Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa:

Hạnh phúc đến từ bên trong

 Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa: “Hạnh phúc hay khổ đau do tâm ta quyết định”. Ảnh: N.M.Hà
Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa: “Hạnh phúc hay khổ đau do tâm ta quyết định”. Ảnh: N.M.Hà
TP - Có mặt tại Việt Nam tham dự VESAK, Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa đã dành thời gian trò chuyện với Phật tử và đông đảo độc giả tại khách sạn Sheraton, Hà Nội. 

Cuộc tọa đàm với sự tham gia của nhà sử học Dương Trung Quốc và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều xoay quanh nội dung cuốn sách Tâm an lạc (Restful Mind) vừa được NXB Tôn Giáo và Drukpa Việt Nam ấn hành. Như tên gọi, cuốn sách đưa ra những liệu pháp giúp đầu óc của con người hiện đại được nghỉ ngơi giữa cuộc sống bộn bề.

Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa: Mọi sự vật hiện tượng, mọi khổ đau hạnh phúc, mọi trải nghiệm trong cuộc sống đều do tâm của chúng ta biến hóa ra. Hạnh phúc theo như cách hiểu thông thường của chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài- vào thời tiết nóng hay mát, vào giá cả thị trường lên hay xuống, vào việc người ta ghét hay yêu, mỉm cười hay hằn học với chúng ta. Đây là một sự hiểu lầm rất trầm trọng.

Cuộc đời của chúng ta không phải do thần thánh, Thượng đế hay bất kỳ ai tạo nên. Chúng ta làm chủ cuộc đời của mình, tạo nên hạnh phúc hay khổ đau cho chính mình. Tâm của ta là bạn và cũng có thể là thù của ta. Khi tâm biết hướng thiện, biết suy nghĩ và hành động đúng đắn sẽ tạo nên hạnh phúc. Và ngược lại có thể tạo nên bao khổ đau, tội lỗi, bất an.

Để đọc và thực hành theo cuốn sách này dĩ nhiên không đòi hỏi chúng ta phải là Phật tử, cuốn sách đơn giản bàn về cách để trở thành một con người hạnh phúc với chính những gì mình có. Triết lý Phật giáo chỉ ra nền tảng căn bản của sự sống, giúp chúng ta biết cách hướng cuộc đời mình thuận theo chân lý và quy luật của vũ trụ.

Ngay Đức Phật Thích ca cũng không thể nói: “Ta sẽ cho con sự giác ngộ, ta sẽ cho con hạnh phúc” mà chỉ nói: “Ta sẽ cho con giáo pháp, cho con những cách thực hành để con có thể nhìn thấy vẻ đẹp của chính con, sự kỳ diệu trong tâm của con”.

“An lạc” được hiểu là sự yên bình, tĩnh tâm. Điều đó rất hợp với lớp người có tuổi. Liệu nó có được các bạn trẻ - những người đang cố hết sức lao mình vào cuộc sống hiện tại đầy sôi động - chia sẻ, thưa Ngài?

Tôi đồng ý rằng đời người cần có sự náo nhiệt, sôi động, lên xuống nhưng làm sao đừng để mình chìm sâu xuống đáy. Những người chơi trò chơi mạo hiểm ở công viên giải trí rất vui, vì họ biết họ không gặp nguy hiểm. Nếu biết bị ngã, họ sẽ không chơi đâu. Cuốn sách hướng dẫn con người ta luôn tự tại trước mọi thăng trầm chứ không phải làm cho cuộc đời chúng ta bình lặng.

Hạnh phúc đến từ bên trong ảnh 1 Các nhân vật chính trong tọa đàm sách: Dương Trung Quốc, Nhiếp chính vương, Nguyễn Quang Thiều (từ trái sang)

Ngài đã nhiều lần làm những điều tốt đẹp nhất cho chúng sinh khắp mọi nơi, nhưng trong tầm nhìn hạn hẹp của chúng tôi, thời gian Ngài sống trong đời này cũng chưa phải nhiều lắm. Trong cuốn sách ngoài những điều minh triết thẳm sâu thì đời sống thường nhật Ngài biết quá chi tiết. Bằng cách nào Ngài thấu hiểu đời sống thường nhật của con người sâu sắc và đưa ra những chỉ dẫn chi tiết như vậy?

