải B vở “Thoại Khanh - Châu Tuấn” với vai trò đạo diễn. Trước đó, trong quá trình xét giải, bản thân ông Thọ là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật. 

Cũng theo các kiến nghị: một thành viên Hội đồng nghệ thuật khác, ông Nguyễn Đăng Chương trong dịp này cũng được đến hai giải A cho Vở diễn sân khấu xuất sắc là: “Thầy và trò” và “Không phải là vụ án”. 

Đây không phải là lần đầu tiên các giải thưởng văn học nghệ thuật có hiện tượng chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, hoặc trưởng ban giám khảo tự chấm giải nhất cho mình. Gần đây nhất, hồi tháng ba, trong cuộc thi “Nhiếp ảnh nghệ thuật đồng hành cùng đất nước 30 năm đổi mới”, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam - Vũ Quốc Khánh đồng thời là Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, kiêm Chủ tịch Hội đồng thẩm định đã cùng lúc giành 1 giải A và 1 giải C chung cuộc. Sau đó, do các phản ứng dữ dội từ dư luận, ngày 21/3, ông Khánh đã gửi thư ngỏ xin tự rút 2 giải thưởng trong triển lãm.  

Một đạo diễn trẻ cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng, sau sự cố Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phải trả hai giải thưởng, người ta sẽ biết rút kinh nghiệm, nhưng không ngờ sự việc càng ngày càng trắng trợn. Cả nước có hơn 2000 hội viên Hội sân khấu, chẳng lẽ hiếm có một vài tài năng, để đến mức mình ông Chủ tịch Hội phải “đóng cả ba vai chèo”? Trong khi, tôi biết nhiều tác phẩm thực sự tốt thì lại không được đưa vào xét duyệt. Có những tác phẩm anh em đạo diễn và tác giả kịch bản cho là mười mươi đoạt giải thì bị loại. Nhìn vào danh sách các tác giả và tác phẩm vừa dự thi, vừa tự chấm, một số anh em nghệ sĩ chỉ “cười ruồi”, trong khi một số khác khá bức xúc. Có cảm giác giải thưởng như là vật trong túi của các thành viên Hội đồng nghệ thuật vậy, muốn chia thế nào thì chia. Nếu tình hình giải thưởng cứ xập xí xập ngầu kiểu này, tôi e là uy tín của giải sẽ mất hết”.

Giải thưởng sân khấu “vừa đá bóng vừa thổi còi” ảnh 1 Tác giả Nguyễn Thế Khoa.

“Người tự trọng thì không nên nhận giải”

Trả lời cho câu hỏi: khi chủ tịch Hội đồng nghệ thuật có đến ba tác phẩm đoạt giải cao nhất trong năm có được các nghệ sĩ sân khấu coi là bình thường không, tác giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa (chi hội trưởng chi hội sân khấu) cho biết: “Ở góc độ nào đấy người ta coi là bình thường, ở góc độ khác là bất thường. Một lãnh đạo Hội, là người chủ trì trao giải mà lại được đến mấy giải cao nhất, cái đó không thể coi là bình thường. Các anh ấy giải thích rằng vì quy chế không cấm và vì tập thể đưa lên, nhận giải cũng không vi phạm. Nhưng nếu là những người tự trọng thì không bao giờ họ nhận giải thưởng. Có những người đã từng từ chối đưa tác phẩm vào xét giải khi mình là một thành viên Hội đồng nghệ thuật. Trong khi một số khác coi là đương nhiên. 

Gần đây, may là nhiều người đã thấy hiện tượng này là bất thường. Một số lãnh đạo đã trả lại giải là vì thế. Không ai bắt, nhưng người ta tự xấu hổ. Nhà thơ Hữu Thỉnh trả lại giải A tập thơ “Thương lượng với thời gian”, hay ông Vũ Quốc Khánh trả lại hai giải nhiếp ảnh. Mặc dù quá trình xét giải được cho là đúng quy trình nhưng anh em đều thấy chuyện này rất phản cảm và họ thắc mắc rất ghê.  

Một lãnh đạo Hội, là người chủ trì trao giải mà lại được đến mấy giải cao nhất, cái đó không thể coi là bình thường.

