Giữ hồn kèn Chăm nơi Thánh địa

Gần mười năm nay, Thiên Thành Vũ là người giữ hồn kèn saranai, giữ văn hóa nghệ thuật Chăm giữa lòng Thánh địa. Ảnh: Giang Thanh
Gần mười năm nay, Thiên Thành Vũ là người giữ hồn kèn saranai, giữ văn hóa nghệ thuật Chăm giữa lòng Thánh địa. Ảnh: Giang Thanh
TP - Gần mười năm nay, tiếp nối người thầy của mình, nghệ nhân người Chăm Thiên Thành Vũ (sinh năm 1990, quê ở Ninh Thuận) ngày ngày miệt mài giữ tiếng kèn saranai vang vọng mãi giữa lòng Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam).

Gạch nối thế hệ

Trong không gian tĩnh mịch giữa lòng Mỹ Sơn chỉ nghe tiếng bước chân người, thi thoảng có tiếng gió xào xạc, xa xa bỗng văng vẳng tới tiếng kèn réo rắt lúc trầm lúc bổng. Một nhóm du khách đứng quây quanh nhóm nghệ sĩ Chăm trong trang phục nổi bật trên nền những đền tháp rêu phong. Tiếng kèn độc tấu lảnh lót khoảng vài phút, sau đó tiếng trống, tiếng chiêng cùng hòa nhịp tạo nên bản hợp âm lôi cuốn.

Phần trình diễn kéo dài khoảng 20 phút đủ khiến đám đông lặng người trước điệu kèn saranai truyền thống của người nghệ sĩ Chăm – anh Thiên Thành Vũ. Ánh nắng hắt lên khuôn mặt ngăm đen với bộ râu rậm rạp. Vũ quấn khăn, túm gọn mái tóc dài, nom chững chạc như những bậc vai vế trong cộng đồng Chăm. Nếu không hỏi tuổi, chẳng ai nghĩ Vũ mới chỉ bước sang tuổi ba mươi.

Vũ là truyền nhân người Chăm duy nhất của nghệ sĩ dân gian Trượng Tốn – nghệ nhân Chăm đã gắn bó cả cuộc đời để giữ tiếng kèn saranai nơi Thánh địa Mỹ Sơn. Vũ như là gạch nối thế hệ, nối những bậc cao niên bỏ cả cuộc đời để gìn giữ vốn văn hóa nghệ thuật Chăm và lớp thanh niên Chăm của hiện tại.

Sinh ra trong một gia đình người Chăm có truyền thống nghệ thuật với nhiều đời làm nhạc cụ Chăm có tiếng ở Ninh Thuận, từ nhỏ, Thiên Thành Vũ đã lớn lên bên chiếc kèn saranai, trống paranưng, trống ginăng... Những loại nhạc cụ truyền thống ở làng Chăm Phước Hữu (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) chỉ dăm ba người biết chơi, toàn những người ở tuổi gần đất xa trời. 

Ông nội và ba là những người dìu dắt Vũ đến với nghệ thuật truyền thống. Năm 12 tuổi, Vũ biết thổi kèn saranai. Muốn thổi loại nhạc cụ này không phải dễ, Vũ dành 2 năm để học cách giữ cột hơi, mất 3 năm để thổi thành thạo. “Mình vẫn nhớ những lần tập kèn, mình phải đi bộ xa lắm, ra tận cánh đồng, tận gò cao, xa hẳn với làng để tập. Người Chăm quan niệm tiếng kèn, tiếng trống chỉ được vang lên trong làng vào những dịp lễ đặc biệt, còn ngày thường, nếu vang lên tiếng kèn, tiếng trống thì đó là điềm xấu”, Vũ kể lại.

Cái duyên tình cờ giúp Vũ gặp được thầy Trượng Tốn trong một lần ông đến Ninh Thuận để tìm người truyền nghề. Vũ theo thầy Tốn đến Mỹ Sơn để học thêm. Khi thầy mất, Vũ định khăn gói trở về quê hương, nhưng lời dặn của thầy cùng sự chân tình của BQL Di tích đã níu chân Vũ ở lại với đền tháp Mỹ Sơn. Từ đó đến nay đã ngót nghét mười năm, tiếng kèn saranai nơi Thánh địa Mỹ Sơn chưa bao giờ “đứt quãng”. Vũ giờ có thêm một đệ tử, một thanh niên Chăm 9x đời cuối tên Phú Bình Huyện.  

Mang hồn Chăm ra thế giới

Kèn saranai – loại nhạc cụ mà Vũ chơi thành thạo nhất (nếu không muốn nói là bậc thầy) – chính là nhạc cụ đặc trưng cho nghệ thuật Chăm. Cây kèn saranai bé chỉ dài khoảng 2 gang tay, trước kia, thân kèn được làm từ xương voi, sừng trâu, nhưng nay được thay thế bằng gỗ cây me cổ thụ. Kèn tượng trưng cho “nhân” với 3 phần: đầu, mình và chân; 7 lỗ trên kèn tượng trưng cho 7 lỗ trên đầu người (miệng, 2 mắt, 2 tai và 2 lỗ mũi). Âm sắc của saranai không hề sôi động, cảm tưởng lúc nào cũng buồn man mác giữa thinh không. Hỏi Vũ, cậu bảo vì tiếng kèn saranai tượng trưng cho sự gặp gỡ, kết nối của những linh hồn người đã khuất.

