Hát bội​ 3 không ở Sài Gòn

Vở diễn Lê Công Kỳ Án trên hè phố Công viên Gia Ðịnh. Ảnh: Trần Nguyên Anh
Vở diễn Lê Công Kỳ Án trên hè phố Công viên Gia Ðịnh. Ảnh: Trần Nguyên Anh
TP - Hát bội (có khi gọi là hát Tuồng) là môn nghệ thuật truyền thống rất đặc trưng, là một viên ngọc quý của văn hóa Nam bộ, nhưng giờ đây, khi tới TPHCM, hầu như không thể tìm được một nơi để xem hát bội.

Chốn phong lưu hào hoa với hàng trăm hàng nghìn điểm biểu diễn nghệ thuật sang trọng, nhưng tôi chỉ có thể tìm thấy một đoàn hát bội với những khuôn mặt trang điểm kỳ dị đang diễn ở vỉa hè nơi con phố nhỏ thưa thớt người qua gần Công viên Gia Định.

Không nhà hát

Dùng xe tải làm sân khấu thường là một cách tổ chức sân khấu chớp nhoáng thời chiến tranh gian khổ, nhưng nó vẫn được sử dụng hàng ngày của Nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM, đoàn hát bội duy nhất của nhà nước còn tồn tại. Công viên Gia Định khá lớn, với những vỉa hè đông người lại qua, song nó quá ồn ào để ca hát. Chiếc xe tải nghệ thuật dừng chân ở một con phố nhỏ, nơi hông công viên. Thùng xe hạ xuống thành sân khấu, phía sau, các nghệ sĩ trang điểm chuẩn bị cho vở diễn.

Đêm nay, Nhà hát lưu động sẽ diễn vở “Lê Công Kỳ Án” mà họ từng giành chiến thắng vang dội trong Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu chuyên nghiệp Tuồng, Bài chòi và Dân ca kịch toàn quốc 2018 với huy chương Vàng. Vở diễn kể về vụ án Tả quân Lê Văn Duyệt chống tham nhũng, cường quyền, xử trảm cả bố vợ của nhà vua rồi thân về kinh đô chịu tội khi quân. Diễn viên Kiều My đóng vai quý phi ngồi trang điểm trên chiếc ghế nhựa dưới gốc cây, nói: “Tôi phải trang điểm khoảng hơn một giờ đồng hồ cho vai diễn của mình”.

Không có nhà hát, nghệ sĩ phải diễn trên vỉa hè nên khán giả có thể xem cả “Vua Minh Mạng” do NSƯT Minh Hiền đóng, đang trang điểm chuẩn bị lên sân khấu. Trang phục nhà vua khá cầu kỳ, ánh sáng vàng rực, nổi bật bên con phố nhỏ nhộn nhịp người lại qua. Một người cầm cái quạt xạc, chĩa vào mặt “nhà vua” để cho mồ hôi không chảy quá nhiều trôi đi lớp phấn dày.

Khán giả chờ đợi vở diễn bằng cách đứng quây quần xem các diễn viên trang điểm, sau đó kéo tới chỗ vỉa hè có những chiếc ghế nhựa dành cho họ. Vở diễn bắt đầu, nhiều người vẫn còn ngồi trên xe máy. Hẳn họ xem thử, nếu hay mới tới ghế ngồi. Mấy chục cái ghế, lúc này chỉ có một cô bé vô tư ngồi xem. Vở hát bội nổi tiếng của thành phố đã mở màn như thế, khi dưới vỉa hè chỉ có duy nhất một cô bé chừng 10 tuổi ngồi xem.

Không trường lớp

Khi xem những bức ảnh các bức tranh thời kỳ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 do các nghệ sĩ người Pháp chụp và vẽ, chúng ta thường thấy hình ảnh người nghệ sĩ hát bội ăn mặc cầu kỳ và trang điểm đậm đà, nổi bật trong cuộc sống khốn khó của năm tháng ấy. Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Quan nói: “Cũng dễ hiểu vì sao hát bội lại thường hay xuất hiện trong hình ảnh thời cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, vì lúc đó chưa có cải lương, chẳng có nghệ thuật gì nổi bật ở Sài Gòn ngoài môn hát bội. Hát bội được diễn trong các lễ cúng đình và diễn trong các gia đình quan lại những dịp hội hè, thiết đãi tiệc đón khách”.

