Hà Lệ Diễm - Cánh diều bạc tuổi 23

Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng
TP - Nhận Cánh diều bạc (không có Cánh diều vàng) cho phim ngắn "Con đi trường học" , Hà Lệ Diễm ngập ngừng mãi mới thốt nên lời tại lễ trao giải Cánh Diều 2013, hồn nhiên và có phần vụng về.

"Thực sự bây giờ em rất run. Em tên là Hà Lệ Diễm". Lên sóng truyền hình, cái phần hồn nhiên ấy bị cắt bỏ.

Làm phim với...2 triệu đồng

Diễm học báo chí, thích kể hiện thực bằng hình ảnh hơn chữ viết. Quá trình học và cộng tác với nhiều kênh truyền hình, cô nhận ra khả năng đào sâu vào hiện thực đời sống của phim tài liệu. Diễm mơ ước trở thành đạo diễn của thể loại phim vốn bị mặc định là khô khan và kén người xem này.

Với Diễm, làm phim là hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Bản sắc của người nghệ sĩ, trong sáng tạo, phải là khác biệt và duy nhất. Quan niệm đó khiến Diễm loay hoay tìm một hướng đi riêng.

Khóa học phim tài liệu tại Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển tài năng điện ảnh (TPD) do quỹ Ford của Mỹ tài trợ thu hút cô gái trẻ bởi những thử nghiệm mới mẻ.

Diễm cho biết: "Những bộ phim tài liệu Việt Nam tôi đã xem đều có công thức chung: hình ảnh cộng lời bình. Trong khi đó, tài liệu theo phương pháp điện ảnh trực tiếp mà tôi được học lại khác hẳn: hình ảnh đóng vai trò chủ đạo, không có lời bình".

Diễm là một trong số ít những học viên "trụ" được đến cuối khóa học và có phim tốt nghiệp. Đó là tiền đề và cũng là động lực thôi thúc Diễm theo đuổi đến cùng ước mơ của mình.

Hà Lệ Diễm - Cánh diều bạc tuổi 23 ảnh 1

Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng

Từ kinh nghiệm của các bậc đàn anh trong nghề, Hà Lệ Diễm quyết định chọn con đường trở thành nhà làm phim tài liệu độc lập. Bởi cô hiểu sự phụ thuộc về kinh tế vào bất cứ hãng phim hay nhà sản xuất nào đều chi phối quyền năng của đạo diễn với đứa con tinh thần.

Làm phim độc lập, mang lại cho Diễm sự tự do chọn lựa, được làm, được theo đuổi cái mình nghĩ, cái mình thích. Nhưng cái giá của "cởi trói" nghệ thuật ấy đồng nghĩa nhà làm phim phải tự xoay sở tìm kinh phí, nguồn tài trợ, quảng bá, phát hành,...Với một cô gái còn rất trẻ như Diễm, đó là thách thức lớn.

Không có sự hậu thuẫn về tài chính, phim độc lập thường là phim kinh phí thấp. Năm 2012, Trung tâm Hỗ trợ và phát triển Tài năng điện ảnh TPD tài trợ cho dự án phim "Con đi trường học" của Hà Lệ Diễm. Ngoài sự hỗ trợ về máy móc, thiết bị thì kinh phí Diễm nhận được để thực hiện bộ phim là...2 triệu đồng.

Với số tiền ít ỏi đó, Diễm quyết định không thành lập ê kip mà một mình đảm nhiệm tất cả các vai trò: sản xuất, đạo diễn, quay phim, dựng phim... Cô đã sử dụng máy ảnh canon 550D của mình để quay thay vì thuê máy quay "hoành tráng"...

Khi nghiệm thu phim, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã dành cho "Con đi trường học" lời khen về cách thức kể chuyện, đặc biệt là những góc máy, hình ảnh đẹp,...Diễm nhận ra rằng làm phim trong những điều kiện tối thiểu là cơ hội đo khả năng sáng tạo của chính bản thân.

Yêu một sự thật nguyên bản

"Điện ảnh sự thật" hấp dẫn Diễm ở chỗ:" Hiện thực cuộc sống, muôn hình vạn trạng đến mức chưa cần tưởng tượng, hư cấu đã là những câu chuyện cực kì thú vị. Phim tài liệu mang lại những gì chân thật nhất của cuộc sống, của nhân vật".

