1. Khi người đàn bà này đi đến gần, các tổng thống đều run

Helen Thomas - Ký giả làm các tổng thống Mỹ đau đầu

Helen Thomas - Ký giả làm các tổng thống Mỹ đau đầu
TP - Helen Thomas từng chất vấn 9 đời tổng thống Mỹ, từ Kennedy cho đến Bush (con). Hơn 40 năm trở lại đây, trong các buổi truyền hình trực tiếp cuộc họp báo của các tổng thống, dân Mỹ nhìn thấy một người đàn bà ngồi ở hàng đầu, đứng lên nhìn thẳng vào tổng thống mà chất vấn.
Helen còn có một đặc quyền: Bà được nói câu “Cám ơn ngài tổng thống” để kết thúc buổi họp báo của tổng thống. Mỗi khi bà nói câu đó, các phóng viên không hỏi thêm câu gì nữa. Bà là phụ nữ đầu tiên có được đặc quyền đó.

Năm 2000 Bush (con) lên nhậm chức tổng thống, Helen Thomas đã kết thúc cuộc đời làm phóng viên ở Nhà Trắng, bà chuyển sang làm nhà văn chuyên viết cho các báo. Trong một bài phóng sự viết năm 2002, bà gọi thẳng Bush (con) là “tổng thống hoàng đế”. Bà cũng không kiêng nể nói “Bush (con) là “tổng thống hỏng bét trong lịch sử nước Mỹ” và còn gọi ông ta là “kẻ nói khoác”.

Mặc dù Helen vẫn được tham gia các buổi họp báo của tổng thống, nhưng bà không được xếp vào danh sách những phóng viên được chất vấn nữa. Mãi đến ngày 21/3/2006, nữ phóng viên nổi tiếng về chất vấn các tổng thống này mới lại có cơ hội được chất vấn tổng thống.

- Vấn đề của tôi là tại sao ngài lại muốn phát động chiến tranh? Bắt đầu từ khi ngài bước vào Nhà Trắng, nguyên nhân là gì? Ngài nói không phải vì dầu lửa, cũng không phải vì Iraq hoặc nơi nào khác, thế thì cuối cùng nguyên nhân là gì? - Helen Thomas đối mặt với Bush (con) hỏi thẳng vào vấn đề.

- … Tôi không muốn khai chiến. Nếu nghĩ tôi muốn khai chiến thì thực là sai lầm. Thưa bà Helen … - Bush (con) trả lời.

- Họ không làm gì đối với quốc gia của ngài, của chúng ta - Helen phản bác.

- Xin lỗi, để cho tôi nói đã, để cho tôi nói hết đã. Họ đã làm! Taliban (Afghanistan) là căn cứ an toàn của chúng, nơi đó là căn cứ để tiếp nhận huấn luyện…

- Nhưng tôi nói Iraq cơ mà! - Helen lại một lần nữa không khách khí ngắt lời tổng thống.

Người đàn bà này luôn gây khó cho hết tổng thống này đến tổng thống khác ở trong phòng họp báo chí của Nhà Trắng. “Không nghi ngờ gì, hơn 40 năm trở lại đây, mỗi khi người đàn bà này đến gần, các tổng thống đều ngại. Lưỡi bà như con dao, trí tuệ bà như lưỡi kiếm” “Báo bưu điện Washington” bình luận như vậy.

Theo Helen, chất vấn tổng thống là quyền lợi cần có của phóng viên. Trong cuốn Con chó canh cửa của nền dân chủ mới đây, bà viết: “Nhiều năm trở lại đây, tôi luôn có cơ hội chất vấn người công bộc có quyền lực nhất nước – tổng thống Mỹ. Tôi thừa nhận, đối với chức vị của họ, tôi rất kính nể, nhưng không phải là cá nhân người chiếm được chức vị ấy”. Bởi vì, “chức trách của chúng ta không phải là ngưỡng mộ lãnh đạo đức cao vọng trọng mà là luôn luôn đặt họ dưới ánh sáng đèn để xem họ có được nhân dân tín nhiệm không”.

2. Đặc quyền của Helen

Helen Thomas - Ký giả làm các tổng thống Mỹ đau đầu ảnh 1
Helen Thomas với TT Mỹ Bill Clinton. Ảnh : uglydemocrats

Hiện trạng của cơ quan truyền thông Mỹ ở thế kỷ mới khiến bà thất vọng. Trong cuốn sách trên, Helen Thomas luôn tìm về quá vãng: “Không phải là hoài cựu mà là lo lắng sâu sắc. Tôi tin rằng, thời hoàng kim của báo chí là thế kỷ XX”.

Thời ấy, các phóng viên thông tấn xã để tìm chiếc máy điện thoại báo tin về cho ban biên tập, thường phải chạy tìm khắp mấy khu phố. Ngày nay, kỹ thuật thông tin tiến bộ rất nhiều nhưng, đối với Helen, ở thời đại kỹ thuật số, truyền hình vệ tinh, và thông tin mạng hiện đại là thế, mà “có những tin rất quan trọng lại bị bỏ qua”.

Helen Thomas là đời sau của di dân Syria, là con thứ bảy trong một gia đình có chín người con. Năm 22 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học, bà quyết định lập nghiệp ở Washington, lấy cớ đi thăm chị họ đang sống ở đó. Người nhà của bà không ngờ, những ngày sau đó, qua tivi thấy các vị tổng thống thân mật gọi bà là “Helen”, thấy tên và ảnh của bà đăng trên báo.

