Họa sỹ Đỗ Sơn: Nude đầm ấm

TP - Có thể nói, Đỗ Sơn là một trong những họa sỹ Việt Nam đương thời có tranh chu du nhiều nước trên thế giới. Món “đặc sản” của ông chính là vẽ nude. Nếu ví mỗi bức tranh như thân phận phụ nữ thì tranh của Đỗ Sơn đa phần rơi vào chốn “đài các”, hiếm khi sa “ruộng lầy”. Có những bức tranh của họa sỹ gốc Kinh Bắc đã lọt “mắt xanh” của vua Maroc.

Ngày “chặt” làm đôi

Đỗ Sơn không phải cái tên ồn ào trên thị trường tranh Việt Nam. Chính ông thú nhận: “Tôi tiếp xúc với khách quốc tế nhiều, họ chuộng tranh tôi. Khách trong nước rất ít, gần như không có”. Thậm chí nhiều người trẻ trong giới nhắc đến tên ông họ còn ngơ ngác. Điều đó cũng không khiến Đỗ Sơn chạnh lòng. Lâu nay ông ít tiếp xúc với bạn bè, bia bọt.

Thường thì một ngày được họa sỹ “chặt” làm đôi (chữ dùng của Đỗ Sơn): “Từ 5 giờ sáng đến 12 giờ trưa tôi thể dục ở ngoài công viên, không tiếp khách. Tôi mang theo ba lô, nước uống, lang thang ngắm cây cối, cảnh vật, ngắm phụ nữ đi trên đường. Chiều từ 1 rưỡi đến 6 giờ tôi vẽ miệt mài. Tối nghỉ ngơi”.

Chẳng ai đoán ông là một họa sỹ vì vẻ ngoài cục mịch, giọng nói nặng mùi quê. Thế mà ông dám đụng đến một đề tài “hot” muôn thuở: Vẽ nude.

Khi Đỗ Sơn quyết định chuyển từ đề tài quân đội sang đề tài nude không ít đồng nghiệp đã can: Họa sỹ nước ngoài khai thác nude cạn rồi, ông còn “vớt” được gì mà cố dấn thân? Nhưng Đỗ Sơn chẳng nghe ai, cứ làm điều mình thích và gặt hái thành công.

Họa sỹ Đỗ Sơn: Nude đầm ấm ảnh 1

Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng

Nếu văn chương có thể ngửi mùi mà đoán chủ nhân thì họa sỹ tài năng cũng phải là người tạo ra những tác phẩm có phong cách riêng, không lẫn. Tranh nude của Đỗ Sơn cực kỳ dễ nhận biết, trước hết ở màu sắc. Tranh của ông rừng rực những sắc màu nguyên bản khiến tôi lơ mơ nhớ đến câu thơ Hoàng Cầm: “Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

Phải chăng vùng quê nổi tiếng với dòng tranh dân gian Đông Hồ đã thấm vào họa sỹ? “Những bản màu nguyên sắc” đó là đặc trưng tranh nude của Đỗ Sơn: “Tôi không thích pha, tôi thích dùng màu ở trong hộp vẽ ra luôn. Tôi vẽ khác tất cả hoạ sỹ Việt Nam, vì dùng màu chói gắt để vẽ đối tượng dịu êm là phụ nữ”.

Trong khoảng chục năm đắm đuối với nude, Đỗ Sơn đã sở hữu gia tài trên hai trăm bức tranh. Và tranh của ông chưa bao giờ lo “ế”, cứ sinh ra là có người rước, rước vào nơi đàng hoàng, sang trọng. Ông chỉ vào một bức tranh đã in trong sách: “Bức này được Hãng dầu nhờn Mobil mua, hiện đang ở Mỹ”.

Tranh của Đỗ Sơn có mặt ở nhiều nước, trong tay những nhà sưu tập hoặc những tập đoàn quốc tế… thậm chí trong lâu đài của vua. Gia đình vua Maroc đã sở hữu ba bức tranh của Đỗ Sơn: Thiếu nữ bên cửa sổ, Mùa xuân của Sapa và một bức tranh vẽ trâu. “Ông vua này biết tranh của tôi qua gallery. Ở Việt Nam ông chỉ chọn được bốn bức, trong đó có ba bức của tôi”, họa sỹ tiết lộ.

