Hát cho tới khi chạm tới cái chết

Hát cho tới khi chạm tới cái chết
TP - Cầm một cuốn sách, người kiên nhẫn sẽ bắt đầu từ trang 1. Nhưng với tôi, tôi đọc Hát bắt đầu từ… bìa cuối bởi sự tò mò với lời đề từ: Có bao nhiêu nát tan/ Đội lên đầu mà hát của nhà thơ Hoàng Hưng để xem thử cái nát tan cuối cùng là điều gì. Và tôi bắt gặp cái chết ở khúc kết. 

Con người ta, ai cũng nghĩ về cái chết, nhưng có người sợ, có người không. Chết ở bìa cuối này lại đang được bàn đến. Cách thức về cái chết. Khi đó, nên đến bên họ và hát. Nhà văn bày cho tôi/chúng ta như vậy.

Rồi giở lại, bắt đầu từ đầu. Hát của Trần Nhã Thụy mở ra trước mắt người đọc một khoảng rộng mênh mông. Không đi vào sự chi tiết của từng nhân vật, từng câu chuyện cụ thể, Trần Nhã Thụy đưa đến nhiều khoảng đời của nhiều nhân vật. Nhưng ở đây, nhân vật khiến tôi chú ý và dõi theo đôi lúc muốn hụt hơi là Kỷ. Đọc một đoạn đời của Kỷ thôi thì có cần phải mệt theo như vậy không? Kỷ đam mê bất ngờ với ca trù. 

Kỷ bất lực với tình yêu. Kỷ thờ ơ với công việc. Kỷ rời ra khỏi mối quan hệ của gia đình. Kỷ sống, tham dự vào tất tần tật những gì đang xảy ra trong xã hội. Những hội hè, bạn bè, cuộc nhậu, gái gú… Tất tật, cái gì Kỷ cũng có. Hẹn hò, tán tỉnh, nhảm nhí, vớ vẩn, nghiêm túc, đàng hoàng, hội họp, tán gẫu, phét lác, tử tế… Cái gì, Kỷ cũng dự phần. Ngay cả cái đàng hoàng với mẹ con cô bé hát ca trù, Kỷ cũng có. Rồi cũng chính với họ, cái thờ ơ, bàng quang. Kỷ cũng có nốt. Cái cuối cùng là tình yêu với Lý, Kỷ cũng nồng nàn rồi cay đắng. Tưởng thế sẽ đọng lại chút gì nơi Kỷ, thì cũng chỉ là cái thờ ơ về cái chết. Thờ ơ. Dửng dưng. Đó là Kỷ. 

Nên sống cùng với Kỷ trong Hát chỉ một quãng ngắn thời gian, dễ phát bực, phát điên. Kiểu của Kỷ, thà tốt hoặc xấu gì thì làm ơn mà sống, chứ kiểu dùng dằng rất sâu này, khiến người đọc phải nín thở theo từng hành động của nhân vật mà hoặc thở phào hoặc lên cơn đau tim.

Nên sống cùng với Kỷ trong Hát chỉ một quãng ngắn thời gian, dễ phát bực, phát điên. Kiểu của Kỷ, thà tốt hoặc xấu gì thì làm ơn mà sống, chứ kiểu dùng dằng rất sâu này, khiến người đọc phải nín thở theo từng hành động của nhân vật mà hoặc thở phào hoặc lên cơn đau tim.

Làm người, mà sao Kỷ lại thờ ơ ơ hờ đến thế? Hát không nói đến điều gì đã làm tổn thương Kỷ. Hát chỉ đưa ra cho mình thấy một nhân vật, sống trong thời đại của chúng ta. Bình thường như mỗi ngày vẫn gặp.

