Hạ giải thánh đường 135 tuổi

Nhà thờ mới sẽ được dựng trên nền nhà thờ cũ Ảnh: MINH ĐỨC
Nhà thờ mới sẽ được dựng trên nền nhà thờ cũ Ảnh: MINH ĐỨC
TP - Mái ngói, chân đá, cấu kiện cửa sắt... của nhà thờ Bùi Chu lần lượt được hạ giải. Thánh đường 135 tuổi sau gần một năm trì hoãn phá dỡ sắp có diện mạo mới, dù tới tận thời điểm này vẫn chưa nguôi những ý kiến tranh luận.

HẠ CŨ, DỰNG MỚI

Linh mục Giuse Nguyễn Đức Giang, Tổng đại diện, Trưởng ban xây dựng nhà thờ chính tòa Bùi Chu, cho biết đã thuê công ty đủ năng lực để thực hiện việc hạ giải nhà thờ. “Đương nhiên, việc hạ giải càng nhanh càng tốt do sắp tới mùa mưa bão”, linh mục Giuse Nguyễn Đức Giang nói. Dự kiến, việc hạ giải nhà thờ hoàn thiện vào tháng 8 tới.

Những ngày này, khuôn viên của thánh đường Bùi Chu khá nhộn nhịp. Hàng trăm giáo dân và công nhân tháo dỡ những tuyệt tác nghệ thuật như thập giá, tượng Chúa đóng đinh, tượng Đức bà, thánh Giuse…thấm đẫm với lời cầu nguyện của hàng nghìn giáo dân hơn thế kỷ qua. Các bàn thờ cùng các nội thất bên trong chuyển sang ngôi nhà thờ tạm. Những cánh cửa sổ màu xanh da trời cũng dời khỏi vị trí. Một nhóm giáo dân, công nhân khác dùng xe cẩu gỡ từng viên ngói trên mái nhà thờ lộ ra vẻ bên ngoài rêu phong.

Từ đầu tháng 2, giáo dân Bùi Chu chuyển đồ trang trí nội thất khỏi nhà thờ chính tòa để chuẩn bị cho quy trình hạ giải. Linh mục Giuse Nguyễn Đức Giang cho biết, nhà thờ mới được xây dựng trên nền cũ, kiến trúc giống công trình 135 tuổi. Vật dụng, cấu kiện cũ còn giá trị vẫn được tận dụng đưa vào nhà thờ mới. Giá trị cốt lõi của nhà thờ Bùi Chu vẫn được giữ gìn: chân tảng, cấu trúc mặt bằng, trang trí hai bên tường, cửa bằng kim loại đúc, đồ thờ tự...

Thời gian xây dựng thánh đường mới chừng bốn năm, với sự đóng góp và nỗ lực của giáo dân ở Bùi Chu. “Về vật liệu xây dựng, riêng phần gỗ chúng tôi đã mua tích trữ từ mấy năm qua, đến nay cũng hòm hòm. Các loại vật liệu khác như gạch, xi măng, sắt thép… hết đến đâu sẽ liệu tới đó”, linh mục Đức Giang nói. Trong thời gian hạ giải và chờ đợi công trình mới, giáo dân Bùi Chu có một nhà thờ tạm để làm nơi cầu nguyện, dâng lễ.

Hạ giải thánh đường 135 tuổi ảnh 1 Nhà thờ 135 tuổi đang được hạ giảiẢnh: MINH ĐỨC
GIẰNG XÉ

Số phận nhà thờ Bùi Chu vốn được quyết định hơn một năm trước. Tuy nhiên nhiều kiến trúc sư khi ấy đưa ra các luồng ý kiến trái chiều, không ít người muốn níu giữ công trình kiến trúc độc đáo - là nhà thờ duy nhất của kiến trúc nhà thờ Baroque ở Việt Nam. Đáng chú ý, cuối tháng 4/2019, ông Martin Rama (cố vấn cao cấp của Ngân hàng thế giới (WB), Giám đốc dự án của Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đã có thời gian dài sống tại Việt Nam) gửi thư ngỏ cho Giám mục Vũ Đình Hiệu kêu gọi giữ lại Bùi Chu. “Có lẽ không có một nhà thờ nào trong số các nhà thờ Công giáo ở miền Bắc Việt Nam tự mình có đủ điều kiện là di sản thế giới. Nhưng khi liên kết với nhau thành một mạch, chúng là một chuỗi kiến trúc độc đáo trên phạm vi toàn cầu”, ông Martin nêu.

