Họa sỹ Đỗ Minh Tâm: Hãy làm những gì mình yêu

Họa sỹ Đỗ Minh Tâm
Họa sỹ Đỗ Minh Tâm
TP - Nhắc đến Đỗ Minh Tâm là nhắc đến một trong những họa sỹ tiên phong về trừu tượng của miền Bắc Việt Nam. “Khúc Đồng Dao” là triển lãm cá nhân lần thứ 8 của Đỗ Minh Tâm vừa diễn ra để lại ấn tượng lớn ngay trong giới chuyên nghiệp.

Ngay những thời khắc cuối cùng trước khi triển lãm đóng cửa, vẫn có khách vào thưởng lãm. Hỏi ra mới hay, họ đã đến xem vài lần nhưng vẫn muốn đến xem lại.

Không theo “mốt”

Đỗ Minh Tâm sinh năm 1963, tại Hà Nội, không phải con nhà nòi. Cha mẹ anh làm nghề đông y. Nhưng Tâm mê vẽ từ nhỏ và là một họa sỹ được đào tạo bài bản. Năm 1977, mới 14 tuổi, Tâm đã vào hệ trung cấp Mỹ thuật. Năm 1987, Tâm tốt nghiệp hệ đại học.  Song song với nghề cầm cọ, Đỗ Minh Tâm còn là một nhà giáo. Anh có 30 năm làm thầy dạy vẽ, từng giữ cương vị Trưởng Khoa Hội họa của Trường Mỹ thuật Việt Nam. Năm ngoái Tâm xin về hưu sớm, để tập trung sáng tác. Anh thú nhận: Sau khi bớt giảng dạy, (chứ không ngưng hẳn vì Tâm vẫn được mời dạy) sáng tác được nhiều hơn. Năm nay, Tâm giới thiệu triển lãm cá nhân thứ 8 “Khúc Đồng Dao”, với những sáng tác trải dài nhiều năm 95, 97, 99, 2000…. 

Họa sỹ Đỗ Minh Tâm: Hãy làm những gì mình yêu ảnh 1 Tranh Đỗ Minh Tâm: Bản giao hưởng xanh, sơn dầu, 2007

Trừu tượng của Tâm có gì khác? “Tôi không theo mốt mà vẽ từ quan điểm, suy nghĩ và những vùng văn hóa mình đi qua”, Tâm chia sẻ. Nếu có dịp thưởng thức tranh trừu tượng của Đỗ Minh Tâm, chắc chắn nhiều khán giả sẽ phải “ồ” lên ngạc nhiên: Thì ra trừu tượng không khó hiểu mà rất gần gũi. Nếu là phụ nữ, chắc chắn bạn sẽ mỉm cười như gặp khoảnh khắc nào đó của chính mình qua tác phẩm “Ghen”. Bạn cũng đồng cảm với tác giả trong “Đối thoại với mưa”, lại nao nao với cảnh đồng quê, đình chùa, đậm đà phong vị văn hóa Bắc Bộ, nuối tiếc những bài hát dân gian hình như chỉ còn vang vọng trong “Khúc Đồng Dao”, nhớ thương bóng hình “người muôn năm cũ” khi cùng Đỗ Minh Tâm lưu luyến “Ngày xửa ngày xưa”… Tâm rõ ràng được giàu có nhờ văn hóa nguồn cội. Tranh của Tâm gợi nét hoài cổ. Anh chia sẻ:  Mê chữ Phạn, thích Kinh Phật từ rất lâu. Tranh trừu tượng của anh khó lẫn còn bởi nó được cách điệu trên tinh thần chữ Phạn.

“Đầu tiên mình phải yêu tranh của mình đã”