Nữ đạo diễn cho rằng phương thức làm phim tài liệu truyền thống: hình ảnh cộng lời bình mang tính áp đặt chủ quan cá nhân của người làm phim. Ở đó, sự thật được diễn giải lại dưới góc nhìn của đạo diễn, vì thế nó không còn là sự thật nguyên bản.

Diễm bày tỏ:"Trong quan niệm của tôi, đạo diễn phim tài liệu phải tuyệt đối tôn trọng sự thật, không dàn dựng, không can thiệp vào các sự kiện được quay, không làm loa phát ngôn tư tưởng. Có như thế khán giả mới tiệm cận đến sự thật đích thực. Phương thức làm phim điện ảnh trực tiếp thỏa mãn tôi điều này".

Điện ảnh trực tiếp là sự ghi lại trực tiếp và đồng bộ một cách khách quan hình ảnh và âm thanh từ hiện thực. Đây là xu hướng làm phim phổ biến ở các nước phương Tây.

Hà Lệ Diễm - Cánh diều bạc tuổi 23 ảnh 2

Nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm

Theo Diễm, để kể một câu chuyện của đời thực, đạo diễn phải học cách làm bạn với nhân vật. Sự chân thành sẽ xóa đi mọi khoảng cách.

"Một cánh diều không thể bay được nếu không có người làm giấy, vót nan, không có gió đông. Cánh diều trên tay mình là sự ghi nhận một chặng đường nhỏ. Cuộc sống vẫn còn dài...Mình vẫn là Diễm, Diễm của tuổi 23, vẫn là đứa giày bê bết đất, lỉnh kỉnh chân máy, máy quay, lăn lộn ở bất cứ góc khuất, xó xỉnh nào của cuộc sống để làm phim..."

Nữ đạo diễn 23 tuổi viết trên facebook

Trước khi bấm máy "Con đi trường học", Hà Lệ Diễm có quãng thời gian dài kết thân với nhân vật-một phụ nữ bị HIV, một mình nuôi con ở Bắc Kạn. Lúc ấy, Diễm vẫn là sinh viên.

Thời gian rảnh, cô bắt xe từ Hà Nội về Bắc Kạn, trèo đèo, lội suối đến căn nhà mái lá cheo leo và đơn độc giữa rừng núi của nhân vật.

Diễm ở cùng chị, ăn cùng chị những bữa cơm trắng vẻn vẹn măng xào, nộm ớt và nghe chị kể chuyện đời mình, để thấy cả niềm tin yêu và hi vọng sống chị dồn vào đứa con trai duy nhất.

Hai chị em thân thiết đến mức, khi Diễm chính thức bấm máy, nhân vật của Diễm không mảy may bận tâm đến sự hiện diện của máy quay. Chị đi vào phim của Diễm tự nhiên như một hơi thở...

Ra trường, để có tiền nuôi sống bản thân và theo đuổi các dự án làm phim độc lập, Diễm vẫn gắn bó với truyền hình. Nhưng quan niệm về một "sự thật nguyên bản" của phim tài liệu đã ăn sâu vào Diễm khiến cô không dễ dàng thỏa hiệp với tính chất dàn dựng của truyền hình.

Diễm từ bỏ công việc mà nhiều bạn trẻ mới ra trường đều ao ước về vị trí và thu nhập. Hiện tại, Diễm đang là phóng viên mảng video của báo điện tử VnExpress. Cô yêu thích công việc này, bởi ở đó, bằng chiếc máy quay, cô được thực hành phương thức điện ảnh trực tiếp, được tiếp tục truyền tải những sự thật nguyên bản...

Không thuộc về đám đông

Mẹ đặt tên con gái là Hà Lệ Diễm vì cái tên gợi nhắc hình ảnh nữ tiểu thư khuê các, xinh đẹp và dịu dàng trong tiểu thuyết ngôn tình mẹ đọc. Nhưng ngay từ bé, Diễm đã đối lập với hình ảnh tưởng tượng của mẹ: mạnh mẽ, độc lập và ngang bướng.