Nhóm hơn 20 kiến trúc sư Việt Nam cũng ký tên gửi thư lên Bộ VHTTDL với hy vọng bảo tồn nguyên trạng nhà thờ Bùi Chu.

Nhà thờ do giám mục người Tây Ban Nha Wenceslao Onate Thuận xây dựng từ năm 1884, qua vài lần trùng tu xuống cấp rất đáng ngại. Công trình kiến trúc này chưa phải di tích, không cần tuân theo Luật Di sản văn hóa, được lãnh đạo tỉnh Nam Định chấp thuận cho dỡ đi xây lại. Tuy thế, Bộ VHTTDL vẫn giao cho Viện Bảo tồn di tích khảo sát, đề xuất phương án trùng tu để tham khảo. Sau quá trình khảo sát, các chuyên gia khẳng định việc hạ giải toàn bộ công trình không thể tránh khỏi: Liên kết bằng vôi và cát hơn trăm năm nay không còn đảm bảo, nhất là với các bức tường ở độ cao tới 7m, gác chuông hơn 27m. Niên hạn sử dụng đã hết, không thể giữ lại công trình có thể gây nguy hiểm tới người dân.

Lựa chọn cuối cùng vẫn ở các vị chức sắc và hàng nghìn giáo dân nơi đây. Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu cho rằng, nguy hiểm là hai tháp của nhà thờ chính tòa Bùi Chu đã nghiêng tới 15 độ và nền nhà lún hơn 70 cm. Nhiều chỗ bên trong nhà thờ xuống cấp. Ở bên ngoài, mỗi khi trời mưa, một bên nhà thờ lại bị ngập nước. Mỗi khi đến nhà thờ cầu nguyện, hành lễ, giáo dân thường lo lắng bởi vật liệu có thể rơi xuống, gây nguy hiểm. Là giáo phận có diện tích nhỏ (khoảng 1.350 km2) nhưng giáo xứ Bùi Chu có tới hơn 412.000 giáo dân.

Sự xuống cấp của nhà thờ gây nguy hiểm tới tính mạng bà con giáo dân và khách tham quan là điều các vị chức sắc lo ngại. Vì thế, dù linh mục và giáo dân có buồn nhớ, luyến tiếc công trình tâm linh hơn thế kỷ qua bao nhiêu, họ cũng không thể xem nhẹ tính mạng con người.

Linh mục Francis Phạm Đức Huy chia sẻ, ngôi thánh đường với 135 tuổi gắn bó nhiều thế hệ giáo dân. Sau nỗ lực lấy ý kiến, tham khảo phương án bảo tồn không thành, hàng nghìn giáo dân vui vẻ khấn nguyện cho một ngôi thánh đường mới khang trang được dựng lên trên nền tích cũ trong vài năm tới.

TÔN TRỌNG CỘNG ĐỒNG

Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nêu quan điểm, thông thường UNESCO không tham gia trực tiếp vào những câu chuyện trùng tu di sản này. Tuy thế, nhà thờ Bùi Chu nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng, đặc biệt là các kiến trúc sư. “Đây là cuộc tranh cãi giữa bảo tồn và phát triển - một thực tế mà Việt Nam đang phải đối mặt. Trong chuyến thăm nhà thờ, chúng tôi được chứng kiến và cảm nhận sự trân trọng, lòng thành kính của các giáo dân nơi đây với nhà thờ của họ. Vì vậy, những quyết định của họ với công trình cần được tôn trọng”, ông Michael Croft nói.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.