Nhắc đến văn hóa thời bây giờ, người ta nói tới cải lương, nói tới nhạc bolero, nhạc rock, phim ảnh và đủ thứ giải trí khác. Còn hát bội là cái gì? Hẳn các cháu bé và cả không ít người lớn nữa chẳng rõ nó như thế nào. Anh Xuân Quan kể: “Trước năm 1975, hát bội vẫn còn thịnh lắm. Tôi được đào tạo hát bội ngay trong Học viện Âm nhạc Quốc gia. Sau năm 1975, chúng tôi tiếp tục học cho đến khi tốt nghiệp, nhưng đó cũng là khóa độc nhất, duy nhất về hát bội tại TPHCM sau năm 1975. Từ đó đến nay không nơi nào đào tạo nghệ sĩ hát bội nữa”.

Một nghệ sĩ (vốn được đào tạo chuyên ngành cải lương chuyển qua hát bội) nói: “Chúng em học hỏi hát bội qua sự đào tạo của chính nhà hát và các nghệ sĩ đi trước chứ chẳng có trường lớp nào đào tạo về hát bội”.

Nhà hát của các nghệ sĩ hát bội TPHCM là một cái rạp cũ kỹ của tư nhân từ trước 1975, đã hư hỏng và có lẽ không đảm bảo an toàn cho khán giả khi mà ghế hỏng, tường bong tróc hết cả. Ánh sáng không đủ, ghế phủ đầy bụi, hệ thống điều hòa thông gió cũng hư hỏng ngổn ngang. Nơi đây cũng là chỗ các nghệ sĩ hát bội đi trước dạy cho các lớp đàn em theo kiểu truyền tay, truyền nghề. Nghệ sĩ trẻ Ngọc Giàu nói: “Nghệ thuật hát bội rất khó, phải vừa hát, vừa múa, có đặc trưng từng vai nên phải học mới diễn được, tiếc là trường lớp hát bội không có. Đa số nghệ sĩ chúng em là do gia đình truyền dạy, anh chị đi trước chỉ bảo”.

Tương lai mờ mịt

Nghệ sĩ Ngọc Giàu so sánh: “Hát bội hóa trang đậm hơn cải lương, hát bội dùng mặt nạ mà cải lương ít dùng”. Nghệ sĩ Xuân Quan nói thêm: “So về lịch sử thì hát bội có trước cải lương mấy trăm năm. Hát bội được dùng để cúng tế trong các đình miếu còn cải lương thì không”. Một nghệ sĩ cải lương so sánh: "Nghệ thuật cải lương diễn hát thật, bộc lộ cảm xúc theo nhân vật, nghệ thuật hát bội là nghệ thuật ước lệ. Cải lương đã khóc là khóc thật, còn hát bội là diễn ước lệ, gạt nước mắt có nghĩa là khóc rồi mà khán giả vẫn rơi nước mắt. Diễn hát bội có niêm luật, vai nào có các vẽ cách hóa trang cách diễn của vai đó, như vai nịnh thì bước ra sân khấu khán giả đã nhận ra liền”. Một nghệ sĩ chuyên đóng vai nịnh nói: “Trang điểm cho vai nịnh phải làm sao phóng đại mọi thứ lên, nom ra dáng kẻ a dua”.

Giá trị nghệ thuật hát bội có lẽ không cần bàn cãi nữa, nhưng ở một thành phố hàng chục triệu dân mà chỉ lại một Nhà hát của nhà nước và một đoàn tư nhân diễn theo mùa vụ, tương lai hát bội về đâu? Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Quan nói: “Thù lao cho các nghệ sĩ mỗi đêm diễn chừng một trăm ngàn, những vai phụ thì không tới. Thù lao do thành phố trả, vì chúng tôi diễn lưu động không bán vé. Thu nhập như vậy, làm sao thu hút lớp trẻ đi theo nghề hát bội?”. 

Các nghệ sĩ tâm sự: “Hồi trước nhà hát chúng tôi ở quận 1, mấy năm nay chuyển nhà hát về quận 5, không rõ mai đây còn đi đâu nữa? nguyên nhân là phải bàn giao mặt bằng cho các cơ quan chức năng làm việc khác. Chúng tôi cứ nay đây mai đó, biết đến bao giờ hát bội mới có chỗ đứng chân ở thành phố này?”.

Hát bội​ 3 không ở Sài Gòn ảnh 1 Nhà hát bội tại TPHCM bị hư hỏng từ lâu, 2 năm qua chưa tổ chức được buổi diễn nào. Ảnh: Trần Nguyên Anh
Hát bội​ 3 không ở Sài Gòn ảnh 2 Các nghệ sĩ hát bội tại Sài Gòn Gia Ðịnh năm 1915. Ảnh tư liệu
MỚI - NÓNG