Năm lớp 12, gia đình hướng Diễm thi sư phạm nhưng Diễm nhất quyết thi báo. Hồi mới ra trường, Diễm bỏ việc đi làm phim, mẹ cương quyết phản đối. Vì chuyện này hai mẹ con bất hòa, chiến tranh lạnh với nhau một thời gian.

Cô ngậm ngùi kể: " Có hôm giận mẹ, tôi tắt máy điện thoại. Mẹ lại phải gọi cho bạn thân hoặc bạn bè cùng phòng trọ để hỏi xem cái Diễm ra sao, như thế nào, còn giận mẹ không. Biết tôi làm phim độc lập kinh tế không ổn định, mẹ lại lặng lẽ gửi tiền lên chu cấp như thời sinh viên".

Hà Lệ Diễm - Cánh diều bạc tuổi 23 ảnh 3

Hà Lệ Diễm trong một lần tác nghiệp tại Sa Pa

Nhiều người bảo Diễm điên mới bỏ việc đi làm phim độc lập, vất vả lại không có nguồn thu ổn định, thậm chí phải bỏ thêm tiền túi để làm. Họ cũng bảo Diễm hâm, làm phim gì không làm lại đi làm tài liệu, vốn chẳng mấy người xem. Diễm cũng quen với những cái nhìn không thiện cảm khi là con gái mà lúc nào trông cũng bụi bặm, lang bạt đủ nơi, đi đêm về hôm.

Nhưng những đám đông, thường hay nhân danh truyền thống và đạo đức, vốn chẳng bao giờ vắng mặt trong đời sống và nghệ thuật lại là động lực thôi thúc Diễm khẳng định mình là một cá thể riêng biệt. Cô chỉ sợ những đám đông ve vuốt: "Sợ nhất là phim mình làm xong, ai xem cũng khen, cũng tung mình lên mây. Sự ve vuốt đến từ cả bạn bè, người thân. Tôi luôn có những khán giả đặc biệt, khen chê mình chân thành và thẳng thắn".

Không bận tâm đến đám đông nhưng Diễm cũng không phủ nhận cảm thức cô đơn và lạc lõng giữa số đông này. Cảm thức ấy giúp cô biết tôn trọng và chấp nhận mọi khác biệt xung quanh.

"Tôi luôn ý thức không được áp đặt thành kiến hay định kiến của mình cho người khác. Tôi luôn đặt câu hỏi tại sao hơn là diễn giải mọi khác biệt trong cuộc sống theo ý chủ quan. Tôn trọng và chấp nhận khác biệt giúp tôi nhận ra vẻ đẹp của mỗi người, hiểu rằng mỗi con người đều có một số phận và mỗi số phận có quyền đi theo logic của chính nó".

Có lẽ đó chính là chìa khóa để nữ đạo diễn trẻ chạm đến chiều sâu tâm hồn nhân vật trong quá trình làm phim. Trong phim tài liệu của Diễm, nữ sinh viên đại học trong "Nga xà beng", người phụ nữ HIV trong "Con đi trường học", cô gái đồng tính không dám công khai thân phận, tôi không thấy những con người ấy kì quái, kì quặc hay đáng thương.

Ảnh hưởng từ ông nội

Diễm sống cùng ông nội từ bé và chịu ảnh hưởng lớn từ ông. Ông là một nhà giáo và có một kho sách. Ông kèm Diễm học từ lớp một đến lớp năm. Ông luôn khuyến khích và định hướng cho cháu gái các loại sách nên đọc.

Đặc biệt, ông rất nghiêm khắc với cháu gái trong chuyện học hành. Có lần, Diễm hỏi ông vì sao lại nghiêm khắc với mình trong chuyện học như vậy. Ông trả lời: "Học để gia tăng tri thức. Có tri thức, con người mới tự do và độc lập trong suy nghĩ và hành động. Cháu là con gái càng cần phải học thật giỏi".

Ông không phản đối việc cháu gái học báo và làm phim độc lập. Trước những quyết định này của Diễm, ông luôn nói:"Nếu cháu yêu, cháu thích thì cháu cứ làm".

MỚI - NÓNG