Hà Nội ở xứ tuyết

“Ngôi nhà nghệ thuật Hà Nội” tại Thụy Điển
“Ngôi nhà nghệ thuật Hà Nội” tại Thụy Điển
TP - Tôi vẫn nhớ như in hôm đó, Công Quốc Hà ngồi thâu đêm với tôi, giữa Ngôi nhà nghệ thuật Hà Nội (HANOI ART HOUSE) tại Kisa – Thụy Điển. Chiếu theo âm lịch ở quê nhà, thì vẫn chưa đến Rằm tháng Giêng Tết Bính Thân. 

Cho nên có thể nói tôi và anh ăn Tết muộn ở Thụy Điển, cho dù ngoài trời lạnh gần độ không và khung cảnh trắng xóa tuyết không giống gì Tết Việt. Chúng tôi ngồi nói đủ thứ chuyện, nghệ thuật, bạn bè nghệ sỹ, và nhiều nhất là về Hà Nội. Ngôi nhà nghệ thuật Hà Nội cũng là nhà của anh, anh thiết kế logo cho Khu trưng bày và Triển lãm này bằng  3 chữ cái đầu của 3 từ viết tắt chữ HANOI ART HOUSE, chữ A là mái nhà, 2 chữ HH thành cột nhà. Chị Hằng vợ anh giữa đêm vẫn thỉnh thoảng lên tiếp thêm đồ ăn và rượu cho chồng và khách.

Công Quốc Hà lịch lãm và hóm hỉnh: “Tết là nhớ Hà Nội lắm, những quán cháo đêm ở Hàng Bông Nhuộm, những bát phở bò phố Bát Sứ , cháo lòng Nguyễn Du… Ôi thật mê hồn khi nhớ đến “bọn chúng”.

Rồi giọng anh trầm xuống: “Giờ còn không nhiều người có những ký ức đẹp về Hà Nội, bởi họ có sống ngâm mình trong Hà Nội bao giờ đâu mà biết. Người nghĩ đến văn hoá giờ cũng ít, rủ nhau đem tiền chùa đi nốc rượu chứ đâu phải đi thưởng thức ẩm thực, chè tam tửu tứ bằng tiền sạch…”.

Ngôi nhà nghệ thuật Hà Nội nằm giữa khuôn viên 6.000m2, là một biệt thự lớn tường trắng, ngói đỏ. Dưới những bóng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, những tác phẩm điêu khắc đồ sộ nổi bật. Thành lập từ năm 2005, đến nay đã vừa tròn một con giáp, Công Quốc Hà đã dày công sưu tập tác phẩm và hiện vật. Trên diện tích sàn gần 1.000m2, nhiều phòng, anh trưng bày nhiều bộ sưu tập quý: tranh khắc gỗ Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, làng Sình; gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Móng Cái; các sản phẩm sơn mài, sơn thếp, chạm bạc, chạm đá, mây tre và thêu; bộ tranh thờ và mặt nạ gỗ của dân tộc Dao Đỏ... Anh có khoảng 200 tác phẩm hội họa, điêu khắc mỹ thuật đương đại Việt Nam và đặc biệt là bộ sưu tập tác phẩm các nghệ sĩ danh tiếng thế giới như Picasso, Joan Miro, Salvado Dali, Marc Chagall, Hans Dahl, Ejler Bille, Paul Réne Gauguin, Corneille, Mogen Andessen, Olle Dwall… Tranh, tượng quý từ Việt Nam, anh phải chở sang bằng nhiều chuyến tàu biển.

Hà Nội ở xứ tuyết ảnh 1

Họa sĩ Công Quốc Hà và con trai

Hồi rộ lên thông tin về một triển lãm toàn tranh giả các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam, Công Quốc Hà viết thư cho tôi: “Việt Nam không có tranh giả mới là lạ, vì các Gallery phần lớn đều cần lợi nhuận hơn là uy tín nghề nghiệp”. Tôi chợt nhớ đến một Công Quốc Hà đã từng là Chủ nhiệm CLB Họa sĩ trẻ - Hội Mỹ thuật Việt Nam. Mô hình CLB rất mới mẻ vào đầu thời kỳ đổi mới, Hà giúp nhiều họa sĩ trẻ, tài năng tổ chức triển lãm và bán tác phẩm. Sau này, nhiều người thành danh vẫn nhớ đến một CLB tràn đầy sức trẻ và một Công Quốc Hà vác tù và giúp đám nghệ sĩ đầy sáng tạo, nhưng cũng thừa ngông nghênh, bất cần. Tôi cũng nhớ đến một Công Quốc Hà từng là “ông nghị” của thành phố. Một nghệ sĩ đa tài, đa năng. Trong nghệ thuật, ngoài tranh sơn mài là đam mê, là chuyên ngành được đào tạo bài bản, “tay trái” của anh còn là in đồ họa (Hà từng được mời về nước đứng lớp tập huấn cho các trại sáng tác về kỹ thuật in độc bản. Ngay tại Thụy Điển, anh cũng có một phòng làm xưởng in đồ họa). Anh cũng từng sống và khá nổi tiếng bằng nghề thiết kế đồ họa. Tranh giấy, tranh sơn dầu của Công Quốc Hà cũng rất thành công. Ở xứ người, anh còn có nghề phục chế, trang hoàng những ngôi nhà cổ. Dịp gặp anh Tết năm ngoái, anh mời tôi và tiến sĩ Trần Thu Dung (Pháp) đến thăm một lâu đài 300 năm tuổi, nơi anh đang giúp về chuyên môn cho công ty của gia đình con gái.