Tôi đến chiêm ngưỡng “Khúc Đồng Dao” nhờ vận động của những họa sỹ nổi tiếng trong nghề: “Đến xem ngay. Không đến xem là một thiệt thòi lớn đấy”. Chẳng có triển lãm nào mà người trong nghề lại hối thúc người ngoài nghề đến xem như một cơ hội ít khi lặp lại như thế. Tôi đến Art Space, 42 Yết Kiêu, Hà Nội vào ngày gần cuối của triển lãm. Chọn thời điểm ấy vì tôi muốn được yên tĩnh thưởng thức “Khúc Đồng Dao”. Nhưng mong muốn một mình một cõi của tôi không thành. Bên cạnh tôi vẫn còn những “thượng đế” khác. Họ là những họa sỹ chuyên nghiệp đã từng ghé triển lãm trước đó nhưng chưa hết cơn “nghiền” nên quay lại ngắm tiếp. Đến người trông coi Art Space cũng hưng phấn, anh đi theo khách tươi cười, giới thiệu tranh nọ, tranh kia như một người cầm cọ đích thực. Thật hiếm có một triển lãm hội họa nào ở thời điểm này có sức hút tự nhiên như “Khúc Đồng Dao”. Đừng nghĩ Đỗ Minh Tâm giỏi truyền thông, quảng cáo. Khoản này, anh tự nhận “kém”. Trước khi triển lãm mở màn, hình như Đỗ Minh Tâm chỉ nhờ một, hai người bạn viết đôi dòng trên “phây”, thế thôi. Bản thân anh không chơi “phây”, là cái tên khá lặng lẽ đối với người ngoài giới. Nhưng với người trong nghề, với dân sưu tập tranh thì… khỏi nói.

Khó tính như Đoàn Văn Nguyên cũng không thể tiết chế lời khen với Đỗ Minh Tâm: “Với dòng trừu tượng á? Gã là một trong những tay khá nhất đấy, xứng đáng xếp hạng A. Là nhân vật có chất nghệ sỹ. Người có tư tưởng vị nghệ thuật chứ không phải mấy ông kiếm ăn đơn thuần đâu nhé. Hạnh phúc nhất của Đỗ Minh Tâm là vừa làm nghệ thuật và được sống bằng nghệ thuật”. Quan điểm của Tâm: “Mình vẽ tranh đâu phải để kiếm tiền, đầu tiên mình phải yêu tranh của mình đã”. Anh kể, ngày xưa cũng nghèo lắm, không sống được bằng vẽ tranh như bây giờ. Trong lúc tranh chưa bán được, anh phải làm nghề khác để mưu sinh. Được như hôm nay Tâm cũng vật vã, khổ sở với tranh rất nhiều: “Nhưng họa sỹ phải có lòng tự trọng, phải biết yêu và cống hiến cho bản thân. Hãy làm những gì mình yêu, đừng nhìn người nọ, người kia để bắt chước. Phải tạo ra tiếng nói của riêng mình”, Tâm nói.

Vẽ tranh không nhằm để đẹp

Màu sắc trong tranh Tâm cũng là ấn tượng khó phai với người thưởng thức. Nhưng Tâm không đồng ý với kiểu khen: Làm chủ cuộc chơi màu sắc: “Tôi không chơi. Người ta hay dùng từ chơi. Còn tôi cho đó là sự tìm tòi, tôi không muốn lặp lại những gì mình đã đi qua. Sáng tạo là phủ nhận cái cũ. Vẽ một bức tranh không nhằm để đẹp, mà phải thỏa mãn điều mình mong muốn, luôn luôn phải phủ nhận cái mình đã làm, để tìm ra sự thay đổi”. Tâm bảo tôi: “Tranh tôi chẳng cái nào giống cái nào, cô thấy đấy”. Tại sao Tâm dám “mạnh miệng” khẳng định không lặp lại chính mình?

Tâm tiết lộ: “Khó nhất của tranh trừu tượng mà nhiều họa sỹ không để ý, đó là trạng thái. Khi đã nói đến trạng thái thì thiên biến vạn hóa… Trừu tượng của tôi xuất phát từ trạng thái, trạng thái của tư duy, trạng thái của suy nghĩ, trạng thái của màu sắc, nhịp điệu… Nếu tranh trừu tượng đặt vấn đề là trạng thái thì rất phong phú, không bị lặp lại, muốn làm được điều đó phải tìm hiểu về cấu trúc, về nét, về màu, về không gian…”. Ở triển lãm “Khúc Đồng Dao”, Tâm chỉ khoe một phần nhỏ gia tài. Hiện anh còn vài trăm bức cất giấu, cả khổ to lẫn nhỏ.