Kèn saranai không thế thiếu trong bất kì lễ hội quan trọng nào của người Chăm như Lễ hội đầu năm của người Chăm - Rija Nưga, Lễ hội Katê hay mừng đôi lứa trong ngày cưới... Song hành cùng kèn saranai là trống ginăng (được ví như trời), trống paranưng (được ví như đất). Ba loại nhạc cụ này đi với nhau tượng trưng cho thiên – địa – nhân
hòa hợp.

Thanh âm tăk, tăm, tầm của trống paranưng hòa cùng những nhịp trống ginăng (tơk, ting, tik, cleng, clèng…) khỏe khoắn dưới sự dẫn dắt đầy mê hoặc của tiếng kèn saranai hòa nhịp cùng những vũ nữ múa điệu múa Chăm truyền thống là nét đặc trưng không thể trộn lẫn trong nền văn hóa Chăm. “Trống ginăng có 72 điệu, tiếng kèn saranai thổi theo 72 điệu trống này, mỗi nhịp trống là một điệu múa. Mỗi điệu lại dành riêng cho 1 vị thần. Những điệu này trước đây vốn chỉ được truyền khẩu từ đời này qua đời khác. Ngày bé, mình được học hết những điệu này từ ba. Ðến nay, thầy Tốn đã kí âm 72 điệu này để giữ mãi nghệ thuật Chăm từ đời này qua đời khác”, Vũ chia sẻ.  

Cái khó nhất của nghệ thuật thổi kèn saranai chính là kỹ thuật lấy hơi và giữ hơi bởi một điệu kèn saranai không bao giờ được phép đứt quãng. Thiên Thành Vũ phải mất 2 năm, Phú Bình Huyện mất 5 năm để học kỹ thuật đó. “Những người trẻ khi tập thổi saranai dễ bỏ cuộc nhất là ở giai đoạn này. Ðể thổi được kèn saranai phát ra tiếng thông thường thì dễ, nhưng để thổi được một hơi dài không đứt quãng cả dăm mười phút thì không hề dễ”, Vũ giải thích.

Hôm chúng tôi đến, có một vị khách Pháp đứng chờ rất lâu, chỉ để hỏi Vũ có thực sự thổi được một hơi dài như vậy bởi ở xứ ông cũng có loại kèn hình dạng như thế nhưng chẳng ai có thể thổi liên tục không dứt như vậy. Vũ nhiệt tình quay qua giải thích cho vị khách kia, rồi kể: “Nhiều khách đến đây hỏi mình vậy lắm. Họ không tin có thể thổi được hơi dài như thế. Chính sự quan tâm, yêu thích của du khách đã níu chân mình ở lại Mỹ Sơn vì mình muốn mang kèn saranai nói riêng và cả nghệ thuật Chăm nói chung đến với bạn bè trong nước và cả quốc tế. Ðể họ hiểu và yêu văn hóa của dân tộc mình. Ðể người trẻ Chăm có động lực học những văn hóa truyền thống của cha ông để lại”.

Lúc còn ở quê, Vũ vẫn thường chỉ cho bạn bè, trẻ con trong làng thổi kèn saranai, chơi các loại nhạc cụ truyền thống. Cậu học trò của anh – Phú Bình Huyện trước khi ra Mỹ Sơn biểu diễn chuyên nghiệp cũng đi dạy nhạc cụ truyền thống cho những đứa trẻ Chăm ở khắp vùng Ninh Thuận. “Mình muốn những đứa trẻ Chăm được lớn lên bên cây kèn Chăm, trong điệu múa Chăm. Văn hóa của dân tộc mình phải do chính thế hệ sau học tập, gìn giữ và phát triển”,
Vũ nói.

"Ngoài những di sản vật thể đang hiện hữu, Ban quản lý còn mong muốn giới thiệu cả những di sản phi vật thể, trong đó có sinh hoạt nghệ thuật và nghi lễ của người Chăm. Chúng tôi đã tìm vào Ninh Thuận để gặp gỡ và mời các nghệ nhân về làm việc tại Mỹ Sơn. Trong suốt thời gian qua, nhờ sự hợp tác của các nghệ nhân người Chăm như Thiên Thành Vũ, chúng tôi đã xây dựng nên một chương trình múa Chăm thường xuyên biểu diễn hằng ngày có 4 suất diễn trong nhà và 2 suất tại chân tháp để quảng bá, giới thiệu và bảo tồn văn hóa Chăm", ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, cho biết.

Giữ hồn kèn Chăm nơi Thánh địa ảnh 1 Cây kèn saranai - loại nhạc cụ đặc trưng trong văn hóa nghệ thuật Chăm. Ảnh: X.S
MỚI - NÓNG