Là tăng sĩ, chúng tôi tuân thủ những quy định nghiêm ngặt những gì được và những gì không được làm. Chẳng hạn như chúng tôi không được ngủ quá nhiều. Một điều chúng tôi được phép làm là đọc sách. Đọc sách là niềm hứng thú của tôi. Tôi đọc nhiều sách về cuộc đời các nhân vật nổi tiếng. Tôi cũng dựa trên nền tảng căn bản của giáo lý. Đức Phật dạy rất chi tiết về tâm lý và những trải nghiệm của kiếp người. Trong quá trình tu tập, tôi cũng có những trải nghiệm thật trong trạng thái tâm lý giúp tôi dễ dàng hiểu tâm lý của người khác.

“Tâm an lạc” mang cái nhìn trẻ trung, hiện đại, cởi mở. Trong cuốn sách của Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa, mọi điều cao cả, cao siêu và cao kiến đều được thể hiện rất đơn giản, đời thường, tựa như những lời tâm sự của giữa những người trẻ của thế giới hôm nay”.

 Dương Trung Quốc

Với tư cách là người hướng đạo, tôi đi khắp thế giới gặp gỡ nhiều người. Họ chia sẻ với tôi những vấn đề họ phải trải qua trong đời sống. Tôi luôn tin rằng để hiểu người khác bạn phải bỏ qua sự khác biệt. Hãy quên đi rằng họ là người Việt Nam, người Pháp hay người Mỹ… Bạn phải nhận ra rằng họ cũng như bạn, cũng mong hạnh phúc và tránh khổ đau. Khi biết được điều đó, chúng ta có thể hiểu được đối phương. Trước kia tôi cứ nghĩ các vị tu hành như Ngài sẽ không phải bận rộn như người thường nhưng sau thời gian may mắn tiếp xúc tôi mới biết rằng công việc Ngài và tăng đoàn đã làm còn bận rộn hơn những người bận rộn trong chúng tôi. Ngài có bao giờ trải nghiệm sự bất an và xin cho biết cách thức để vượt qua nó?

Đúng là với lịch trình hoằng pháp dày đặc, chúng tôi không có thời gian nghỉ ngơi. Năm ngoái tôi đi qua 18 nước để chia sẻ giáo pháp. Nhìn vào lịch làm việc của mình tôi cũng sốc. Rất may nhờ sự hướng đạo của thầy tôi- Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, chúng tôi cũng vượt qua được.

Có nhiều phương pháp giúp thay đổi. Quan trọng nhất là trân trọng thực tại. Chẳng hạn hôm nay chúng ta uống cà phê, thay vì nhâm nhi nó thì trong đầu lại nghĩ đến ngày mai sẽ uống nước cam. Ngày mai uống nước cam lại nghĩ đến ngày hôm sau nữa. Và như vậy sẽ không bao giờ tận hưởng được hương vị của từng thứ. Hãy đưa tâm mình về với thực tại, hãy quan sát xung quanh. Để ý những người ta gặp, để ý thời tiết, để ý từng khoảnh khắc ta đang trải qua. Ý thức trân trọng thực tại mang đến nhiều an bình, hạnh phúc hơn chúng ta tưởng.

Tiếp theo, hãy chiêm nghiệm về vô thường. Vô thường là quy luật của cuộc sống. Tất cả những gì bạn trải qua hôm nay, vui vẻ cười nói với bạn bè hoặc khóc, buồn đều sẽ tan biến. Hôm qua là giấc mộng của hôm nay. Hôm nay là giấc mộng của ngày mai. Tất cả những gì tôi đang trải nghiệm ngay lúc này, lát nữa đây sẽ trở thành ký ức.

Vì vậy không cần thiết phải bám víu vào bất cứ thứ gì.

