Hà Nội trong mắt khách đương đại

Tác phẩm sắp đặt của Wonjae Song: Mỗi khán giả tự lắp ráp “công viên tưởng niệm” cho riêng mình rồi mang về nhà.
Tác phẩm sắp đặt của Wonjae Song: Mỗi khán giả tự lắp ráp “công viên tưởng niệm” cho riêng mình rồi mang về nhà.
TP - Tự tạo góc công viên của riêng mình, sử dụng còi phóng thanh dành riêng cho người đi bộ, chơi cá ngựa với đối thủ “mặt lầm lì”, thưởng thức màn DJ trộn nhạc truyền thống và hiphop... là những gì người xem được trải nghiệm và tương tác trong tuần lễ sáng tạo của nhóm nghệ sĩ đương đại Hà Nội và Gwangju (Hàn Quốc).

Đại diện của Trung tâm nghệ thuật Six Space (Hà Nội) và Barim (Gwangju) giải thích lý do dự án hợp tác mang tên #com( ) (gọi tắt là thăng com) là vì dấu # như một dấu hiệu qui ước điểm đến có thể tìm kiếm qua mạng. “Com” có nghĩa là .com mà cũng có thể hiểu là viết tắt của từ “comedy” (hài kịch), dấu ngoặc đơn mở đóng được hiểu hàm chứa nhiều nội dung.

Đồng giám tuyển dự án Đỗ Tường Linh cho biết, do kinh phí quá hạn hẹp, nhóm chín nghệ sĩ Hàn Quốc sang đây phải tiết kiệm, thuê nhà nghỉ giá rẻ để dành tiền cho công việc. Năm trong số mười nghệ sĩ Việt đăng ký tham gia đã bỏ cuộc vì ít tiền.

Hà Nội trong mắt khách đương đại ảnh 1 Không gian dự án #com( )ngày khai mạc.

Còi xe và tượng đài

Min-hyung Kang, giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Barim cho biết, trước khi sang VN, qua google và wiki cô đã tìm kiếm điểm chung giữa hai thành phổ Hà Nội và Gwangju thế nhưng “không thấy gì tương đồng”. Tuy nhiên sau hai tháng làm việc, trao đổi qua mạng  điều gì đó giống nhau đã hé lộ. Hà Nội bắt đầu có gì đó ngồ ngộ, thú vị trong mắt nghệ sĩ khách mời.

Nhạc sĩ, nghệ sĩ Choi Haram ấn tượng đặc biệt về Hà Nội bởi hai điều: ẩm thực ngon và tiếng còi xe. Haram sốc vì người HN dùng còi quá tự do. “Tôi để ý, bất cứ phương tiện giao thông nào cũng được bóp còi theo nhu cầu, gần như không cần lý do, trừ người đi bộ thì không được cái quyền ấy”. Ý tưởng tác phẩm “còi cho người đi bộ” đã được hình thành. Phụ tùng gồm: một bình ăc-qui nặng khoảng 3kg, một loa điện tử mini, dây điện nối với cần nút bấm còi, một ba lô đựng ắc-qui. Người đi bộ cũng được dùng còi bình đẳng như mọi phương tiện giao thông khác. Ngoài ra, tác giả cũng vẽ hai bức biếm họa có hướng dẫn sử dụng để người xem hình dung và thử đeo balo bấm còi luôn. Tiếng còi cộc lốc gây giật mình, “thế là thành công rồi”, khán giả ghi nhận.

Gwangju là thành phố từng được biết đến với Cuộc nổi dậy dân chủ (1980), hơn 600 người (đa số là sinh viên) biểu tình đã bị giết hại. Năm 1997 danh dự của các nạn nhân được phục hồi. Tại Gwangju trào lưu dựng đài tưởng niệm sự kiện lịch sử năm xưa hiện diện ở nhiều công viên của thành phố này. Nghệ sĩ, nhà làm phim Wonjae Song để ý khi quay video các vườn hoa tượng  đài ở Gwangju và ở Hà Nội, đó là các tượng đài đều thiên về tuyên truyền sự kiện chính trị “tinh thần các bức tượng đều có gì đó căng thẳng”. Trong tác phẩm sắp đặt của Wonjae có một màn hình chiếu liên tục video về các công viên có tượng đài ở hai thành phố, cạnh đó một bàn (như  sa bàn) chất các mảnh bãi cỏ, cây hoa, con vật dạng đồ chơi nhỏ xíu. Mỗi người xem có thể tự lắp ráp một góc “công viên tưởng niệm cá nhân” theo hình dung của mình. Hiển nhiên công viên riêng tư này không hề có thông điệp chính trị nào. Sau khi hoàn thành tác phẩm nhỏ đó, họ có thể mang nó về nhà làm kỷ niệm.

Hài hước sẽ bớt khó hiểu

Một góc khác của triển lãm,  nhóm Sasimj giới thiệu về zine (dạng ấn phẩm gọn nhẹ, tự xuất bản, phát miễn phí bởi một nhóm hoặc cá nhân nào đó) mang tính châm biếm sâu cay của họ ở Gwangju. Ở phía đối diện, nhóm năm nghệ sĩ VN cũng đưa ra phiên bản zine đầu tiên có tên “Tắc kè hoa” bày tỏ quan niệm xã hội và nghệ thuật táo bạo.

Nghệ sĩ trẻ Đặng Quang Vũ, đặt bàn cá ngựa giữa phòng mời mọi người chơi cùng. Tuy nhiên nhìn vẻ mặt lầm lì và thái độ “không có ý định giải thích luật chơi” của cậu, hầu như ít người tiến lại. Vũ không giải thích về vẻ mặt của anh cũng như tác phẩm nhưng theo đồng giám tuyển Hyo Jung Kim thì Vũ đã gây một cảm nhận rõ nét cho người xung quanh.

Tác phẩm sắp đặt được cho là thách thức người xem nhất là loạt băng giấy (cỡ 60cm x 2m) đầy chữ bày nửa treo tường nửa bò trên sàn của nghệ sĩ Min-hyung Kang. Trên giấy là những lý thuyết  nghệ thuật vĩ mô, rối rắm  được trích từ lời giới thiệu của các triển lãm nghệ thuật lưỡng niên tại Gwangju. Tác giả sắp đặt tỏ thái độ giễu nhại những tuyên ngôn nghệ thuật sáo rỗng, lạc lõng với hiện thực và đời sống nghệ thuật. Min-hyung  hy vọng , Hà Nội nếu sau này tổ chức sự kiện lưỡng niên tương tự sẽ tránh được nạn “nghiêm trọng hóa” tầm cỡ các ý tưởng.

Làm nhiệm vụ trông triển lãm kiêm chú giải tác phẩm của dự án, Đỗ Tường Linh cho biết, khá nhiều người xem tỏ ra khó hiểu vì sự sơ sài và bỏ ngỏ của các tác phẩm “tuy nhiên khi được giải thích không ít bạn trẻ đã quay lại để xem với tâm trạng hào hứng hơn”.

MỚI - NÓNG