Đơn giản nhưng hằng hà sa số đang sống. Hát không đào sâu cuốc bẫm cái thế giới nội tâm phức tạp như kiểu nhân vật của kiểu tiểu thuyết tâm lí, đọc xong khiến người ta ậm à ậm ạch. Hát dắt người ta đi theo nhân vật. Nhìn nhân vật sống, nhìn nhân vật đi, theo nhân vật như kiểu thám tử lẽo đẽo sau lưng đối tượng được thuê theo dõi. Thành thử cứ đi coi vậy thôi, chứ đố hề biết nhân vật đang nghĩ gì trong đầu. Vô hình trung, người viết đặt người đọc trở thành một nhân vật theo dõi cái thằng nhân vật do nhà văn nhào nặn ra. Họ bị kéo vào cuộc chơi của người cầm bút lúc nào không hay.

Đi cùng Kỷ, cảm nhận được cái cô độc của anh. Kỷ sống bình thường. Rất bình thường. Nhưng cái cảm xúc của Kỷ không bình thường. Cảm giác anh đã bị triệt tiêu mất mọi cảm xúc. Thảng hoặc, nó trồi lên, lóng lánh, chuẩn bị thăng hoa… thì lý trí của anh với sự dửng dưng đời thường trở về. Và một cái tặc lưỡi, anh bỏ qua cô bé Xuân Nương, bỏ qua Lý, bỏ qua cái chết của người cha, bỏ qua những bữa nhậu anh em trong gia đình… Không, thực ra không phải bỏ qua. Mà cảm xúc tự nó chìm xuống. Kiểu, cuộc đời mà, làm sao mình quan tâm hết được, làm sao mình níu giữ được, làm sao làm sao… để rồi cuối cùng rồi trôi tuột. 

Kỷ không thể dang tay cứu vớt một cuộc đời, một số phận, một mối tình. Tất cả rồi trôi đi theo kiểu mỗi số phận có một phần lịch sử. Mà Kỷ cũng chỉ là một tí tẹo của lịch sử. Kỷ không làm được gì. Thông thường trong các tiểu thuyết tâm lý thì các nhân vật sẽ tự vấn day dứt sao mình không làm thế này làm thế kia để cứu vớt cuộc đời, và nhà văn sẽ để họ cất lên những tiếng kêu như những dấu hỏi xoáy vào cuộc đời vang lên. Trần Nhã Thụy thì không, người viết hình như không định để cho nhân vật của mình ra tuyên ngôn. Kỷ đến trong cuộc đời, ra khỏi cuộc đời của Hát chỉ một đoạn. 

Ý nói tôi đang sống thế. Đơn giản thế. Ơ thờ thế. Vô vị thế. Đâu có gì ghê gớm đâu. Mà, cả xã hội này bây giờ toàn như thế. Cả xã hội này đang thế. Kỷ hay Kỷs đang mỗi ngày đến rồi biến mất, đâu cần ai biết đâu cần ai hay. Mà cũng không ai biết ai hay. Một xã hội đang lỏng dần các mối quan hệ. Mỗi con người đang tự chịu trách nhiệm với cá nhân riêng biệt của mình. Tự chịu cả cảm xúc sống của mình. Thế thôi. Và xã hội ấy đang vỡ ra từng mảnh của mỗi con người cá nhân. Không trách, không phiền. Nhưng buồn. Dẫu buồn thì cũng không thể thay đổi được xã hội. Con người buồn thì kinh tế vẫn phải đi lên, trái đất vẫn quay. Chả để làm gì… Nhưng buồn vì vẫn cứ buồn quá thể.

Nên người viết đã để Kỷ hát một mình. Hát cho tới khi chạm đến cái chết. Hát như một cách khám phá mình, tìm ra một phần nhỏ con người mình đang bị khuất lấp mà thích thú với nó, như tìm ra một người xa lạ trong chính bản thể mình để chia sẻ chăng?

Để đi đến cái chết, con người ta có bạn đồng hành… 

(Đọc HÁT của Trần Nhã Thụy - Nxb Hội Nhà văn, 2014)
MỚI - NÓNG