Tâm thích vẽ tranh khổ lớn. Bức tranh lớn nhất ở Bảo Tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện nay chính là tranh của Đỗ Minh Tâm, khổ 4,5m x 2m, có tên “Những người lao động”. Thế mà Tâm bán được rất nhiều tranh khổ lớn, dù giá tranh của Tâm không vừa.  Triển lãm “Khúc Đồng Dao” mở vào thời COVID, người ta vẫn ghen tỵ với Tâm vì lượng tranh anh bán được, cả khổ bé lẫn khổ lớn được hơn chục bức. Lại còn, có hai bức sơn dầu lớn cùng một bức sơn mài, người ta muốn mua, Tâm không chịu bán. Lý do của Tâm: “Bán đi thì hết. Cần giữ lại cho mình”. Có câu: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, với Tâm cũng thế, không bao giờ có tranh “nhân bản”, ngay cả na ná cũng quyết không. Thấy có dấu hiệu hơi giống những “đứa” đã sinh, Tâm đã xóa từ đầu, không cho cơ hội để chúng bước ra ánh sáng. Vì sao Tâm nghiêm khắc với mình như vậy? “Nghiêm khắc với mình là cách tôn trọng người xem”, với Tâm là thế.

Nhà phê bình văn học Ngô Thảo khi ghé thăm triển lãm tranh của Đỗ Minh Tâm, chỉ viết một lời duy nhất: “Tranh trừu tượng của Đỗ Minh Tâm hơi bị sang”. Tranh Tâm sang và cách chơi của Tâm cũng sang. Cứ quan sát ngay trong triển lãm cá nhân lần thứ 8 này của Tâm thì rõ. Tâm cẩn thận, chu đáo lắm. Khâu trình bày tranh ở triển lãm dù Tâm đủ khả năng tự làm nhưng vẫn mời người giỏi nghề, chuyên nghiệp, giúp một tay.

Họa sỹ Đỗ Minh Tâm: Hãy làm những gì mình yêu ảnh 2 Tranh Đỗ Minh Tâm: Bon chen, sơn dầu, 2020

Chính vì vậy, nhịp điệu màu sắc từ bức tranh nọ sang bức tranh kia rất cầu kỳ. Không gian, cách sắp đặt ở “Khúc Đồng Dao” thật sự khiến người xem thoải mái, tập trung thưởng lãm: “Phải tôn trọng tranh của mình. Tôn trọng mình là tôn trọng người xem”, Tâm nói. Cho nên, lời khen “Khúc Đồng Dao” là triển lãm đáng nhớ nhất trong năm 2020 của một số họa sỹ dành cho Tâm hoàn toàn xứng đáng, không chỉ ở chất lượng và độ hoành tráng của những tác phẩm được trưng bày.

Đỗ Minh Tâm được trao giải thưởng Mỹ thuật Asean do quỹ Philip Morris tài trợ năm 1996 và Giải thưởng triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2005. Tranh của Đỗ Minh Tâm được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Quốc gia Singapore, Bảo tàng Đại học Edith Cowan (Perth, Australia). Tranh của anh cũng lọt mắt xanh của nhiều nhà sưu tập trong và ngoài nước.

Vẽ như… đi tuyển người đẹp

Có người nói: Tranh Tâm hiện tại vẫn rất hay nhưng kém hay hơn thời Tâm chưa có vợ. Tâm lắc đầu: “Lấy vợ đương nhiên bận rộn, có thời gian không vẽ được. Nhưng ổn định cuộc sống lại vẽ. Có thể người ta thích tranh cũ của mình hơn tranh mới nhưng đó là việc riêng của mỗi người, tôi tôn trọng. Trong “Khúc Đồng Dao” quá nửa là tranh mới. Tôi thích những sáng tác mới, dù tranh cũ có vẻ đẹp riêng, độ sâu sắc riêng”.

Có lúc nào Tâm bị bí trong sáng tác? Tâm thú nhận, ai cũng có lúc bí nhưng anh biết cách giải phóng. Đỗ Minh Tâm có kiểu sáng tác hơi bị lạ: “Tôi vẽ cả chục bức tranh một lúc, điều khiển 10 bức theo 10 cách khác nhau và tôi làm việc đó quen rồi. Chục bức có khi tôi vẽ 1,2 năm mới xong. Tôi không bị bí vì nếu chán cái này lại chuyển sang cái khác. Bởi tôi vẽ bằng trạng thái nên một ngày có nhiều trạng thái khác nhau”. Thậm chí có lúc chán 10 bức to đang dang dở, Tâm lại làm thêm chục bức nhỏ. Cứ vẽ xen kẽ, lẫn lộn thế: “Bí cái này thì chuyển sang cái khác. Như mình đi tuyển người đẹp vậy, không ưng cô này thì tuyển cô kia”, Tâm ví von. 

MỚI - NÓNG