Giờ đây, anh đau đáu với việc quảng bá nghệ thuật Việt ra thế giới. Bằng rất nhiều triển lãm của chính mình ở châu Âu, tất nhiên. Và bằng việc tổ chức triển lãm cho họa sĩ trẻ có tài nữa. “Ngôi nhà nghệ thuật Hà Nội” dành một phòng lớn 80m2 cho việc này. Anh cũng có mối liên hệ với nhiều tổ chức nghệ thuật ở Thụy Điển và châu Âu để giới thiệu nghệ thuật Việt Nam.

Anh chia sẻ: “Các bạn Thụy Điển ưa chuộng sự giản dị, tôn vinh sự bình đẳng trong các quan hệ. Họ không tốn kém chi tiêu cho việc quảng cáo, tiệc tùng. Tổ chức triển lãm với họ là đưa nghệ sĩ đến đúng chỗ với những người thực sự yêu thích nghệ thuật. Vậy thôi!”.

Tôi cảm nhận Công Quốc Hà đang làm việc theo đúng tinh thần đó.

*      *

*

Có lần tôi buồn, thất vọng về cách cư xử của một nghệ sĩ trẻ, người từng là bạn tôi. Công Quốc Hà biết chuyện, anh viết cho tôi:

“Các cụ ngày xưa có câu rất thấm thía rằng:
Ai ơi chọn bạn đường xa
Chớ chọn bạn gần mà sớm ra ma.
Ý nói bạn gần là người mình hay gần gụi, ít cảnh giác và cảm tính làm át đi những suy nghĩ sâu sắc. Người bạn đường xa phải là người sẵn lòng chia sẻ, gánh vác cùng mình khi gặp nạn.
Người bạn tốt là người có thể không cùng quan điểm với mình trong ít hoặc nhiều vấn đề, nhưng nhất định phải là người trung thực và chân thành trong đạo đức con người.

Hà Nội ở xứ tuyết ảnh 2

Tranh của Công Quốc Long

Hà Nội ở xứ tuyết ảnh 3

Tác phẩm của Công Quốc Hà

Hãy nói khi tâm trạng mình thanh thản và chân thành, vì lời nói như bát nước, đã hắt đi thì không bao giờ vớt lại được”.

Nói về tranh Công Quốc Hà thì quá nhiều người nói rồi. Nhưng ít người biết về tranh của con trai anh – Công Quốc Long. Xem tranh của Long, con trai anh, tôi rất xúc động và có cảm tình đặc biệt. Thế giới màu sắc của Long cực kỳ lạ. Lung linh, va đập tinh nghịch và mạnh mẽ. Cho đến nay Long có tới 2.000 tranh lớn bé vẽ bằng Tempra và Sơn dầu.

Đến khi gặp Long, tôi bất ngờ… Anh Hà kể, lúc gần 1 tuổi, Long bị một cơn sốt cao ác tính, sau đó để lại di chứng bị điếc 90?%. Do vậy tiếp thu ngôn ngữ rất khó khăn, cháu nói được ít nhưng hiểu nhiều.
“Từ bé cháu luôn ở bên tôi và mẹ trong xưởng vẽ, và cháu thích vẽ từ đó. Năm 10 tuổi Long theo học lớp vẽ ở Cung Việt Xô – Hà Nội, lớp do họa sĩ Công Kim Hoa là em gái tôi phụ trách giảng dạy, được khoảng 3 tháng cháu không thích tới lớp mà thích ở nhà tự vẽ theo ý thích riêng. Long yêu các loài vật, nên vẽ nhiều về đề tài này, nhất là Ếch và Chó”.

Tôi hiểu thêm về anh. Trước, tôi mới biết họa sĩ Công Quốc Hà. Giờ đây, tôi biết thêm, người cha Công Quốc Hà.
Mới rồi, anh vui mừng viết thư cho tôi: “Tin để em mừng cùng gia đình anh, Long đã hàng ngày đi làm tại Nông trường nuôi gia cầm, tuần 5 ngày, mỗi ngày 5 giờ. Thứ 7 và chủ nhật nghỉ thì lại vẽ. Đợt này vẽ nhiều tranh bút chì cũng rất đẹp”.

*      *

*

Nhớ đến Công Quốc Hà, tôi chợt nhận ra gia đình anh và Ngôi nhà nghệ thuật của anh như một nhánh cây mang tên Hà Nội nằm giữa xứ tuyết. Như một điểm màu ấm áp giữa vùng lạnh lẽo. Không phải vì tên ngôi nhà nghệ thuật của anh có chữ Hà Nội, mà vì tinh thần của nó. Tinh thần của những người con Hà Nội gốc, dù có đi đến đâu vẫn là như thế.

Có thể nói, sự nghiệp hội họa của Hà là sự nghiệp gắn liền với Hà Nội. Phố của anh đã trở thành “phố Hà”, không lẫn được giữa những “phố Phái” và các tranh phố của một vài họa sĩ nổi tiếng vẽ Hà Nội. Thiếu nữ của anh là thiếu nữ Hà Nội, trong sáng và nguyên sơ, dịu dàng. Đến cả hoa anh vẽ, cũng là hoa của Hà Nội, ở Hà Nội, có cái tình, cái hồn của con người nơi ấy. Đầy ám ảnh với vẻ đẹp thuần khiết.

MỚI - NÓNG
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
TPO - Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng cơ chế về thuế hiện nay đang gây khó khăn trong việc hồi hương cổ vật. Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất miễn thuế hoàn toàn để mở rộng con đường hồi hương cổ vật. Đây là thông tin được đưa ra tọa đàm góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức ngày 28/3.