Hoa hậu Việt Nam - Đêm chong đèn ngồi nhớ lại: Những đêm chung kết dài

TP - Vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước, chung khảo vùng miền cũng kéo mấy đêm chưa kể chung kết toàn quốc. Đăng quang xong lại “hậu hoa hậu” nghĩa là ca nhạc - thời trang - hoa hậu kéo dài, còn bán được vé là còn kéo! Nghĩ lại không hiểu sao hồi ấy làm được lắm việc thế.
Hoa hậu Việt Nam - Đêm chong đèn ngồi nhớ lại: Những đêm chung kết dài ảnh 1

Các hoa hậu hát trong đêm chung kết năm 2008 - dịp kỷ niệm 20 năm báo Tiền Phong tổ chức thi hoa hậu. Từ trái sang: Hà Kiều Anh, Bùi Bích Phương, Diệu Hoa, Ngọc Khánh. Ảnh: Hồng Vĩnh

Phe vé bao vây tòa soạn, mò cả lên gác 3 gạ gẫm phóng viên “Các chị gì mà chẳng thừa vé mời, để lại cho bọn tôi”. Nhiều vé thật, thành ra cộng tác viên như các nhà văn Nguyên Ngọc, Lê Minh Khuê... đều có tên trong danh sách biếu, họ không xem hoặc không cho ai vé thì tôi lại lấy suất đó đi đối ngoại nơi khác, tha hồ phân phát. Trong khi vé chợ đen lúc nào cũng cao hơn gấp mấy, sốt xình xịch.

Đạo diễn chương trình hiền lành nhất là Triệu Quang Dũng người Hải Phòng, nghe nói từ chuyện tiền bạc đều sòng phẳng phóng khoáng. Anh Dũng làm chương trình không hoành tráng như Huỳnh Phúc Điền, Phạm Hoàng Nam... của miền Nam nhưng nhìn chung gọn gàng xinh xắn. Một dạo, anh toàn đến chỗ tôi kêu khổ hoặc điện thoại nói chuyện rất dai, kể bị người này người nọ lừa. Kể trong giới gọi anh là Triệu Quang Lỗ còn Trần Bình là Trần Lời. Tức là một người làm chương trình hay lỗ còn người kia luôn lời.

Bẵng đi không gặp, một hôm cách nay cũng phải chục năm rồi, anh lại đến tòa soạn chơi và có dấu hiệu trầm uất nặng. Hình như vì dư chấn của những cuộc lỗ lãi và ăng-ti nhau trong giới. Vẫn ăn mặc chỉn chu, gương mặt sáng sủa đẹp trai, anh ngồi hàng buổi chỉ để tư vấn cho tôi về lợi ích của động tác vẫy tay trước khi đi ngủ. Cứ gọi là bách bệnh tiêu tan! Anh nói, em cầm điện thoại nói chuyện với người nhà anh ở Hải Phòng đây, xem có phải anh được trẻ khỏe thế này là nhờ vẫy tay không?!

Tôi cũng bắt máy và nói với anh hoặc em gì đấy của anh ở đầu dây bên kia cho họ yên tâm, rằng anh đang ở đây bình an, và báo Tiền Phong luôn trân trọng những con người tử tế, đóng góp không chỉ một lần cho cuộc thi hoa hậu thành công.

Về sau này, các chị em ở tòa soạn đều báo “Hồi đó chứ bây giờ thì chịu, riêng sức khỏe đã không đáp ứng nổi”. Ngày nào cũng như ngày nào, 6 giờ tối là tề tựu ở Cung Văn hóa Hữu nghị đến khuya. Dân tình bảo báo kiếm ăn giỏi thế, tiền để đâu cho hết. Tôi cũng chẳng nhớ hồi đó chúng tôi Triệu Quang Lỗ hay Trần Lời nữa, chỉ được cái-như đã nói- tha hồ đãi ngộ người quen những tấm vé mà họ yêu cầu!

Trần Bình làm đạo diễn chương trình, thường tự hào diễn viên của anh trẻ trung xinh đẹp, là các “em múa”, còn đội hình của bà Quỳnh ấy à, toàn các “mẹ múa”. (Bà Quỳnh tức nghệ sĩ Chu Thúy Quỳnh sếp Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam). Một trong những tiết mục “tủ” của đoàn anh là điệu múa tập thể Chào mùa xuân.

