Hóa thân làm Con đĩ đánh bồng: Biết tỏ cùng ai

Hóa thân làm Con đĩ đánh bồng: Biết tỏ cùng ai
TP - Chuyện trai giả gái múa hát tung tăng tưởng không còn rào cản tâm lý. Nhiều sự cố thú vị đến với đội múa Con đĩ đánh bồng Hào Nam.

Sau bài báo Sống lại Con đĩ đánh bồng nhiều điều xảy ra với nhóm múa. Sẽ chỉ toàn niềm vui nếu không có chuyện tối thứ Bảy (14/3) khi sân khấu Hà Thành 36 phố phường chuẩn bị sáng đèn thì đùng cái biên đạo múa Trọng Hạp và bạn trẻ Thanh Tú vắng mặt.

Bốn người múa thì nghỉ hai trong khi lịch hẹn với VTV không đổi được. Trọng Hạp có lý do chính đáng, còn Thanh Tú, mọi người rỉ tai nhau, nguyên do người yêu của chàng nhất định không cho múa nữa. Ai cũng tiếc vì Tú múa tuy chưa điêu luyện nhưng lại toát vẻ rất Con đĩ đánh bồng- vừa hóm, vừa dứt khoát lại lả lơi.

Đành bàn nhau kích nhạc sĩ Ngọc Hưng đồng ý thế chân. Nhạc sĩ chuyên dạy đàn bầu này múa khá ấn tượng. Có điều trước đó anh nhất định không nhập cuộc. Cuối cùng vì sợ thất hứa với nhà đài mà anh đổi ý.

Sau bữa ấy, bản tin văn hóa trên VTV1, kể cả thời sự 19 giờ liên tiếp phát phóng sự về điệu múa. Thế là bao ngày im ỉm chuyện múa, về nhà không chia sẻ với ai, bỗng lộ vở.

Nhạc sĩ Hưng thành người của công chúng, ít nhất với ngõ nhỏ phố Lạc Trung nhà anh. Cô cháu gái sang khoe um thấy chú mặc váy đen đội khăn mỏ quạ đỏ múa trên tivi. Đêm sau VTV4 lại giới thiệu.

Lần này phu nhân của Hưng tận mắt thấy phu quân lả lướt Con đĩ đánh bồng, bèn đòi anh múa tại trận. “Múa ở đình thì thoải mái chứ ở nhà không sao làm được” - Hưng tủm tỉm.

Rồi Thanh Tú, sau sáu ngày, không biết thuyết phục thế nào mà cuộc chiến  quan điểm với người yêu kết thúc có hậu. Từ đêm diễn thứ Bảy 21/3, lại thoải mái tung tăng Con đĩ đánh bồng ở cửa chợ Đồng Xuân.

Ông Nguyễn Văn Trang, Trưởng BQL di tích đình đền Hào Nam cởi lòng: Nào đâu xa,  ông nội của bác Thọ (Phó BQL) là cụ Ba Trấp xưa mê múa, cứ đến hội làng lại bồn chồn tay chân. Cụ múa đẹp, đóng giả con gái y như thật.

Nhưng cụ bà một mực phản đối, nhiều lần cầm gậy rượt đuổi bắt chừa. Rồi cụ Sơn (thế hệ sau) múa rất hay nhưng những năm cuối đời muốn truyền cho con cháu mà chẳng ai vượt qua rào cản để học.

Cụ Cân 85 tuổi, có lẽ là nghệ nhân múa cao tuổi nhất Hà Nội hiện nay, đang mong chờ truyền lại điệu múa cho Thủ Lệ của cụ nhưng chưa ai sẵn sàng. Hôm Hào Nam mời về dạy, cụ rớt nước mắt, tưởng không bao giờ còn được khoa tay, nhịp chân những động tác rất đỗi thân quen ấy. 

Khoái chí được gọi con đĩ

Nhạc sĩ Thao Giang tiết lộ bí quyết chiêu dụ: “Thanh niên nên tham gia bảo vệ văn hóa, làm bất cứ gì có lợi cho truyền thống dân tộc…”. Không ngờ những câu nói chân tình ấy góp phần phá tan mặc cảm để các chàng (đủ nghề, bếp, bảo vệ, sinh viên và cán bộ nhà nước…) khoác lên mình chiếc váy đụp, khăn mỏ quạ đỏ tô môi hồng má đỏ, hóa thân làm Con đĩ đánh bồng.

Khánh Lâm, thành viên nhóm múa, tiết lộ: “Bây giờ tụi bạn cùng chỗ làm có lúc gọi em là con đĩ…” (chưa hết lời đã phá lên cười). Rồi hớn hở: “Mỗi lần như thế cả lũ lại râm ran bao chuyện quanh đề tài này”.

Lâm bảo, rất thích học múa nhưng phải giấu tiệt. Chả may một sáng, cậu bạn làm bộ phận chạy bàn cùng nhà hàng Ete hô lên với mọi người khi thấy ảnh Lâm trên Tiền Phong.

Lê Quang Mạnh khi mới tiếp cận điệu múa, thừa nhận hơi ngại nhưng được các thầy, nghệ nhân nói rõ cái hay, tầm quan trọng của nó. Mạnh chia sẻ ngay với gia đình, cả nhà sốc, nhưng rồi thấy thú vị và nhiệt tình ủng hộ.

Còn nghệ sĩ Trọng Hạp- quê cụ ngoại ở làng Triều Khúc, làng duy nhất duy trì điệu múa theo lối cổ nhiều chục năm qua, các cụ nhà anh xưa là thầy đồ và giữ từ ở đình Triều Khúc.

Vì thế điệu múa gắn với anh bằng sợi dây vô hình. Cho đến khi về với Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc VN tọa ngay đình Hào Nam, anh đã hết mình để điệu múa tái hiện.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.