Yêu phụ nữ Việt Nam

Cũng như nhiều họa sỹ vẽ tranh nude, người đàn bà trong tranh Đỗ Sơn có thiên hướng phồn thực nhưng không tự nhiên chủ nghĩa. Họa sỹ tuyên bố: “Tôi chỉ yêu cái đẹp, xoay quanh cái đẹp, tôi không làm gì ngoài cái đẹp”. Phụ nữ qua nét vẽ Đỗ Sơn gần gũi, thân thương, cởi đó, khoe đó mà vẫn ấm áp, hiền lành. Đó là vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam: “Tôi chọn tất cả những người phụ nữ lao động bình thường ở nông thôn, ở biển, những con người của đời thường, không xa lạ”.

Ngay cả khởi nguồn cảm hứng nude của ông cũng đi từ dòng sông quê hương: “Nhà tôi khi xưa ở gần sông Cầu, cứ chiều mát, phụ nữ ra tắm rất đông. Ngày ngày tôi đi qua và nhìn thấy. Ban đầu tôi không thích, thấy xấu hổ, ngượng ngùng. Dần dần lại thấy hấp dẫn”.

Nung nấu ý định vẽ nude từ rất sớm nhưng phải chục năm trở lại đây, Đỗ Sơn mới tập trung cho niềm đam mê. Ông là một trong những họa sỹ miệt mài đi biển. Có năm ông đi biển đến vài ba tháng mới về, về rồi lại đi: “Tôi đi biển, từ Vũng Tàu đến vịnh Hạ Long... đi tìm những người tắm, cả tây, cả ta. Những người tắm bình thường”.

Tuy bỏ công nghiên cứu cả phụ nữ tây nhưng vào tranh ông chỉ có phụ nữ ta: “Tôi thích người Việt Nam, tôi yêu phụ nữ Việt Nam vì đó là mẹ mình, chị mình, con mình, toàn những người hiền lành, chân chất”.

Một người làm hội họa có tiếng đã nhận xét về tranh Đỗ Sơn: “Một sự đồng quê được chắt lọc qua màu sắc, nét vẽ hình như chưa được học mà rất học hành.

Họa sỹ Đỗ Sơn: Nude đầm ấm ảnh 2Một tác phẩm của Đỗ Sơn
 Trí tuệ là rất cần thiết cho con người. Tranh Đỗ Sơn là tình cảm. Nếu trí tuệ vào chơi thì cứ mời bác ấy ngồi chơi xơi nước. Thế thôi”. Nhận xét vui vui này khá trúng tranh Đỗ Sơn. Tranh anh không trừu tượng, không đánh đố, xem là thấy, là hiểu.

Chẳng hạn cảnh chị em thay quần áo cũng thành một bức tranh của ông, rất hồn nhiên, gợi tình, gợi cảm. “Mình là người Việt Nam nên mình vẽ cũng rất Việt Nam”, Đỗ Sơn thích sự mộc mạc, ngay trong việc sử dụng màu sắc, màu nguyên bản, không pha.

Ông cũng không có ý định “photoshop” cho những người đàn bà trong tranh mình. Đó đây, người ta vẫn bắt gặp những vòng eo chưa thon, cánh tay chưa nuột… Đúng kiểu như Tagor khuyến khích người yêu: “Em thế nào thì cứ thế mà đến/ Chớ có loay hoay sửa soạn áo quần”.

Nhiều người vẽ nude bằng tưởng tượng còn Đỗ Sơn không thích tưởng tượng để vẽ: “Những người phụ nữ trong tranh đều là những người tôi nhờ, tôi thuê, tôi không bịa cái gì cả”.

Ông chỉ vào một bức tranh trong sách: “Mẫu của bức tranh này là một cô đi bộ đội về, rất mộc mạc, thật thà. Tôi chỉ thích người mộc mạc, không thích diêm dúa. Rất nhiều người đẹp không làm mẫu cho tôi được. Tôi không thích những cô đánh phấn, môi son, điệu đà. Tôi thích những khuôn mặt dân dã”.

Ngắm tranh Đỗ Sơn phát hiện, ông không vẽ những cô gái trẻ: “Người mẫu của tôi độ ngoài 30, tôi không thích trẻ. Tôi thích vẽ những phụ nữ đã làm vợ, làm mẹ”.

Thợ và nghệ sỹ

Ba bức tranh của vua Maroc mua, đều là những bức tranh khổ lớn: Thí dụ bức Mùa xuân của Sa Pa: 2,2x 1,6 m, bức vẽ con trâu: 1,2x 1,6m.

