Hai bài thơ số phận

Hai bài thơ số phận
TP - Thơ và nhạc vào đời rồi. Tôi đinh ninh một ngày làm báo tôi sẽ vào chính nơi Nguyễn Viết Xuân ngã xuống. Và tôi đã làm việc đó, trong chuyến đi vào miền Trung, vào Thành cổ Quảng Trị.
Hai bài thơ số phận ảnh 1

Như thảy các bạn cùng thế hệ, đúng hơn là các bạn ở vùng quê miền Trung cát trắng, những ngày đầu sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, chúng tôi ra chiến trường hoặc ra thủ đô đi học đại học.

Trên mình chỉ có bao tượng gạo, chiếc ba lô sờn của cha và tấm áo nâu mà mẹ may cho. Chẳng khoe khoang làm gì, chúng tôi bấy giờ là học sinh giỏi trường chuyên, mỗi tỉnh chỉ một người vào khoá học.

Tôi được gặp và làm bạn với các anh chị lớp trên cùng khoa Ngữ văn, những Ca Lê Hiến, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Trọng Định, Diệp Minh Tuyền... cùng lớp thì có các anh Thái Ninh, Nguyễn Phú Trọng,... và các bạn trẻ trung giỏi giang khác.

Chúng tôi học miệt mài,  tập luyện quân sự  “3 sẵn sàng” chuẩn bị ra trận. Không khí nóng bỏng, dưới những chùm hoa phượng đỏ ở ký túc xá. Suất ăn chỉ có chiếc bánh mỳ, bát canh rau cần nhạt ăn chung, anh em 4 - 5 người một bàn ăn, thương nhau lắm.

Một buổi chưa kịp cầm lên ổ bánh mỳ, tôi nhìn lên bảng thì biết mình không có suất, bị cắt cơm, vì không có học bổng. Tôi đói hoa mắt nhưng vẫn quyết đứng dậy về phòng ngủ. Và lúc này một “sự kiện” trong đời đã xảy ra...

Từ chiếc loa trong cổng KTX, tôi nghe bài đọc nóng bỏng, xúc động, trang trọng về sự hy sinh của anh hùng Nguyễn Viết Xuân: “Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn!”.

Tôi xúc động, vùng dậy, viết liền một lèo bài thơ dài về liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân, cũng là bài thơ đầu đời của tôi. Chiều mượn xe đạp của bạn, đưa ngay đến báo Văn nghệ. Hôm sau bài thơ dài cả cột báo. Mấy tháng sau được phổ nhạc, in vào đĩa nhiều lần, được hầu hết chương trình phát thanh rồi sau này là truyền hình phát, hầu hết các ca sĩ tên tuổi hát... Tôi được nhiều tiền nhuận bút lắm, thanh toán đủ tiền ăn, còn chiêu đãi bạn bè một bữa bánh cuốn  thỏa thê...

Một chi tiết có sự thú vị, đêm trước khi khoác ba lô vào mặt trận Bình Trị Thiên - Quảng Trị, tôi được nghe ca sĩ Trần Tiến, (hồi này anh chỉ mới vai ca sĩ hát) bài Nguyễn Viết Xuân này, trong đêm nhạc đặc biệt ở Nhà hát lớn...

Thơ và nhạc vào đời rồi. Tôi đinh ninh một ngày làm báo tôi sẽ vào chính nơi Nguyễn Viết Xuân ngã xuống. Và tôi đã làm việc đó, trong chuyến đi vào miền Trung, vào Thành cổ Quảng Trị.

Bài thơ thứ hai mà tôi kể dưới đây, ra đời trong những ngày chiến đấu ở biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Sau một thời gian dài thường trú ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, chúng tôi hồi hộp trở ra Bắc khi bên tai vang lên bài ca hào hùng “Chiều dài biên giới”.

Đọc những bài báo nóng hổi của đồng nghiệp, những bài, ảnh của các anh Tất Vinh, Mai Cát, Mai Nam..., đặc biệt là bài báo xúc động về người con gái anh hùng Hồng Chiêm của nhà báo Nguyễn Văn Minh... tôi tìm lên với dòng Nho Quế, lên điểm chốt của các chiến sĩ. Giống và khác với thuở đạn bom ở Thành cổ Quảng Trị, đêm ở đỉnh chốt, trăng trên dòng Nho Quế tuyệt đẹp, tôi lại thức làm thơ.

Gửi về cho các anh Trung Đông, Hồng Vinh ở báo Nhân Dân, vài hôm sau bài thơ Trên đỉnh cao này xuất hiện trên trang nhất của báo. Mấy ngày sau một tin vui ngỡ ngàng đến với tôi. Bức thư từ văn phòng Chính phủ gửi đến toà soạn Tiền phong, trong đó là thư viết tay của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, gửi tác giả bài thơ.

Thật là xúc động cho thơ, cho tác giả. Và cũng như bài thơ Nguyễn Viết Xuân  dạo trước, bài thơ nhỏ này nhiều lần xuất hiện trên sóng phát thanh, truyền hình, trong các tập thơ về biên giới phía Bắc. Các nhạc sỹ Huy Du, Lê Việt Hòa...  phổ nhạc.

Chi tiết vui gắn với Đoàn ta, gắn với những năm tuổi trẻ: Trong một kỳ hội diễn văn nghệ quần chúng của cơ quan T.Ư Đoàn, nhà thơ, nhà văn Dương Kỳ Anh bấy giờ là chủ tịch công đoàn đề nghị tôi đọc bài thơ được Thủ tướng Phạm Văn Đồng khen ngợi.

Sau đó chính tôi cũng không ngờ được, nhiều lần, qua nhiều năm, các dịp họp mặt và lễ hội, các thế hệ thủ lĩnh của Đoàn, các anh Đặng Quốc Bảo, Hà Quang Dự, Trịnh Tố Tâm... đọc lên và nhắc nhở đến bài thơ. Năm gần đây, khi gặp các nhà văn của Đoàn đi dự đại hội Nhà văn toàn quốc lần thứ 4, có các thế hệ nhà văn, nhà thơ: Dương Kỳ Anh, Phạm Đức, Phan Xuân Hạt... Bí thư T.Ư Đoàn Lê Mạnh Hùng lại nhắc bài thơ và cảm ơn tác giả đã truyền cho anh và bạn trẻ sức chiến đấu.

Bây giờ, khi tuổi trẻ đi qua không ít vui buồn, vào tiết thu đẹp, tôi xúc động nhớ lại đêm trăng ấy nhìn xuống dòng Nho Quế, tôi đã viết:

Tuổi chúng con, sánh cùng đất nước

Đất nước thương yêu, đất nước rộng dài

Trên đỉnh cao này, rõ hình hài Tổ quốc

Trên đỉnh cao này,  toàn những ban mai...

Đất Bắc, thu 2008

MỚI - NÓNG