Good Morning Vietnam - cái nhìn chân thực về chiến tranh ở Việt Nam

Good Morning Vietnam - cái nhìn chân thực về chiến tranh ở Việt Nam
TPO - Được Viện phim Mỹ (AFI) xếp là một trong 100 bộ phim hài hay nhất mọi thời đại, bộ phim Good Morning Vietnam do đạo diễn Barry Levinson dàn dựng vào năm 1987 có nội dung nói về chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Các nhà làm phim Mỹ đã thẳng thắn thừa nhận sai lầm về chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam.

Thừa nhận chiến tranh phi nghĩa

Lấy bối cảnh năm 1965 tại Sài Gòn, anh chàng phát thanh viên tên Airman Adrian Cronauer (Ronbin Williams thủ vai) làm nhiệm vụ đọc tin tức và dự báo thời tiết cho Đài phát thanh quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Với năng khiếu hài hước sẵn có, Cronauer không đọc tin theo cách thông thường mà thêm vào những câu hài hước hay châm biếm, mà mở đầu luôn là Good Morning Vietnam.

Điều này đã gây thích thú cho những người lính Mỹ đang phải đối diện với mũi tên hòn đạn ngoài chiến trường. Tuy nhiên, Cronauer lại bức xúc anh chỉ được đọc những thông tin đã qua kiểm duyệt, còn những tin tức nóng bỏng như quân đội Mỹ thất bại trên chiến trường nào, những vụ nổ bom gây thiệt hại bao nhiêu lính Mỹ, thì lại bị cắt đi.

Trong đó, một lần Cronauer chứng kiến 2 người bạn mình bị chết trong vụ đánh bom, anh đã bức xúc động đọc bản tin bị cấm đó nên bị kỷ luật.

Sau đó, viên chỉ huy của Cronaue tìm cách triệt hạ anh bằng cách cấp lệnh cho anh đi vào vùng nguy hiểm và anh súyt bị bắn chết.

Trở lại Sài Gòn, trước áp lực của binh lính Mỹ viết thư đòi Cronauer đọc tin tiếp nên cấp trên đồng ý nhưng Cronauer đã từ chối và lên đường trở về Mỹ.

Trước khi lên máy bay, Cronaue gửi cho người bạn bản tin cuối cùng mà anh đã đọc sẵn với câu nói Goodbye Việt Nam.

Trong những ngày ở Việt Nam, Cronauer làm quen cô gái Việt tên Trinh (diễn viên người Thái Lan Chintara Sukapatana thủ vai) nhưng bị người em trai của Trinh tên Tuấn (Trần Thanh Tùng thủ vai) cản trở.

Cronauer đã tìm cách làm quen Tuấn và cả 2 trở thành bạn thân. Tuấn chính là người cứu Cronauer trong chuyến đi dã ngoại. Cronauer phát hiện Tuấn tham gia cách mạng, tổ chức trận đánh bom làm chết 2 người bạn của Cronauer mấy hôm trước, đang bị quân đội Mỹ truy lùng.

Cronauer đã đi tìm Tuấn để trút sự căm phẫn. Tuấn đã phản kháng lại mạnh mẽ: “Các ông đến xâm lược đất nước tôi, giết hại đồng bào tôi thì tôi phải làm như thế!”. Cronauer đã thừa nhận điều đó rồi để Tuấn đi.

Đây chính là điểm nhấn của bộ phim. Dù các nhà làm phim đến từ Mỹ nhưng họ có một cái nhìn rất chân thực khi để nhân vật nói lên sự thật, dù sự thật đó sẽ làm cho nhiều người không thích bởi nó phản ánh rõ cuộc chiến tranh phi nghĩa do Mỹ tổ chức. Và những người dân Việt có quyền đứng lên chống lại những kẻ xâm lược để bảo vệ đất nước.

Hình ảnh những người lính Mỹ đang đi càn hay đang đóng chốt nhưng luôn bơ phờ, uể oải, bởi họ đang phải tham gia cuộc chiến phi nghĩa do chính quyền Mỹ phát động. Họ cũng là nạn nhân của cuộc chiến này và với với họ, niềm vui chỉ còn là những câu nói hài hước đầy phù phiếm của Cronauer.

Những hạt sạn

Chỉ có điều đáng tiếc, bộ phim nói về cuộc chiến tranh ở Việt Nam với bối cảnh chính là Sài Gòn, nhưng lại được quay tại BangKok, Thái Lan. Điều đó khiến cho tính chân thực của bộ phim Good Morning Vietnam giảm đi rất nhiều.

Dù các nhà làm phim đã cố gắng dựng lại một Sài Gòn của những năm 60 với những tà áo dài thướt tha, những chiếc xích lô và phụ nữ gồng gánh chen lẫn những chiếc xe nhà binh chạy nối đuôi, nhưng khẩu hiệu tiếng Việt trên cây vẫn nhiều lỗi.

Các cửa hàng toàn bằng tiếng Thái, trong rạp phim chiếu phim phụ đề cũng bằng tiếng Thái. Cảnh ven đô ở Sài Gòn là những căn nhà của người Khme ở tận miền Tây.

Hay những lỗi về phong tục tập quán như khi Cronauer hẹn hò với cô gái, cả họ nhà cô cùng đi theo. Nhà Trinh rất nghèo nhưng lúc nào cô cũng thướt tha áo dài để đi học… tiếng Anh.

Giá như bộ phim được quay tại chính Việt Nam và có sự tư vấn của những nhà văn hóa Việt thì có lẽ những sai sót này sẽ không xảy ra.

Tuy nhiên, bỏ qua những hạt sạn, Good Morning Vietnam vẫn thực sự là phim đáng xem, bởi dù phim do Mỹ sản xuất nhưng những nhà làm phim đã dám nói lên sự thật, mạnh dạn lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam.

Dù hình ảnh người Cộng sản trong phim chỉ được thể hiện qua vai diễn chàng trai trẻ tên Tuấn nhưng cũng nói lên phần nào sự phản kháng của chính nghĩa, dám đứng lên đấu tranh của một thế hệ người Việt yêu nước.

Câu nói cuối phim của Cronauer Goodbye Vietnam cũng đã thể hiện được hình ảnh dự báo: Người Mỹ sẽ phải rời Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.