Một sự thực hành đơn giản nữa là hãy hiểu rằng hạnh phúc hay khổ đau, thành công hay thất bại vốn không có bản chất mà chỉ là khái niệm có điều kiện trong tâm ta mà thôi. Trong cuộc trò chuyện với chủ bút một tạp chí ở Pháp, tôi có nói anh đặt mục tiêu phải bán được 5 vạn bản thì anh sẽ thấy mình không thành công nếu chỉ bán được 3 vạn. Khi anh bán được 5 vạn, anh lại đặt ra mục tiêu khác và lúc nào anh cũng thấy mình chưa thành công. Khi chúng ta biết tất cả cảm xúc xuất phát từ quan niệm của mình, chúng ta có thể thay đổi quan niệm để tìm được hạnh phúc ngay trong đời sống này.

Với những người không có điều kiện đọc cuốn sách của Ngài, Ngài có thể tóm lược nó trong một thông điệp ngắn nhất để họ lĩnh hội và ứng dụng trong đời sống?

“Mỗi dòng mỗi trang trong cuốn sách sẽ làm cho chúng ta run lên vì xúc động và hạnh phúc, bởi nó được viết bằng sự chân thực đến tận cùng. Sẽ có những người sau khi đọc cuốn sách này nhận ra tất cả, rồi người đó bắt đầu sống theo những gì đã mở ra từ cuốn sách. Cũng sẽ có những người sống với những gì giản dị nhất mà cuốn sách chắt lọc để rồi cuối cùng nhận ra tất cả. Tôi cảm giác cuốn sách này như viết cho chính bản thân tôi và cũng là viết cho tất cả chúng ta”.

Nguyễn Quang Thiều

Đây là câu hỏi khó trả lời, nếu không tôi đã không mất công viết cả cuốn sách dày như thế. Tôi sẽ cố gắng hết sức để trả lời đơn giản nhất. Tôi nghĩ điều sau cùng mà cuốn sách cũng như giáo pháp Đức Phật muốn nói đó là về sự tự do thoát khỏi các cảm xúc. Chúng ta có thể tự do để uống một tách cà phê, tự do đi ra ngoài, tự do có các mối quan hệ… Đó mới là tự do bên ngoài. Chẳng hạn nếu bạn nghiện cà phê, không còn sự tự do nữa. Nếu bạn nghiện đồ hiệu, nghiện mua sắm, bạn cũng không còn tự do nữa, cứ có thứ gì mới trên tạp chí là bạn phải săn cho bằng được. Nghiện bất cứ một mối quan hệ nào, bạn cũng mất tự do. Mất tự do là đau khổ. Vì thế hãy trân trọng sự tự do tự tại trong đời mình, tự do uống cà phê hoặc không, tự do mua sắm hoặc không, trân trọng mối quan hệ nhưng không bị lệ thuộc vào nó. Bạn có tất cả sự tự do trên thế giới, nếu bạn tự do từ bên trong. 

Thành công, thất bại hay hạnh phúc, khổ đau hoàn toàn là khái niệm trong tâm chúng ta. Chẳng hạn ngày xưa, những người sang trọng đều cưỡi ngựa. Và khi thấy người cưỡi ngựa là mọi người kính nể. Nhưng bây giờ những vị có chức quyền mà cưỡi ngựa thì mọi người chỉ thấy buồn cười. Quan niệm về thành công giữa xưa và nay hoàn toàn khác nhau. Thành công không có bản chất thật mà hoàn toàn tùy thuộc vào suy nghĩ của chúng ta. Tất cả mọi người trong chúng ta đều tự định nghĩa bản thân. Chúng ta tự xác định mình thành công, khá thành công, cực kỳ thành công hoặc chẳng thành công chút nào. Mức độ này còn tùy thuộc còn vào đối tượng mà bạn so sánh. Có thể bạn thành công so với người này nhưng với người kia bạn lại chẳng là gì cả.

Hiểu được rằng mọi cái đều xuất phát từ tâm mình thì nếu chuyển hóa được tâm mình, chúng ta có thể chuyển hóa cả thế giới này. Chỉ khi nào tâm chúng ta thay đổi, thế giới mới thay đổi. Tôi không quan tâm việc cuốn sách này bán được bao nhiêu bản mà tôi quan tâm đến mức độ tự do tự tại nó mang lại cho người đọc.

MỚI - NÓNG