Họa sỹ lên núi dạy vẽ

Các em nhỏ hăng say vẽ tranh tập thể.
Các em nhỏ hăng say vẽ tranh tập thể.
TP - 18 nghệ sỹ rủ nhau “lên núi dạy vẽ”, tưởng chuyện đùa và đây chỉ là một chuyến phượt, nhưng không. Đúng là họ đi làm cái việc hơi giống “dã tràng xe cát” ấy. Và rồi sau chuyến đi, triển lãm hội họa có cái tên là lạ “Sắc Đá” ra đời.

Triển lãm trưng bày tranh của các em nhỏ và các tác phẩm của nghệ sỹ tham gia chương trình “Ngôi sao miền núi- Mountain Star 2015” được tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài - Hà Nội từ ngày 10/10 đến ngày 16/10. Trên 50 bức tranh, đa số có bảng màu rực rỡ làm nhà triển lãm ấm áp hẳn lên dù cơn gió lạnh thực sự đầu đông đang ập đến.

Gặp họa sỹ Lê Nguyên Mạnh, trong bộ comple may bằng vải chăn con công ngay cửa triển lãm, anh hào hứng: “Vui lắm, chúng (trẻ em 2 trường tiểu học thuộc xã Lũng Cú và xã Sủng Là - huyện Đồng Văn, Hà Giang, nơi các nghệ sỹ đến dạy vẽ - pv) cũng như con mình thôi. Rất nhiều cháu vẽ rất đẹp nhé!”. Sau khi đi Hà Giang (diễn ra trong tháng 8) và hoàn thành các tác phẩm cho triển lãm, Lê Nguyên Mạnh cũng đón đứa con thứ hai của anh chào đời.

Đây là một hoạt động nghệ thuật trên tinh thần nghệ sỹ đến với người dân ở những nơi xa xôi, khó khăn, cũng là một cách đi thực tế để sáng tác. Về việc dạy hội họa - nói như họa sỹ Lương Xuân Đoàn, người thay mặt Hội MTVN đến phát biểu khai mạc triển lãm này- là “khai mở thẩm mỹ cho trẻ em miền núi”; họa sỹ Nguyễn Trường Linh - giảng viên Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội cho rằng đây là một hoạt động tương tác giữa nghệ sỹ và trẻ em. “Chúng tôi dạy cho trẻ em một số kỹ năng ban đầu, còn các em dạy lại cho chúng tôi cái nhìn trong trẻo mà có thể chúng tôi đã quên mất” - họa sỹ Nguyễn Thế Hùng tâm sự. Triển lãm “Sắc Đá” là kết quả của việc tương tác này.

Họa sỹ lên núi dạy vẽ ảnh 1 Tranh của Trần Tuấn Long.

Đây là một ý tưởng mới lạ, tạo nên một triển lãm giàu ý nghĩa và phức hợp giọng điệu. Trong triển lãm, có thể thấy những cảm xúc tươi rói của họa sỹ khi tiếp cận với thực tế vùng khó khăn cộng với những nét vẽ hồn nhiên, màu sắc khoẻ khoắn của trẻ em dân tộc ít người khi mới được tiếp cận với hội họa.

“Ngôi sao miền núi" – một cánh cửa đưa hội họa Việt ra nước ngoài

Tháng 7/2014, anh Kuo Yen Wei - nghiên cứu sinh người Đài Loan tại Đại học Quốc gia Hà Nội, đã khởi xướng và tổ chức thành công dự án mỹ thuật “Ngôi sao miền núi- Mountain Star”, thu hút được sự chú ý và ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Chương trình năm 2014 kết thúc với triển lãm trưng bày các tác phẩm của các nghệ sỹ tham gia chương trình mang tên “Star Light” được tổ chức tại Heritage Space- Hà Nội và “Bare Land”. Đáng chú ý sau đó là triển lãm giới thiệu các tác phẩm của họa sỹ Việt Nam có quy mô lớn nhất và nhận được rất nhiều sự quan tâm của công chúng tại Đài Loan. Anh Wei (Vĩ) cho biết: Công chúng Đài Loan hầu như chưa được biết tới nền hội họa đương đại Việt Nam. Họ kinh ngạc trước trình độ và mỹ cảm của họa sỹ trẻ Việt nam. Triển lãm bước đầu thành công cả về mặt thị trường khi nhiều nhà sưu tập mua tranh của họa sỹ Việt.

