Helen Mirren: Mơ thành nghệ sĩ vĩ đại

Helen Mirren: Mơ thành nghệ sĩ vĩ đại
Helen Mirren, trong vai diễn Nữ hoàng vừa đoạt giải Oscar 2007 không chỉ tạo được bề ngoài giống như tạc mà còn chỉ ra chiều sâu của nữ hoàng một cách "con người" nhất, một cá tính mạnh mẽ.
Helen Mirren: Mơ thành nghệ sĩ vĩ đại ảnh 1
Helen Mirren

Khán giả thế giới không xa lạ gì với các bộ phim tiểu sử, nhưng thường là về những nhân vật đã quá cố. Còn The Queen (Nữ hoàng) lại tái hiện hình ảnh đấng trị vì của một triều đình hiện đại - một trong những hoàng gia nổi tiếng và khép kín nhất thế giới, nữ hoàng Elizabeth II.

Tác giả kịch bản Peter Morgan đã hòa trộn những sự kiện thật với các giả định để xây dựng nên biên niên tài liệu cuộc sống của gia đình nữ hoàng và thủ tướng Tony Blair sau cái chết của vương phi Diana trong tai nạn ô tô tháng 8/1997.

Đầu tiên, Nữ hoàng giữ sự im lặng đầy phẫn nộ, cho rằng cái chết của người vợ đã ly hôn của thái tử và mẹ của các hoàng tử kế vị ngai vàng chỉ là việc riêng của gia đình hoàng tộc. Nhưng lắng nghe ý kiến của thủ tướng Blair và thần dân, bà đã phải truy tặng vương phi bạc mệnh những nghi thức tang lễ của hoàng gia.

Đạo diễn Stephen Frears đã triển khai được chủ đề một cách chính xác và can đảm, đòi hỏi sự tinh tế đặc biệt không xúc phạm vinh dự và phẩm giá của các nhân vật quyền uy nhưng cũng không làm khán giả thất vọng.

Ống kính đã soi rọi hình ảnh nữ hoàng trong những giờ phút mà những tay thợ săn ảnh Paparazi sẵn sàng hy sinh nhiều thứ để đổi lấy - khoảnh khắc Nữ hoàng bật khóc vì mệt mỏi và bất lực, hay lúc bà trong phòng ngủ với chồng.

Nhưng trên tất cả, Nữ hoàng - bắt đầu bằng cảnh Elizabeth II ngồi cho một họa sĩ triều đình họa chân dung - là thành tựu rực rỡ của nữ diễn viên Anh kỳ cựu Helen Mirren và sống ở Los Angeles đã 20 năm.

Với 40 năm đóng phim và vẫn còn trong phong độ, Mirren không chỉ tạo được bề ngoài giống nữ hoàng như tạc mà còn chỉ ra chiều sâu của nữ hoàng một cách "con người" nhất, một cá tính mạnh mẽ.

Nghe nói chính bà đã đặt vào miệng nữ hoàng Anh câu rủa xả: "Quỷ tha ma bắt!"?

Vâng, là tôi. Tôi tin tuyệt đối rằng chính bà đã rủa thầm như thế, khó mà thô lỗ hơn. "Quỷ tha ma bắt" chính là câu hợp nhất.

Đầu phim, bà đã quay nhìn ống kính bằng phong cách không thể gọi là gì khác hơn ngoài từ "đấng quân vương"?

Đó là Stepen (Stephen Frears) nghĩ ra. Tôi đồng ý với các bạn rằng cảnh này tác động rất mạnh. Tôi nghĩ bà ấy đã hớp hồn bởi khán giả không quen bị nữ nhân vật từ màn ảnh nhìn thẳng vào mắt họ. Bà ấy dường như đang nói: "Vâng, là ta. Ta là nữ hoàng - hãy biết điều đó".

Hãy kể cảm nghĩ của bà về phong cách của nữ hoàng?

Bạn muốn nói về việc (bà) không có nó (phong cách) ư? (cười). Tôi có cảm tưởng rằng trang phục của nữ hoàng - những chiếc áo kiểu cổ, các áo vest ba lớp vuông vức và những đôi giày nâu thô là biểu hiện của một vị thế sống nhất định.

Nữ hoàng khi trẻ là một trong những trang tuyệt sắc - một phụ nữ đầy ấn tượng như Elizabeth Taylor khi xuân sắc. Thế nhưng bà lại không muốn ăn mặc gây ấn tượng, chưa bao giờ nhuộm tóc hay thử những kiểu tóc khác.

Bà thích ăn vận đơn giản, tiện lợi. Nếu phải xuất hiện trước công chúng, bà sẽ đội chiếc mũ màu ngọc lam sáng và vận một áo dài. Hợp hay không không quan trọng, với bà sao cũng được.

Với một phụ nữ luôn nằm trong tầm quan sát thì nữ hoàng quả là người không quan tâm tới chuyện ăn mặc.

Tôi nghĩ điều đó phần nào tạo cho ta ấn tượng rằng bà thuộc về một thế giới khác - thế giới vua chúa. Bà không phải là người mẫu, cũng không phải là nhân vật nổi tiếng, mà bà là nữ hoàng. Chúng tôi muốn chỉ ra quốc vương không phải là ngôi sao. Phải lớn hơn thế.

Bà sinh ra và lớn lên ở Anh, nơi hình ảnh nữ hoàng đã quá quen thuộc với mỗi người. Chuẩn bị cho vai diễn, bà có cảm thấy cần phải biết nhiều hơn về con người này?

