Góc khuất Thanh Tùng

Nhạc sĩ Thanh Tùng năm 2008. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Nhạc sĩ Thanh Tùng năm 2008. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
TP - Thanh Tùng nằm trong số nhạc sĩ Việt Nam… giàu nhất, không hẳn vì tài kinh doanh mà vì có người vợ giỏi giang. Cuộc hôn nhân phản ánh vào những ca khúc của ông trở thành một trong những chuyện tình đẹp. Tuy nhiên cuộc đời đầy sóng gió, nhiều góc khuất của Thanh Tùng chắc cũng khó nghệ sĩ nào sánh bằng.

Sự nghiệp âm nhạc của Thanh Tùng nhận đánh giá tốt đẹp từ đồng nghiệp và sự yêu mến của công chúng. Những bản tình ca của ông  ngọt ngào, dễ nghe nhưng không dễ bắt chước. Để lại không quá nhiều tác phẩm nhưng số bài hay chiếm tỷ lệ cao. Cuối những năm 1980, đầu 1990, không ca sĩ nổi tiếng nào ở Việt Nam không hát Hoa tím ngoài sân, Giọt nắng bên thềm, Mưa ngâu, Hát với chú ve con, Lối cũ ta về, Giọt sương trên mi mắt, Phố biển

Thanh Tùng sinh tại Nha Trang, theo bố mẹ ra Bắc tập kết. Bố của nhạc sĩ chính là đại biểu quốc hội đầu tiên ở Nha Trang. Thanh Tùng học chỉ huy dàn nhạc giao hưởng ở Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Vốn nhạc nhẹ ông tự đào tạo. Ông được biết đến khi về làm việc cho Đài Truyền hình TPHCM và dàn dựng cho ca sĩ Ngọc Bích Lời tỏ tình của mùa xuân, Cám ơn mùa thu…

Anh nghĩ sao về ý kiến Thanh Tùng là người mở đầu cho nhạc pop Việt Nam?

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Mở đầu thì không biết ai nhưng là một trong những nhạc sĩ hàng đầu. Hàng đầu thì oai hơn mở đầu chứ. Còn Ông hoàng nhạc pop phải là Trần Tiến. Tất nhiên cả nghìn nhạc sĩ Việt Nam có mấy người sánh với Thanh Tùng.

Nhà văn Nguyễn Thế Khoa (nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Phú Khánh) thời còn làm trưởng đoàn ca nhạc Hải Đăng là người đưa Thanh Tùng trở lại với sân khấu sau một vụ scandal lớn lúc bấy giờ. Thế Khoa kể: “Thanh Tùng bắt đầu nổi từ khi xây dựng dàn nhạc nhẹ bán cổ điển cho Đài Truyền hình TP. Sau đấy dính một vụ rất lớn, không ai mời nữa. Bọn tôi muốn xây dựng đoàn Hải Đăng thành đoàn ca nhạc nhẹ kiểu bán cổ điển. Anh giúp Hải Đăng xây dựng 3 chương trình trong 3 năm, đến 1986 được giải Nhất tại Hà Nội. Anh góp phần làm Hải Đăng từ chỗ vô danh thành đơn vị ca nhạc vào loại hàng đầu trong nước trong 10 năm”. “Có thể nói anh là nhạc sĩ nhạc nhẹ đầu tiên mà có ý thức, có lý luận hẳn hoi về nhạc nhẹ,” ông Khoa nhận định. Các bài hát của Thanh Tùng có giọng điệu khác biệt so với mặt bằng ca khúc bấy giờ để lại dấu ấn cho lớp nhạc sĩ kế cận. Nhạc sĩ Quốc Bảo: “Nếu không có anh Thanh Tùng, chúng tôi sẽ viết những bài hát không ai nhớ nổi vì cứ muốn nhét đầy các thông điệp xã hội/chính trị vào”.


Không chỉ tài năng, giàu có, Thanh Tùng còn biệt tài kể chuyện tiếu lâm. Vì thế luôn được phụ nữ vây quanh trong các cuộc vui. Vợ mất, Thanh Tùng càng uống nhiều rượu dù đã bị tiểu đường. Nhà văn Nguyễn Đông Thức kể, các nhạc sĩ trong nhóm Những Người Bạn hàng ngày phải chia ca để tiếp rượu Thanh Tùng thời gian này. Ông yếu hẳn đi sau cơn đột quỵ năm 2008, phải ngồi xe lăn và chạy thận. Tuy vậy những đêm nhạc của ông vẫn đều đặn được tổ chức. Khán giả vẫn đông, dù gần như chỉ chừng ấy bài hát quay vòng.

Tùng Dương cho hay ông đã gọi anh tới tận nhà tập Chuyện cổ Nghi Tàm để trình diễn trong chương trình Hoa cúc vàng tháng 5/2008. Đây là lần cuối cùng khán giả được thấy nhạc sĩ trên sân khấu. Tùng Dương kể: “Đến nhà tập rất lâu, ông rất hài hước. Ông kể chuyện đời, ông nói, Tùng Dương phải mê nhiều gái vào thì hát mới hay được. Sau này, tôi còn đến thăm nhạc sĩ 2 lần nhưng ông không còn khỏe cũng không minh mẫn để nói những câu chuyện dí dỏm.”

MỚI - NÓNG