Diễn ở cuộc hoa hậu thì có tên như vậy nhưng tôi đi xem chương trình khác, thấy cùng điệu múa đó của đoàn anh lại có tên Chào mùa thu, cho hợp thời vụ. Nên tôi gọi điệu múa này là Chào bốn mùa!

Đạo diễn Đặng Cường cũng nhiều lần đóng góp dàn dựng các tiết mục múa biểu diễn xen kẽ các màn thi. Anh có lúc không đứng ở cánh gà xem đến mãn cuộc mà bảo mình phải về sớm, chứ cứ lân la ở những chỗ toàn các em trẻ đẹp thế này, nhạy cảm lắm. Chẳng là anh có vợ đẹp và tài- diễn viên múa Kim Dung nhưng ít năm trước, tai họa thảm khốc ập xuống. Trong lúc chờ tàu hỏa băng ngang, vợ anh bị tàu cuốn vào gầm, phải cưa hai chân.

Cả tòa soạn phải căng ra, huy động hết cơ số để phục vụ thi và “hậu hoa hậu”. Phóng viên nam ngày làm báo tối làm chân bảo vệ, be quét, ngoài đội ngũ cảnh sát trật tự rất chuyên nghiệp được Ban tổ chức thuê. Các chị em thì đủ việc, cả giúp các người đẹp, hoa hậu á hậu cũ mới thay quần áo thật nhanh để còn kịp trình diễn các màn. Hoa hậu Bùi Bích Phương mi-nhon nhất, nên tôi được phân công giúp chị thay áo váy rồi trang điểm. Cả một khu vực cánh gà lúc nào cũng tấp nập khẩn trương như chạy giặc.

Khi viết những dòng này, tôi cũng nhớ những người rất gắn bó với cuộc thi và đã sớm giã từ cõi tạm, như Lê Công Tuấn Anh người dẫn chương trình đáng yêu, không bao giờ ra vẻ “ngôi sao”. Hay nhiếp ảnh gia Trần Thành Công. Càng về sau, qui mô cuộc thi nâng lên, tổ chức ở những thành phố có biển đẹp, ông càng hăng hái, bao giờ cũng tìm đến tôi rất sớm “Nhớ cho anh xin cái thẻ tác nghiệp nhé”. Thường thì bổn báo còn hỗ trợ ông một món nho nhỏ. Cảnh đó người đâu, giờ ông đã đi rồi.

Tôi cũng nhớ những ca khúc đã vang lên, một cách không thể hợp lý hơn. Gót hồng, Lam Trường vừa hát vừa cầm tay, nâng bước từng thí sinh. Rồi “Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi”- Thu Phương hát hay hơn tất cả những lần khác ở những nơi khác. Lê Vũ Long cho thấy anh có tài và quyến rũ đến thế nào qua chính những điệu múa đêm đêm ở Cung Văn hóa Hữu nghị những ngày đó.

Thí sinh có tài lẻ gì phải ra sức trưng trổ, như Hà Kiều Anh không chỉ trình diễn thời trang mà còn hát Nắng thủy tinh, khán giả hoan nghênh nhiệt liệt! Thi dài, “hậu” cũng dài, thành ra có bao nhiêu đặc sản nhà trồng được phải khai thác hết, khán giả đỡ ngán. Kể cũng khéo vẽ thật, cái Ban tổ chức hoa hậu ngày đó.

> Đón đọc kỳ tới: Những sự bất như ý

> Kỳ hai: Hoa hậu Việt Nam - Đêm chong đèn ngồi nhớ lại: Những sự cố nho nhỏ

> Kỳ một: Hoa hậu Việt Nam - Đêm chong đèn ngồi nhớ lại: 'Những cuộc lật đổ'

Mời các bạn đăng ký dự thi Hoa hậu Việt Nam 2014

Cuộc thi hoa hậu có lịch sử lâu nhất và uy tín nhất Việt Nam.

Cơ hội có những trải nghiệm thú vị tại Hà Nội, TPHCM, Bạc Liêu và nhất là hòn đảo xinh đẹp Phú Quốc.

Thể lệ và mẫu đơn đăng ký dự thi nhận tại Tòa soạn báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội hoặc Ban đại diện báo Tiền Phong, 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.8, Q.3, TPHCM.

Thời hạn đăng ký đến 15/10/2014.

Hãy tham gia và trực tiếp làm nên một ngày hội sắc đẹp lớn nhất nước. 

> Mẫu đơn dự thi và Thể lệ cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam 2014

BTC

MỚI - NÓNG