Lúc đầu, bà làm tạp vụ ở một toà báo nhỏ ở Washington. Cái máy chữ gõ tí tách những bản tin về các nơi trên thế giới, nghe tiếng chuông reo, Helen liền chạy đến lấy bài đưa đến cho ban biên tập.

Năm 1960, khi Kennedy lên làm tổng thống, Helen 40 tuổi được chọn làm phóng viên của Nhà Trắng.

Trong tập đoàn các phóng viên Nhà Trắng, Helen dường như đến công sở sớm nhất và về muộn nhất. Sáu giờ sáng, bà bắt đầu đến làm việc ở Nhà Trắng, uống tách cà phê, lướt qua các tin tức mới, đợi phát ngôn nhân Nhà Trắng thông báo tin tức vào các buổi sáng hàng ngày.

Nhiều lần, nửa đêm, được điện thoại của ban biên tập, bà nhảy lên taxi đi thẳng tới Nhà Trắng.

Mấy chục năm liền, bà luôn luôn ở bên cạnh tổng thống bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào. Chuyên mục “truyện ký” của đài phát thanh Mỹ gọi bà là “cánh tay phải của tổng thống”.

“Theo tính toán của tôi, Helen đã công tác ở đây một vạn buổi sáng, dùng hết mấy nghìn cái bút và cuốn sổ, mấy nghìn cốc cà phê”, Tổng thống Clinton nói như thế trong một lần chiêu đãi các phóng viên ở Nhà Trắng năm 1998.

Trước kia, nữ phóng viên không được phép dự cuộc họp mặt của các phóng viên do Nhà Trắng triệu tập. Một lần, Helen phản đối Kennedy: “Nếu như chúng tôi không được tham gia thì tổng thống cũng không được tham gia” Kennedy đành phải đồng ý. Thế là từ đấy trở đi, nữ phóng viên Nhà Trắng được bước vào lãnh địa của nam phóng viên. Và, trong lãnh địa này, Helen còn có một đặc quyền: Bà được nói câu “Cám ơn ngài tổng thống” để kết thúc buổi họp báo của tổng thống. Mỗi khi bà nói câu đó, các phóng viên không hỏi thêm câu gì nữa. Bà là phụ nữ đầu tiên có được đặc quyền đó.

Trong nhiều năm, Helen là phóng viên Nhà Trắng được hỏi tổng thống đầu tiên hoặc thứ hai. Năm 1975 bà được bầu là trưởng đoàn các nhà báo Nhà Trắng, trở thành nữ trưởng đoàn đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.

3. Hai đồng hồ để tác nghiệp

“Thời gian tôi ở Nhà Trắng lâu hơn bất cứ một phóng viên nào” - Helen nói. Bà chứng kiến cảnh sóng gió, nóng lạnh của các ông chủ Nhà Trắng. Mỗi vị tổng thống đều không tránh được những lời cật vấn của bà, từ tổng thống Roosevelt cho đến tổng thống đương nhiệm.

“Mỗi lần tham gia buổi họp các phóng viên của tổng thống, tôi chưa bao giờ mất đi lòng kính phục các vị, bởi vì tôi chất vấn tổng thống của Hợp Chủng Quốc – tôi bao giờ cũng lễ phép lịch sự, nhưng, khi cần, cũng buộc các vị ấy phải ngồi trên tấm thảm có gai”. Helen viết trong Tuyến đầu ở Nhà Trắng như vậy.

Khi bà đứng lên hỏi đầu tiên, bao giờ cũng thấy những hình dạng tức cười của các tổng thống: “Carter lo sợ”, “Reagan cúi đầu”, Bush (bố): “ấy chớ! Đừng thế Helen”.

Mỗi lần tham dự các buổi tiếp phóng viên của tổng thống, Helen - trưởng đoàn các phóng viên Nhà Trắng, bao giờ cũng đeo hai chiếc đồng hồ, một cái để biết giờ, một cái để khống chế lời phát biểu của tổng thống. Hễ hết 30 phút, bà liền đứng dậy nói “Cám ơn tổng tổng!”.

Năm 1974, đúng lúc tổng thống Nixon đang gặp phải nhiều khó khăn trong vụ Watergate, một lần trong buổi tiếp phóng viên, trước mặt các phóng viên, Nixon chúc bà trở thành đội trưởng đội phóng viên quốc tế trú tại Nhà Trắng: “Thật là tuyệt vời, bà là phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nhận trọng trách này”.

Helen hơi ngượng, nói nhỏ “Cám ơn”. Tiếp theo, Nixon là người mời bà chất vấn đầu tiên. “Tôi muốn biểu đạt sự cảm kích của tôi, nhưng tôi lại hỏi một cách gay gắt” - Helen nhớ lại.

Theo Helen, trong các tổng thống kể trên, chính phủ của Bush (con) quản lý giới báo chí chặt nhất. So với tám vị tổng thống khác, vị tổng thống này quản chặt giới báo chí, thậm chí biến họ thành tuyên truyền viên cho chính phủ.

Ngay trước công chúng, bà phê phán Bush (con) trong khi diễn thuyết chỉ chọn những ý kiến nhất trí với mình, còn những quan điểm bất đồng hoặc chống lại thì ông ta bỏ qua.

Bà phê phán phát ngôn nhân báo chí của Bush (con) là “người máy nói như con vẹt”. Bao giờ cũng nói y như chủ, bất kể phóng viên nêu ra vấn đề gì, ông ta “cũng phớt lờ hoặc không thèm nhắc đến”.

 (Còn nữa)

Lê Huy Tiêu (Theo Độc giả)

MỚI - NÓNG