Đỗ Sơn thích vẽ những bức nude hoành tráng: “Tôi không chủ định hoành tráng nhưng tôi nghĩ thời bây giờ nhà to lắm khác với thời ông Bùi Xuân Phái. Tôi sang Singapore, sang Pháp, sang Đức… tôi thấy nhà của người ta to chứa những tranh rất to nên tôi làm tranh to”. Nhưng nhà người Việt, nhất là nhà ở thành phố lớn thường lại không đạt được diện tích như Đỗ Sơn tưởng tượng thế nên tranh của anh khiến người Việt “sợ” chăng? Ngay cả họa sỹ cũng chật vật khi vẽ tranh.

Ngôi nhà của Đỗ Sơn đang ở được ông xác định: “Ở là phụ, xưởng vẽ là chính”. Thế mà vào thời điểm hăng say sáng tác, chỉ vài bức tranh to đặt ở nhà, đã chiếm hết diện tích không có lối vào ra. Cũng chính vì sở thích nude hoành tráng mà hiện tại sức khỏe Đỗ Sơn đang gặp trục trặc: “Tôi bị ngộ độc xoang mũi vì hít sơn, chữa mãi đến bây giờ vẫn chưa khỏi”.

Vì sức khỏe có vấn đề nên sức sáng tác của ông cũng giảm: “Vẽ có hai phần: Phần thợ và phần nghệ sỹ. Phần thợ bắt buộc phải có sức khỏe. Mà tâm hồn cũng không phải cái ô tô cứ chạy là đến đích, nhiều vấp váp, nhiều chông gai trên con đường sáng tạo”.

Bảo Đỗ Sơn cứ vẽ nude vừa vừa, đừng hoành tráng làm gì cho nhọc nhưng ông vẫn cương quyết: “Tôi mới làm được khoảng 40 bức nude lớn, đã bán hết rồi. Tôi vẫn theo con đường này cho dù trả giá bệnh tật”. Như vậy, ai muốn sở hữu một bức tranh của Đỗ Sơn, trước hết cũng cần tậu một ngôi nhà lớn. Sực nhớ có một lần phỏng vấn họa sỹ Lê Quảng Hà, anh bảo: “Tranh tôi treo ở toilet”.

Mỗi người cầm cọ có một quan niệm. Tranh đã đẹp thì treo đâu cũng đẹp, cho dù là treo toilet. Nhưng tranh đẹp lại được treo nơi đẹp như lâu đài của vua chẳng hạn, thì cũng là niềm vinh dự và khát khao của nhiều họa sỹ.

Hoạ sỹ Đỗ Sơn từng đoạt giải bạc triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 80 và giải vàng đề tài chiến tranh năm 84. Đã có tranh trưng bày ở Bảo tàng nghệ thuật Việt Nam và Singapore.
“Tình yêu nồng nàn thiên nhiên và con người hàng ngày… lại hàng ngày, cứ giục giã tôi cầm bút vẽ” (Đỗ Sơn).

Làm nghệ thuật mà tính toán là… bại

Họa sỹ Đỗ Sơn: Nude đầm ấm ảnh 3
Đỗ Sơn miêu tả trạng thái sáng tạo của mình: “Tôi vẽ trong trạng thái… như hơi thở. Hội họa, viết văn, làm nhạc mà tính toán là sắp bại rồi. Nó giống như hơi thở từ đâu đó đến, nó nhuần nhuyễn tới thành thục”.

Không ít người trong giới đồn gặp Đỗ Sơn rất khó vì ông khái tính. Họa sỹ giải thích: “Tôi không khó. Chẳng qua không thích gặp ai, không có thời gian nhậu với bạn, bao nhiêu thời gian tôi chôn vào vẽ cả rồi. Tôi làm việc hùi hụi, ngại gặp người khác vì hết thời giờ, tôi thích làm hơn. Bởi tôi đã trông thấy những con người già nua, tôi biết bản thân mình cần phải cố gắng làm việc để không lãng phí khi còn khỏe mạnh. Tôi lao động cật lực nên trốn chạy những cái khác, thế thôi”.

Đỗ Sơn cũng thường hủy tranh, những bức không hài lòng thì kiên quyết bỏ. Ngay khi bức tranh ra đời ông đã cảm nhận được đời sống của nó. Khi bán “con” họa sỹ cũng kén người mua: “Có những bức tranh tôi giấu đi không bán vì nghe cách nói năng của khách tôi biết người ấy nông cạn về nghệ thuật. Tôi thấy bán cho người ta thì phí quá”.

Họa sỹ “lãnh đạo” một gia đình gồm vợ và ba cô con gái: “Tôi nuôi cả gia đình, mua cho mỗi người con một ngôi nhà, chỉ bằng cái đầu và bút thôi”.

MỚI - NÓNG