Dĩ nhiên có chứ. Giống như chuông đồng hồ Big Ben vậy. Tôi có thể nhắm mắt vẽ lại nó - từ cái chóp đỉnh nhọn đến các chiếc kim và những chi tiết nhỏ bởi tôi đã đi ngang nó hàng trăm thậm chí hàng nghìn lần, nhưng tôi chưa bao giờ thấy nó một cách thật sự cả. Nó có vẻ quen thuộc thế, nhưng tôi không hề có khái niệm bên trong nó như thế nào.

Với Nữ hoàng cũng thế - tôi phải nghiên cứu cá tính bà thật sâu nhưng từ một phía hoàn toàn mới lạ với tôi. Cực kỳ thú vị khi quan sát những khuôn mẫu của tôi bị sụp đổ hay ngược lại, được khẳng định. Tôi đã được thấy bà là một con người thật chứ không phải một vị nguyên thủ trừu tượng của quốc gia.

Bà đã có lần gặp nữ hoàng trong đời thật rồi, điều đó có giúp gì cho công việc không?

Dĩ nhiên, mặc dù trong buổi chiêu đãi đó có cả nghìn người tham dự, nhưng khung cảnh là không chính thức, còn 99,9% thời gian là tôi thấy bà trên truyền hình trong các sự kiện chính thức nào đó.

Trong đời thường, nữ hoàng Elizabeth Windsor là một người rất dung dị, niềm nở và sinh động, với nụ cười luôn trên môi. Khi bà xuất hiện trước công chúng thì chung quanh bà dường như xuất hiện một trường lực - vừa uy nghi vừa mạnh mẽ.

Trong đời thật bà không giống nữ hoàng lắm, nhưng trong phim thì như tạc. Bao nhiêu phần trăm trong nỗ lực đó là của bà, còn bao nhiêu là của việc hóa trang?

Bạn có biết việc giống nữ hoàng đạt được không phải là nhờ nghệ thuật trang điểm không? Quan trọng hơn hết là giọng nói và ngữ điệu. Và còn nghệ thuật tạo hình. Tôi đã bỏ nhiều thời gian để xem các phim video về nữ hoàng, học xem bà di chuyển thế nào, ngẩng đầu thế nào, các ngón tay bà cử động thế nào, cách bà mang ví, khi nào mang kính và khi nào không.

Còn cảnh bà đóng nữ hoàng khóc?

Tôi tưởng tượng cảnh đó rất rõ. Tôi không có phương án nào khác vì người ta chưa bao giờ cho tôi xem cảnh nữ hoàng khóc. Ngoài một lần duy nhất - khi mẹ bà mất. Tôi nghĩ có thể vì thế mà Stephen đưa cảnh đó vào phim.

Nhìn chung, Elizabeth Windsor là một người giấu rất tuyệt các cảm xúc trước đám đông. Tôi không thể hình dung sao bà có thể làm vậy nếu tính hết tất cả những phiền não bà đã trải.

Cái chết của Diana là nỗi đau cho mỗi thành viên hoàng gia. Cuối cùng, nữ hoàng còn lại chỉ một mình, bị đè nén bởi gánh nặng đau khổ và sự thiếu thông hiểu của xã hội đang lên án sự vô tâm của gia đình bà.

Bà đau khổ bởi phải lựa chọn: liệu bà có phải gìn giữ truyền thống hay làm điều mà nhân dân đang chờ đợi. Và đúng lúc đó nữ hoàng thốt lên: "Quỷ tha ma bắt truyền thống đi", mặc cho cảm xúc trào dâng và bật khóc.

Vậy thì lúc đó, năm 1997, bà ở phía nào - nữ hoàng và truyền thống hay tình yêu của nhân dân cho nàng Diana?

Mặc dù tôi là một người chống hoàng gia một cách kiên định, tôi lại không lên án nữ hoàng. Tôi cho rằng cách hành xử của bà là hoàn toàn tự nhiên và dễ hiểu. Tôi còn cho rằng trong hoàn cảnh đó, báo chí Anh đã cư xử không phải khi thổi phồng scandal từ câu chuyện này và kiếm khá bộn từ đó.

Bà có quan tâm về việc các thành viên hoàng gia nghĩ gì về bộ phim không?

Dĩ nhiên có chứ. Nhưng nhiều khả năng không ai và không bao giờ người ta có thể biết điều đó. Các bậc vua chúa phải cao hơn những gì người ta nói về họ.

Ai là thần tượng của bà thuở nhỏ?

Sarah Bernhardt (nữ diễn viên Pháp gốc Do Thái) và Eleonor Dousa (nữ nghệ sĩ Ý, từng đóng vai Julliet trong Romeo và Julliet). Thuở nhỏ tôi từng mơ không chỉ đơn giản là một diễn viên sân khấu nổi tiếng hay một ngôi sao điện ảnh, mà là trở thành một nghệ sĩ vĩ đại, không ít hơn.

Tôi bị mê hoặc bởi những tưởng tượng về nghề diễn viên trong tinh thần thế kỷ 19. Tôi thích kỷ nguyên ấy nhiều hơn thực tại. Tôi lớn lên trong một gia đình Anh rất nghèo: Chúng tôi không có tiền mua truyền hình, radio, không có ô tô lẫn máy giặt. Nhà tôi chỉ có tủ lạnh khi tôi được 15 tuổi.

Theo Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.