Cái giải này còn kỳ lạ ở chỗ, ông Lê Chức là phó chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu, trưởng ban sáng tác nhưng lại không có tên trong Hội đồng nghệ thuật, ông Nguyễn Văn Bộ là phó chủ tịch được giao phụ trách nghệ thuật, ông Võ Trọng Nam phụ trách Hội ở phía Nam cũng không có trong hội đồng. Thành ra người ta nói cái Hội đồng này do ông Chủ tịch tự biên tự diễn là vì vậy. Giải do Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật đề nghị, rồi Chủ tịch lại ký quyết định trao giải. Trong khi các phó chủ tịch nói với tôi là họ không biết gì, đến khi công bố giải mới biết”.

Khi được hỏi, sự việc một tác giả cùng lúc đoạt ba giải cao ở cả lĩnh vực kịch bản và đạo diễn trong lịch sử sân khấu có nhiều không, ông Khoa khẳng định: “Tôi không nhớ hết, nhưng tôi nhớ một người được một lúc ba giải thì hiếm có. Có người hai giải thì từng có tiền lệ. Nhưng trước đây, một tác giả cùng lúc được hai giải là hiếm lắm. Gần đây mới nhiều lên hiện tượng này. Không biết có phải tài năng hiếm quá không? Thậm chí những người vừa là tác giả vừa là đạo diễn cũng không nhiều lắm đâu. Kể cả những người vừa là đạo diễn vừa là tác giả giỏi như Doãn Hoàng Giang cũng chưa từng được ba giải trong một năm”.

Giải thưởng sân khấu “vừa đá bóng vừa thổi còi” ảnh 2 Biên kịch Vương Huyền Cơ.
“Từ lâu chúng tôi không còn háo hức với các giải của Hội”

Trong danh sách giải thưởng của Hội sân khấu Việt Nam năm nay, các tác giả và đạo diễn phía Nam chiếm một tỷ trọng rất nhỏ. Lý giải về chuyện này, bà Vương Huyền Cơ (người nổi tiếng là tác giả sống được và sống khỏe bằng nghề viết kịch bản sân khấu) cho biết: “Từ lâu tôi đã không còn quan tâm đến vấn đề này. Những khuất tất xảy ra nhiều năm rồi. Từ lâu chúng tôi, những anh em nghệ sĩ phía Nam đã không còn háo hức với các giải thưởng của hội, cũng không còn cảm thấy vinh dự để nhận giải. Đây có lẽ là tật chung mà hội nghệ thuật nào cũng mắc phải.

Ví dụ sự việc xảy ra một lần, hai lần chúng ta còn đánh dấu hỏi có sai lầm kia khác nhưng khi nó xảy ra liên tục và thành hệ thống, vậy thì xem như nó đã khuất tất thành thói.

“Từ lâu tôi đã không còn quan tâm đến vấn đề này. Những khuất tất xảy ra nhiều năm rồi.

Lâu rồi tôi ít gửi tác phẩm tham dự các giải sân khấu. Bởi tôi không hiểu họ dựa vào tiêu chí nào để chấm giải. Cứ cho là lấy tư tưởng chính trị làm chủ đạo đi, thì cũng còn phải căn cứ vào tính cách, cách xây dựng nhân vật, lời thoại, bố cục v.v… Ít nhất phải có tiêu chí xét duyệt rõ ràng. 

Có nhiều lần tôi cũng được đọc những tác phẩm được giải cao, và tôi thường tự hỏi, không biết nó được giải vì nguyên nhân gì? Mỗi lúc như thế, đành phải tự an ủi là có lẽ mình không đủ trình độ thẩm định. Cũng tự biết là tác phẩm của mình không thuộc những dòng như vậy, nên thôi né cho lành. Chỉ cần cái mình viết ra đến được với khán giả. Nhiều đồng nghiệp của tôi có tâm lý tương tự. 

Để xét những giải thưởng lớn như Giải thưởng Nhà nước hoặc Giải thưởng Hồ Chí Minh, người ta cần phải có những giải nghề nghiệp cho đủ tiêu chuẩn, họ cần giải thưởng để hợp thức hóa. Tốt thôi, đoạt giải tự sướng về mặt tinh thần, còn nó có đến được với khán giả, có được yêu thích, có sống được với thời gian hay không, là chuyện khác. Giải thưởng sân khấu là sân chơi riêng ở ngoài Bắc. Trong này chúng tôi đã lâu không còn quan tâm đến nó vì biết trước kết quả sẽ là như thế rồi”!

MỚI - NÓNG