Họa sỹ lên núi dạy vẽ ảnh 2

Tranh của Bùi Quốc Khánh.

Năm nay, “Ngôi sao miền núi - Mountain Star” lại tiếp tục được thực hiện thành công tại các xã khó khăn của huyện Quản Bạ và huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cùng với sự tham gia của gần 20 họa sỹ đương đại Việt Nam thuộc nhóm Sơn Ta Việt Nam - nhóm các họa sỹ chuyên sáng tác tranh sơn mài trên chất liệu sơn ta truyền thống (họa sỹ Nguyễn Trường Linh, họa sỹ Trần Tuấn Long, họa sỹ Chu Viết Cường...), nhóm giảng viên Trường cao đẳng nghệ thuật Hà Nội (họa sỹ Nguyễn Đức Vinh, họa sỹ Bùi Quốc Khánh...), nhóm nghệ thuật Black (họa sỹ Đặng Xuân Hùng, Lê Nguyên Mạnh...), ngoài ra còn có các họa sỹ tự do, các nhiếp ảnh gia và tình nguyện viên.

Tại đây, các họa sỹ đã vẽ trang trí trường học. Những bức tường thô tháp, đơn sắc của trường tiểu học xã Đông Hà, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đã trở thành những bức tranh lớn rất sinh động. Họa sỹ Trần Tuấn Long tâm sự: “Chúng tôi không có gì ngoài nghệ thuật để cho các em. Nhìn bữa ăn của các em mà rớt nước mắt. Nhưng có lẽ ngoài cái ăn, các em cũng cần niềm vui từ sắc màu…”. Họ - các họa sỹ thật tâm mong muốn mỗi ngày đến trường của các em đều là một ngày vui, mỗi lần đến lớp là một lần các em được thoải mái học tập, vui đùa trong thế giới tràn ngập màu sắc của những ước mơ.

Họa sỹ lên núi dạy vẽ ảnh 3

Tập pha màu .

Ngoài việc dạy vẽ, các họa sỹ còn cùng các em tổ chức nhiều trò chơi tập thể. Cùng nhau hát vang những bài hát về gia đình, quê hương, đất nước.

Hơn 100 em nhỏ được tham gia vào lớp học hội họa đặc biệt này luôn được các họa sỹ khuyến khích sáng tạo bằng cách pha màu theo ý thích, dùng chính những màu sắc đó để tự do vẽ theo ý thích, tự do vẽ ra những ước mơ của chính mình. Ngoài ra, các họa sỹ còn hướng dẫn các em cách thể hiện những hoạ tiết trên trang phục dân tộc của mình lên tranh, dùng chính những hoạ tiết đó để trang trí những bức tranh của mình. Cuối mỗi buổi học, các em được chia thành nhiều nhóm nhỏ để vẽ những bức tranh khổ lớn. Lúc này, các em như những họa sỹ nhí chuyên nghiệp, được sử dụng những vật dụng chuyên dùng của họa sỹ từ cọ vẽ, màu vẽ đến những vật liệu vẽ khác để tự do sáng tạo, để cùng nhau vẽ nên bức tranh có gia đình, có bạn bè, thầy cô, thiên nhiên và ước vọng vượt lên cuộc sống khó khăn của chính mình.

Đây là những bài học đầu tiên để các em có được cái nhìn nhân văn hơn với cuộc sống, nhờ sự khai mở của các họa sỹ chuyên nghiệp.

Sau triển lãm “Sắc Đá” tại Hà Nội lần này sẽ là một triển lãm tại thành phố Cao Hùng (Đài Loan) dự kiến diễn ra đầu năm 2016.

Triển lãm có sự tham gia của các họa sỹ:

Nguyễn Trường Linh, Trần Tuấn Long, Nguyễn Tuấn Thịnh, Hoàng Xuân Hương, Mai Huy Dũng, Nguyễn Hồng Phương, Hà Huy Lê, Nguyễn Quang Thắng, Đặng Xuân Hùng, Nguyễn Minh Đông, Ngô Thái Sơn, Lê Đào Lượng, Lê Nguyên Mạnh, Nguyễn Thế Hùng, Chu Viết Cường, Nguyễn Phan Bách, Bùi Quốc Khánh, Nguyễn Đức Vinh.

MỚI - NÓNG